Thí điểm Tổ khuyến nông cộng đồng phải có 5 chức năng

19:18' - 20/01/2022
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, thí điểm Tổ khuyến nông cộng đồng phải có 5 chức năng và cần tạo ra chỗ dựa để mở ra nguồn lực bên cạnh nguồn lực từ ngân sách.

Tại hội nghị Đổi mới công tác khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức chiều 20/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, cán bộ khuyến nông phải bám sát cơ sở, đa dạng hóa hoạt động, liên kết với doanh nghiệp và mở rộng vùng nguyên liệu. Khi bám sát cơ sở, khuyến nông viên có thể kết hợp làm các dịch vụ từ các hoạt động trong sản xuất.

 
Về việc sẽ xây dựng thí điểm Tổ khuyến nông cộng đồng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Tổ khuyến nông cộng đồng phải có 5 chức năng: chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tư vấn xây dựng hợp tác xã; thông tin thị trường giá cả, hướng dẫn nông dân trồng được cây gì con gì thì cũng cần hướng dẫn được bán sản phẩm ở đâu; hướng dẫn nông dân về ứng dụng công nghệ số; tư vấn phát triển ngành nghề nông thôn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, khuyến nông cũng cần tạo ra chỗ dựa để mở ra nguồn lực bên cạnh nguồn lực từ ngân sách. Đó là liên kết với doanh nghiệp tạo chuỗi giá trị. Các đề tài thời gian tới phải xác định ưu tiên việc liên kết doanh nghiệp, mở rộng vùng nguyên liệu để huy động nguồn lực của doanh nghiệp cùng tham gia. Cùng với đó là các dự án cho an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang xây dựng dự thảo Đề án Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, dự thảo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng; dự thảo Đề án Chuyển đổi số hoạt động khuyến nông giai đoạn 2021 – 2025. Với định hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, các đề án sẽ là cơ hội để khuyến nông tiếp cận phương thức mới và nâng cao chất lượng hoạt động.

Khuyến nông xác định 6 vấn đề cần đổi mới. Đó là, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và việc này sẽ được hoàn thiện trong năm 2022; củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức đảm bảo thống nhất tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và bền vững cùng với kiện toàn và phát triển Tổ khuyến nông cộng đồng; đổi mới các nội dung hoạt động; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hợp tác công tư; chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông; tăng cường nguồn lực cho hoạt động khuyến nông.

Đề án Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông sẽ kiện toàn, đổi mới đồng bộ, toàn diện về khuyến nông từ nội dung hoạt động cho đến tổ chức, quản lý, cơ chế chính sách khuyến nông theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Đặc biệt là đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến nông, phát triển các hình thức hợp tác công - tư trong hoạt động khuyến nông nhằm thu hút, huy động các nguồn lực (nhân lực, vật lực) kết hợp với kinh phí đầu tư của nhà nước để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến nông.

Về Đề án Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng, ông Lê Quốc Thanh cho biết, đề án sẽ thí điểm về cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở gắn với địa bàn xã; đa dạng các hoạt động khuyến nông đáp ứng nhu cầu sản xuất. Mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng sẽ cung cấp nhiều công năng như: tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; tư vấn hỗ trợ hình thành hợp tác xã nông nghiệp; phát triển thị trường liên kết sản xuất; tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong các hợp tác xã.

Đề án Chuyển đổi số hoạt động khuyến nông giai đoạn 2021 – 2025 được xây dựng nhằm xây dựng, phát triển hệ thống dữ liệu khuyến nông thông qua các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin; hình thành được công cụ để cập nhật, quản lý và thống kê dữ liệu khuyến nông qua từng thời kỳ, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu đủ lớn để phục vụ trong quản lý khuyến nông. Các hình thức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền khuyến nông cũng được phải đổi mới theo hướng trực quan sinh động, ứng dụng công nghệ 4.0, hình ảnh hóa, số hoá tài liệu tuyên truyền, tập huấn để nông dân dễ hình dung và áp dụng.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đánh giá, xây dựng một mô hình khuyến nông cho giai đoạn mới là rất khó và cần có sự nghiên cứu, tham mưu của các chuyên gia. Khuyến nông hiện nay không chỉ là chuyển giao kỹ thuật. Sự sắp xếp của các địa phương thời gian vừa qua cho thấy vai trò khuyến nông không rõ nên có sự sắp xếp không phù hợp. Cần có nghiên cứu các mô hình khuyến nông phù hợp cho từng vùng.

Ông Lê Tân Phong đánh giá cao tư duy đổi mới hoạt động khuyến nông trong dự thảo đề án nhưng lộ trình còn chưa rõ. Trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu với sản xuất nông nghiệp cũng khác nên cần xác định rõ vai trò của khuyến nông phù hợp với yêu cầu sản xuất. Đào tạo khuyến nông cần gắn với doanh nghiệp và thị trường thì mới thích ứng với điều kiện hiện nay.

Ông Tiết Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau đánh giá, hoạt động khuyến nông tại địa phương bước đầu có sự chuyển đổi trong hoạt động, ứng dụng chuyển đổi số tuy chưa nhiều. Thực hiện chuyển đổi số, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nên xây dựng chương trình, đề án để từ đó các tỉnh thực hiện theo cho hiệu quả. Bởi, khuyến nông các tỉnh cũng đang có chuyển đổi đổi số nhưng không có sự bài bản.

Để hoàn thiện cơ chế, chính sách, ông Lê Quốc Thanh cho biết, thời gian tới sẽ kiến nghị bổ sung Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông; xây dựng, sửa đổi một số thông tư về hướng dẫn hoạt động khuyến nông nhằm liên thông, kết nối khuyến nông Trung ương với khuyến nông địa phương, kết nối giữa chỉ đạo và thực thi, phát huy năng lực hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục