THEO DÒNG THỜI SỰ: Thỏa hiệp khôn khéo

16:33' - 22/12/2019
BNEWS Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Iran Hassan Rouhani ở Tokyo đã kết thúc bằng việc Tehran nhất trí với kế hoạch của Nhật Bản phái cử các tàu chiến tới Trung Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong cuộc gặp tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 20/12/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Iran Hassan Rouhani ở Tokyo đã kết thúc bằng việc Tehran nhất trí với kế hoạch của Nhật Bản phái cử các tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) tới Trung Đông.

Đây được coi là một thành công của Tokyo trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với áp lực phải tham gia liên minh quân sự “Sáng kiến An ninh Hàng hải” do Mỹ cầm đầu, mà Washington tuyên bố là để bảo đảm an ninh cho vùng biển chiến lược gần eo biển Hormuz, song Iran luôn phản đối, cảnh báo sự hiện diện của một lực lượng như vậy sẽ chỉ khiến tình hình khu vực thêm phức tạp.

Nhật Bản đã mắc kẹt trong mối quan hệ giữa Mỹ - đồng minh an ninh chiến lược quan trọng nhất, và Iran - một trong những nhà cung cấp dầu thô quan trọng của Tokyo, sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vào tháng 5/2018.

Căng thẳng ngày càng leo thang trong quan hệ Mỹ-Iran suốt từ đầu năm 2019 thực sự đẩy Nhật Bản vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhất là sau vụ một tàu chở dầu của Nhật Bản cùng nhiều tàu chở dầu của Saudi Arabia và UAE bị tấn công ở khu vực gần eo biển Hormuz, những vụ việc Mỹ luôn chỉ đích danh Iran là thủ phạm dù Tehran kiên quyết bác bỏ.

Trong nỗ lực gia tăng sức ép đối với Tehran, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa trừng phạt các nước nhập khẩu dầu mỏ từ quốc gia Trung Đông này, trong đó Nhật Bản.

Điều này khiến Nhật Bản – nước vẫn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ từ Trung Đông để đáp ứng 90% nhu cầu năng lượng trong nước – đã phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran và tìm kiếm các nhà cung cấp khác.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm các nguồn cung ổn định với khối lượng lớn và trong thời gian dài không dễ. Đó là chưa kể sức ép về giá mà Tokyo phải đối mặt khi chuyển sang nguồn cung mới.

Nhật Bản luôn coi Iran là một đối tác lâu năm và tin cậy đối với nhu cầu năng lượng đất nước “Mặt Trời mọc”. Từ năm 1973 Nhật Bản nhập khẩu 70% dầu thô của mình từ Iran, và năm 2004 đã đổ rất nhiều vốn vào mỏ dầu khổng lồ Azadegan… Việc từ bỏ thị trường này theo các lệnh trừng phạt của Mỹ là một lựa chọn không hề dễ dàng đối với Tokyo.

Hơn nữa, Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều tiền của vào cả lĩnh vực năng lượng và phi năng lượng ở các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.

Tình hình bất ổn tại khu vực này, đặc biệt là nguy cơ một cuộc chiến tranh sẽ ảnh hưởng đáng kể tới lợi ích của Tokyo. Nền kinh tế của Nhật Bản được cho là rất dễ bị tổn thương trước một “cú sốc” tăng giá cao hay một sự gián đoạn chuỗi cung ứng đột ngột do căng thẳng Iran và Mỹ trở nên trầm trọng.

Tháng 9/2019, cuộc tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia đã khiến sản lượng dầu toàn cầu nhất thời giảm 5%.

Đối với Nhật Bản, quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung dầu thô, khí đốt của Trung Đông, việc xảy ra thường xuyên các tình huống nguy hiểm như vậy đặt ra một vấn đề lớn cho an ninh năng lượng của nước này.

Trong bối cảnh đó, sức ép từ phía Mỹ đòi Nhật Bản tham gia “Sáng kiến an ninh hàng hải” lại không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây, buộc Tokyo  phải sớm đưa ra quyết định.

Đây là bài toán vô cùng hóc búa đối với Thủ tướng Abe bởi vì việc tham gia vào một liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu có thể ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ với Iran, đồng thời hủy hoại hình ảnh một quốc gia trung lập của Nhật Bản ở khu vực này.

Bên cạnh đó, việc Tokyo phái cử tàu chiến của SDF tham gia liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu ở vịnh Pécxích có thể tiềm ẩn những rủi ro lớn về mặt pháp lý và chính trị do Điều 9 của Hiến pháp nước này không cho phép Nhật Bản tham chiến để giải quyết các xung đột quốc tế.

Tuy nhiên, Nhật Bản khó có thể từ chối yêu sách của Washington khi mà Tokyo vẫn còn phụ thuộc vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ.

Tình thế bế tắc ấy khiến Nhật Bản càng có lý do để thúc đẩy vai trò "trung gian hòa giải" giữa Mỹ với Iran, nhằm chặn đứng sự leo thang nguy hiểm, có thể dẫn đến xung đột ở toàn bộ vùng Trung Đông, đe dọa trực tiếp an ninh năng lượng của Tokyo.

Quan trọng hơn, nếu thể hiện được vai trò này, Nhật Bản sẽ bảo đảm “vẹn cả đôi đường” trong chính sách đối ngoại, từ đó có điều kiện tăng cường vai trò và vị thế của mình trong các vấn đề quốc tế, nhất là khi Tokyo, mặc dù là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng vẫn có quan hệ rất gần gũi với Tehran.

Giữa tháng 6/2019, Thủ tướng Abe đã có chuyến thăm Iran để thực hiện sứ mệnh này. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản tới Iran kể từ năm 1979.

Tuy trong chuyến công du lịch sử này, ông Abe đã không thuyết phục được Tehran ngồi vào bàn đàm phán với Washington, song dường như đã phần nào thể hiện rằng Nhật Bản hoàn toàn có thể đóng vai trò “làm cầu nối” giữa Mỹ và Iran.

Chuyến thăm này cũng giúp Tokyo duy trì được mối quan hệ mật thiết với Tehran, củng cố lòng tin giữa hai nước, điều đặc biệt có ý nghĩa với Iran trong bối cảnh quốc gia Hồi giáo đang hứng chịu các lệnh trừng phạt hà khắc của Mỹ.

Bản thân chuyến thăm của Tổng thống Iran tới Nhật Bản từ ngày 20-22/12 cũng thể hiện rằng Tehran coi trọng và muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Tokyo.

Hơn nữa, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran vẫn tiếp tục xuống dốc khi Wahsington liên tiếp áp đặt trừng phạt còn Tehran đang tiếp tục giảm các cam kết trong JCPOA, các nước Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra bế tắc không thể tháo gỡ căng thẳng, việc Iran quay sang Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ, cũng dường như để ngỏ một tín hiệu rằng Tehran chưa hoàn toàn đóng cánh cửa đối thoại với Mỹ.

Những tuyên bố đạt được giữa lãnh đạo hai nước trong chuyến thăm của Tổng thống Iran tới Nhật Bản, phần nào cho thấy cả hai đều cố gắng không để những căng thẳng và bất hòa từ bên ngoài tác động tới mối quan hệ hữu nghị hiện nay.

Nói cách khác, cả hai đã có những bước thỏa hiệp nhất định để duy trì quan hệ cùng có lợi hiện nay. Lãnh đạo Nhật Bản đã khẳng định lại một tầm quan trọng của việc bảo đảm tuân thủ JCPOA và nêu rõ cách thức Nhật Bản mong muốn đóng góp cho sự ổn định và hòa bình tại Trung Đông thông qua việc phái Lực lượng phòng vệ tới khu vực này, trong khi Tổng thống Iran cũng bày tỏ “sự thấu hiểu” đối với kế hoạch của Tokyo, động thái được hiểu là “bật đèn xanh” cho Nhật Bản.

Có thể nói, Nhật Bản đã tìm ra một giải pháp khôn khéo là phái cử lực lượng SDF tới Trung Đông với mục đích “điều tra và nghiên cứu”.

Tàu khu trục và máy bay tuần tra của SDF sẽ không đi vào vịnh Pécxích mà chỉ hoạt động trong khu vực từ vịnh Oman tới biển Arab và vịnh Bab el-Mandeb.

Đây là một thỏa hiệp khôn khéo, vừa giúp Tokyo chứng tỏ cho Washington thấy rằng Nhật Bản sẵn sàng đóng góp cho “Sáng kiến an ninh hàng hải” cho dù không tham gia trực tiếp vào liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu, vừa tránh chọc giận Iran.

Bên cạnh đó, giải pháp này cũng giúp chính quyền của Thủ tướng Abe tránh được một cuộc tranh cãi tại quốc hội về vấn đề sử dụng vũ khí của SDF.

Về phần Iran, phản ứng của Tổng thống Rouhani cho thấy một cách tiếp cận khéo léo và linh hoạt trong vấn đề liên quan tới quan hệ với Nhật Bản.

Có thể hiểu Iran đang thực hiện một chính sách đối ngoại hết sức cẩn trọng trong vấn đề này nhằm “thêm bạn, bớt thù” và giảm bớt căng thẳng ở khu vực trong bối cảnh hiện nay, thông qua việc thỏa hiệp với “kế hoạch khôn khéo” của Nhật Bản.

Điều này được cho có thể tác động tích cực tới các bước đi tiếp theo của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân vốn đang bên bờ vực đổ vỡ.

Ở một phương diện nào có, chuyến công du của Tổng thống Iran Rouhani tới Nhật Bản và kết quả cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước ở Tokyo đang hé lộ những tia hy vọng về khả năng tháo gỡ nút thắt đang khiến vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran chìm trong bế tắc, mà trước hết là cơ hội đối thoại cho Mỹ và Iran. Đương nhiên, câu chuyện còn phụ thuộc vào việc Mỹ có chấp nhận kế hoạch của Nhật Bản hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục