Thêm các "dấu hiệu đỏ" cho nền kinh tế Hàn Quốc

06:30' - 15/03/2023
BNEWS Thâm hụt tài khoản vãng lai kỷ lục, đồng won yếu và sự sụp đổ của một ngân hàng Mỹ báo hiệu thêm các rủi ro mới cho nền kinh tế Hàn Quốc.
Một loạt "dấu hiệu đỏ" mới đang xuất hiện đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Đây là tin xấu đối với các nhà hoạch định chính sách đang phải nỗ lực để chế ngự tình trạng lạm phát cao và giải quyết rủi ro suy thoái kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, có ba diễn biến đáng lo ngại đối với nền kinh tế Hàn Quốc đó là: quốc gia này đã công bố mức thâm hụt tài khoản vãng lai kỷ lục vào tháng 1/2023; đồng nội tệ won của Hàn Quốc đang mất giá nhanh chóng so với đồng USD; cuối cùng là các nhà đầu tư đang lo ngại về tác động dây chuyền từ sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) có trụ sở tại San Francisco (Mỹ).

Việc Hàn Quốc bị thâm hụt tài khoản vãng lai kỷ lục trong tháng 1/2023 không gây ngạc nhiên do nước này phải đối mặt với những khó khăn liên tiếp khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như chất bán dẫn sụt giảm mạnh trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Giới phân tích cho rằng số liệu công bố của tháng Một không được coi là sự sụt giảm tạm thời bởi lẽ mức độ sụt giảm lớn chưa từng có.

Dữ liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 10/3 cho thấy thâm hụt tài khoản vãng lai của Hàn Quốc lên tới 4,52 tỷ USD trong tháng 1/2023, so với mức thặng dư 2,68 tỷ USD trong tháng 12/2022. Cán cân hàng hóa thâm hụt 7,46 tỷ USD. Đây là tháng thứ tư liên tiếp cán cân hàng hóa rơi vào xu hướng thâm hụt và còn giảm mạnh tới 9 tỷ USD so với mức thặng dư là 1,54 tỷ USD của năm trước đó. Con số này đánh dấu mức thâm hụt tài khoản vãng lai hàng tháng lớn nhất kể từ khi BoK bắt đầu tổng hợp dữ liệu này tháng 1/1980.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là xuất khẩu vốn trì trệ tiếp tục trầm trọng hơn do nhu cầu chip chậm lại trên toàn thế giới và thâm hụt tài khoản dịch vụ tăng mạnh do người Hàn Quốc đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều sau khi các quy định kiểm soát phòng dịch COVID-19 dần nới lỏng.

Xuất khẩu giảm 14,9% so với cùng kỳ trong tháng Một, kéo dài chuỗi giảm tháng thứ 5 liên tiếp do các nhà sản xuất chip trong nước như Samsung Electronics và SK hynix phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ chất bán dẫn yếu từ các thị trường lớn. Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, các lô hàng chip ra nước ngoài đã giảm mạnh 43,4% so với cùng kỳ trong tháng Một. Ngược lại, nhập khẩu tăng 1,1% trong cùng kỳ.

BoK cho biết, mức thâm hụt kỷ lục trong tháng Một dự kiến sẽ trở lại mức bình thường vào tháng Hai do thâm hụt thương mại nhỏ hơn vào tháng trước. Các quan chức chính phủ cho biết cán cân tài khoản vãng lai sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023 nhờ việc mở cửa trở lại thị trường Trung Quốc sau thời gian dài phong tỏa các hoạt động kinh tế để phòng dịch.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc không quá lạc quan khi bị phụ thuộc vào các yếu tố rủi ro bên ngoài để đánh giá tình hình. Trên thực tế, các yếu tố bên ngoài đang ngày càng trở nên tiêu cực đối với nền kinh tế có trụ cột hướng vào xuất khẩu của Hàn Quốc.

Trong khi lãi suất cao và lạm phát không thay đổi, đồng won của Hàn Quốc đã chịu áp lực lớn trong những tuần gần đây. Đồng tiền Hàn Quốc đóng cửa ở mức 1.324,2 won so với đồng USD khi kết thúc phiên giao dịch ngày 10/3. Đây là thời điểm đồng won rớt giá thấp nhất trong bốn tháng kể từ ngày 29/11 khi được giao dịch ở mức 1.326,6 won đổi 1 USD.

Đồng tiền của Hàn Quốc đã mất 7,36% trong một tháng, mức giảm mạnh nhất trong số các nước lớn, bao gồm cả Nhật Bản khi đồng yen mất giá 4,69%. DXY, chỉ số giá trị của đồng USD so với rổ ngoại tệ, tăng 2,85% trong cùng kỳ. Điều này có nghĩa là sự mất giá của đồng won Hàn Quốc nhanh hơn gấp đôi so với sự tăng giá của đồng USD.

Sự suy yếu của đồng won Hàn Quốc chủ yếu là do đồng USD mạnh lên, thâm hụt thương mại và tài khoản vãng lai kéo dài, dòng vốn chảy ra ngoài do chênh lệch lãi suất ở Hàn Quốc và Mỹ và sự gia tăng các tài khoản đầu tư chứng khoán mới ở nước ngoài do các nhà đầu tư trong nước mở.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa của Fed được cho là sẽ nới rộng khoảng cách lãi suất giữa Hàn Quốc và Mỹ. Tình trạng hiện nay đang đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho BoK, vốn đang chủ trương đóng băng lãi suất ở mức 3,5% trong quyết định đưa ra hồi tháng trước.

Sự sụp đổ đột ngột của SVB, một ngân hàng tập trung vào lĩnh vực công nghệ, đánh dấu vụ phá sản lớn thứ hai của một ngân hàng thương mại Mỹ trong lịch sử tính từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vì các khách hàng chính của SVB là các công ty khởi nghiệp về công nghệ và chăm sóc sức khỏe nên có những lo ngại về khả năng các công ty khởi nghiệp và ngân hàng khác có thể gặp phải vấn đề thanh khoản tương tự. Những tình huống bất trắc tại SVB đã cảnh báo các công ty khởi nghiệp và công ty đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc có tiền gửi vào ngân hàng.

Trong bối cảnh này, các nhà hoạch định chính sách kinh tế của chính phủ được khuyến nghị đưa ra các chính sách để giải quyết vấn đề thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt thương mại, đồng thời theo dõi sát sao diễn biến bất thường trên thị trường ngoại hối và tác động lan tỏa từ sự sụp đổ của SVB./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục