Thị trường bán lẻ Việt Nam và việc Aeon xây thêm đại siêu thị

11:41' - 17/04/2021
BNEWS Việc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nói chung và Aeon nói riêng đầu tư xây thêm đại siêu thị tại Hà Nội đã có trong kế hoạch, lộ trình mở rộng tại thị trường Việt Nam.
Liên quan đến việc Aeon xây thêm đại siêu thị tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Có thể thấy việc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nói chung và Aeon nói riêng đầu tư xây thêm đại siêu thị tại Hà Nội đã có trong kế hoạch, lộ trình mở rộng tại thị trường Việt Nam sẽ góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và người tiêu dùng tại Việt Nam cũng có thêm sự lựa chọn chất lượng, phù hợp, văn minh, hiện đại.

Theo Vụ Thị trường trong nước, thời gian qua thị trường trong nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước qua việc đóng góp của thương mại trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 13,5 - 14% trong GDP chỉ sau ngành công nghiệp chế biến (khoảng 20%) và ngành nông nghiệp (khoảng 13 - 14,5%).

Cùng với đó, thương mại trong nước góp phần quan trọng và tích cực trong việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Với sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, các chủ thể tham gia thị trường ngày càng đa dạng, các phương thức, mô hình kinh doanh được đổi mới....

Đặc biệt trong các giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng, dịch bệnh, biến động trên thị trường thế giới thì thương mại trong nước càng cho thấy vai trò quan trọng trong việc khơi thông đầu ra cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và bảo đảm cho nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng.

Song hành cùng sự phát triển của thương mại, các loại hình hạ tầng thương mại như siêu thị, trung tâm thương mại cũng ngày càng phát triển, nhất là tại các thành phố, thị xã.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2010-2020, số lượng siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh từ 567 siêu thị, 95 trung tâm thương mại năm 2010 lên 1.163 siêu thị và 250 trung tâm thương mại năm 2020.

Ngoài ra, tốc độ phát triển của 2 loại hình này cao hơn nhiều so với tốc độ phát triển của chợ với mức bình quân giai đoạn 2010-2020, siêu thị tăng 10,51%; trung tâm thương mại tăng 16,31% trong khi số lượng chợ tăng không đáng kể trong giai đoạn này cả giai đoạn tăng 0,02%, năm 2010 có 8.579 chợ, năm 2020 còn 8.581 chợ.

Từ khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới, các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhượng quyền thương mại vào Việt Nam bắt đầu xuất hiện và phát triển. Các dự án đầu tư vào hệ thống bán lẻ chủ yếu hình thành chuỗi các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài hoạt động khá hiệu quả. Đến cuối năm 2018, một số doanh nghiệp bán lẻ có hoạt động kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam bao gồm Mega Market, Central Group, Lotte Mart, Aeon.

Bên cạnh việc thành lập các cơ sở bán lẻ tại Việt Nam để mở rộng thị phần, tăng sức cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, nhiều tập đoàn phân phối nước ngoài đã ký thỏa thuận với Bộ Công Thương về tiêu thụ hàng Việt Nam và xuất khẩu và đã thành lập Bộ phận Xuất khẩu hàng Việt Nam với nhiệm vụ tìm kiếm nguồn hàng Việt chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu. Đây cũng là một trong những kênh chính để xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào các hệ thống phân phối nước ngoài.

Theo thông tin từ Lãnh đạo Tập đoàn Aeon, tính chung cả năm 2019, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản qua hệ thống Aeon đã đạt 380 triệu USD; năm 2020 đạt khoảng 450 triệu USD. Đây là kênh phân phối xuất khẩu hàng Việt mà các doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách thuận lợi với tiềm năng xuất khẩu lớn và có mặt tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Hơn nữa, hoạt động kết nối các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc đã tạo nguồn cung hàng hóa ổn định với chất lượng ngày càng cao, cho thấy sự lớn mạnh của hàng hóa Việt.

Tỷ lệ hàng Việt Nam các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, trên 90% đối với hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ như tại Co.opmart 90 - 93%, Satra 90-95%, Vinmart 96%... và trên 70% tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài tại Việt Nam gồm Lotte, Go! 90%, AEON, Citimart từ 82 - 85%.

Đến năm 2020, hệ thống bán lẻ nội địa vẫn dẫn đầu về thị phần như Saigon Co.opmart mở được hơn 114 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lẻ của thương hiệu này lên hơn 800 điểm; Vincommerce đã mở được hơn 100 siêu thị Vinmart và 2.000 cửa hàng Vinmart+, Bách hóa xanh với trên 1.500 cửa hàng, hệ thống của BRG Retail là khoảng 70 siêu thị, cửa hàng tiện lợi...

Các tập đoàn bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài cũng tạo thêm nhiều việc làm cho người Việt Nam như: Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã tạo công ăn việc làm cho 15.000 lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp, Công ty TNHH Aeon Việt Nam với gần 4.000 nhân viên làm toàn thời gian và hơn 1.500 nhân viên làm bán thời gian, Công ty TNHH MMMega Market với khoảng 4.000 nhân viên lao động trực tiếp.

Không những vậy, hệ thống các cơ sở thương mại này còn mang lại nhiều nguồn lợi cho người tiêu dùng như: có nguồn hàng hóa phong phú, nhiều chủng loại hàng hóa, có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất hiện đại, văn minh. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên siêu thị có thái độ và cách phục vụ chuyên nghiệp, tạo cho người dân tâm lý thoải mái khi mua sắm.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam đã ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP…, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống phân phối, tăng cường phân phối nội địa, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh.

Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, tạo mối quan hệ thân thiện, tín nhiệm và tin cậy đối với khách hàng qua việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước/khu vực/toàn cầu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo để nâng cao trình độ quản lý, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các nhà phân phối trong nước, sáp nhập để tạo sức mạnh tài chính, phát triển hệ thống, xây dựng và phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ngày 20 tháng 8 năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; trong đó đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo. Cụ thể như khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Ngoài ra, Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ thị trường phân phối trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Thực hiện Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13/9/2019 của Chính phủ về việc giao Bộ Công Thương xây dựng Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 01/4/2021, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 1828/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược.

Theo đó, một số quan điểm và mục tiêu phát triển thương mại đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó bao gồm một số quan điểm và mục tiêu như phát triển thương mại trong nước trở thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, đóng vai trò quan trọng trong định hướng, dẫn dắt cho sản xuất trong nước phát triển theo tín hiệu của thị trường, phát huy năng lực, sức mạnh nội sinh của thị trường trong nước.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng tập trung phát triển thương mại trong nước gắn với phát triển đa dạng về chế độ  sở hữu, loại hình tổ chức và phương thức hoạt động của các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục