Thí điểm neo đất bằng công nghệ Nhật Bản

17:02' - 18/01/2019
BNEWS Đây là một trong những hoạt động thuộc dự án “Khảo sát kiểm chứng hỗ trợ khu vực tư nhân phổ biến các công nghệ của Nhật Bản.
Công nhân thực hiện các công đoạn thí điểm neo đất bằng công nghệ Nhật Bản tại đường dẫn đầu cầu Bãi Cháy. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Ngày 18/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế JICA (Nhật Bản) và Tập đoàn SE (SEC – Nhật Bản) tổ chức lễ “Tham quan công trường thí điểm neo đất công nghệ Nhật Bản” tại đường dẫn đầu cầu Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tham dự buổi lễ có đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam cùng Ban quản lý dự án 3, JICA, SEC, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải.

Đây là một trong những hoạt động thuộc dự án “Khảo sát kiểm chứng hỗ trợ khu vực tư nhân phổ biến các công nghệ của Nhật Bản cho giải pháp thi công neo đất phòng chống sụt trượt đất đá tại mái dốc thuộc các công trình đường bộ” được thực hiện bởi Tổng cục đường bộ Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế JICA và Tập đoàn SE.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, hiện có đến 30% tuyến quốc lộ của Việt Nam (tổng chiều dài 20.654 km) đi qua địa hình đồi núi. Tại các mái dốc nằm hai bên các công trình đường bộ, giải pháp xử lý đối với các hiện tượng sụt trượt đất dễ phát sinh vào mùa mưa phần lớn là các giải pháp tạm thời, nhiều trường hợp sụt trượt tái phát sau khi xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn giao thông.

Trước hiện trạng trên, Tập đoàn SE đã nhận được sự ủy thác của JICA để triển khai Dự án thi công thí điểm công nghệ neo đất của Nhật Bản thời gian từ 5/2017 - 5/2019, với tổng giá trị tài trợ từ JICA khoảng 23 tỉ đồng.

Công nhân thực hiện các công đoạn thí điểm neo đất bằng công nghệ Nhật Bản tại đường dẫn đầu cầu Bãi Cháy. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Đây là công nghệ neo đất vĩnh cửu đã nhận được Giấy chứng nhận kiểm định kỹ thuật xây dựng từ Trung tập kỹ thuật đê và sụt trượt đất (Nhật Bản).

Công nghệ neo đất Nhật Bản được áp dụng phương thức cố định đầu neo bằng đai ốc, có cấu tạo chống ăn mòn 2 lớp, được sử dụng rất nhiều ở những công trình có địa chất là đất sét, đất cát và đá tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Vị trí thi công Dự án là mái taluy số 7 thuộc đồi Ba Đèo ngay chân cầu Bãi Cháy. Theo đề xuất, Dự án sẽ thi công, xử lý tập trung vào diện tích khu vực trọng điểm của điểm sụt trượt là khoảng 270m².

Thông qua công trình thi công thí điểm, Dự án hướng tới xây dựng tiêu chuẩn thi công phù hợp với các đặc tính của Việt Nam (môi trường tự nhiên, khí hậu, giải pháp thiết kế…), kiểm chứng so sánh với các công nghệ và sản phẩm hiện đang được áp dụng, định hướng phát triển áp dụng rộng rãi công nghệ neo đất Nhật Bản.

Từ đó, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, xử lý sụt trượt, ổn định mái dốc các công trình đường bộ tại Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục