Thị trường bất động sản Hàn Quốc chuyển sang "loạng choạng"

14:19' - 29/07/2022
BNEWS Thị trường bất động sản của Hàn Quốc đã đột ngột đi từ trạng thái tăng trưởng “quá nóng” sang “loạng choạng” do chi phí đi vay tăng cao.

Thị trường bất động sản của Hàn Quốc đã đột ngột đi từ trạng thái tăng trưởng “quá nóng” sang “loạng choạng”, gây áp lực chồng chất lên một số người tiêu dùng đang “kẹt cứng” trong núi nợ khổng lồ khi lĩnh vực này đang chứng kiến mức tăng lãi suất nhanh nhất trong lịch sử.

Giá trung bình của một căn hộ ở thủ đô Seoul vào tuần trước đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 26 tháng, trong khi khối lượng giao dịch trong tháng 6/2022 giảm 73% so với một năm trước đó.

Khoản nợ 2,6 triệu tỷ won (1.970 tỷ USD) của thị trường bất động sản đang phải đối mặt với một thử thách lớn khi chi phí đi vay tăng, và các khoản trả nợ thế chấp cao hơn có thể dẫn đến hoạt động tiêu dùng yếu hơn.

Với gần 3/4 tài sản hộ gia đình tại Hàn Quốc liên quan tới bất động sản, các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng mức lãi suất thế chấp cao hơn có thể làm gia tăng các vụ vỡ nợ và đưa nền kinh tế đến gần hơn với khủng hoảng tài chính.

Đối với Jane Jeon, một bà mẹ 36 tuổi có một đứa con 6 tháng tuổi sinh sống ở trung tâm Seoul, căng thẳng về lãi suất thế chấp ngày càng gia tăng đồng nghĩa với việc cô phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn.

Cô Jeon, người ban đầu dự định nghỉ thai sản 15 tháng, cho biết: “Lương của chồng tôi bây giờ không đủ để trả nợ hàng tháng, vì vậy tôi cần phải cắt ngắn thời gian nghỉ thai sản và quay trở lại làm việc”.

Gia đình cô hiện phải trả nhiều hơn 720.000 won mỗi tháng so với năm ngoái cho khoản vay thế chấp 500 triệu won của họ. Người môi giới của cô cho biết con số này có thể sẽ tăng cao hơn nữa vào cuối năm nay, nâng tổng số tiền trả nợ hàng tháng của họ lên gần 4 triệu won, tương đương 70% tiền lương của chồng cô.

Các nhà quản lý tài chính dự báo số người có thể vỡ nợ sẽ tăng thêm 500.000 trường hợp, lên 1,9 triệu người khi mức lãi suất thế chấp trung bình tăng từ mức 5%-6% hiện tại lên 7%.

Giữa bối cảnh hoạt động tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ từ đầu tư xây dựng chiếm khoảng 15% hoạt động kinh tế của Hàn Quốc, sự “nguội lạnh” của thị trường bất động sản kết hợp với xuất khẩu giảm sẽ tạo ra lực cản lớn cho tăng trưởng kinh tế nước này.

Nhà phân tích Seo Young-soo của công ty chứng khoán Kiwoom Securities cho biết: “Hệ thống tài chính của Hàn Quốc là một trong những hệ thống dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước việc tăng lãi suất, vì mức nợ hộ gia đình tăng do đại dịch là một trong những mức nợ cao nhất thế giới”.

Dữ liệu khảo sát từ 36 nền kinh tế lớn của Viện Tài chính Quốc tế cho thấy, Hàn Quốc có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP cao nhất thế giới, ở mức 104,3% trong quý I/2022.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã tăng lãi suất thêm 1,75 điểm phần trăm kể từ tháng Tám năm ngoái, bao gồm cả đợt tăng 0,5 điểm phần trăm, mức tăng chưa từng có tiền lệ, trong tháng này.

Hàn Quốc đã tìm cách giảm thiểu tác động của bất kỳ khoản nợ hộ gia đình nào đối với hệ thống tài chính nước này bằng cách cho người vay cơ hội tái cấp vốn cho các khoản vay với một mức lãi suất cố định. Chương trình hỗ trợ đó được công bố chỉ hai tuần sau khi BoK tăng lãi suất trong tháng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục