Thị trường bất động sản sẵn sàng "đón sóng" từ TPP

15:36' - 28/10/2015
BNEWS Nhu cầu về bất động sản công nghiệp và văn phòng được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ cùng với sự gia tăng nhu cầu nhà ở, căn hộ cho các chuyên gia nước ngoài.

Nhiều chuyên gia tin tưởng rằng, TPP sẽ có những tác động tích cực lên thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.

Bất động sản công nghiệp hưởng lợi

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam cho rằng, TPP với mục tiêu xóa bỏ thuế suất các mặt hàng giữa những nước thành viên là nhân tố quan trọng giúp thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, thu hút các tập đoàn chuyển hướng từ các nước sở tại sang đặt nhà máy, văn phòng và cơ sở kinh doanh ở Việt Nam.

Qua đó, nhu cầu về bất động sản công nghiệp và văn phòng được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ cùng với sự gia tăng nhu cầu nhà ở, căn hộ cho các chuyên gia nước ngoài.

Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: Kim Phương/TTXVN

Nhận thấy lượng các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm 2015 đến nay, nhất là nhu cầu thuê mua nhà ở tại Tp. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận ngày càng nhiều, Công ty Savills Việt Nam đã thành lập Bộ phận bán và cho thuê nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh dành cho khách nước ngoài.

Theo chuyên gia Công ty CBRE Việt Nam, tác động của TPP lên thị trường bất động sản địa phương không lớn như các ngành công nghiệp (may mặc, thủy sản, nông nghiệp) nhưng có một điều chắc chắn rằng, nhu cầu của các ngành liên quan đến bất động sản như khu công nghiệp, nhà kho, ngành hậu cần sẽ tăng lên.

Mặt khác, nhu cầu về văn phòng và nhà ở dự kiến cũng sẽ tăng lên để đáp ứng yêu cầu thuê mặt bằng, chỗ ở của các công ty và người nước ngoài.

Cụ thể, đối với đất công nghiệp, kho bãi, TPP sẽ khiến các công ty Mỹ gia tăng hoạt động sản xuất tại Việt Nam cũng như tái nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam (nhất là may mặc) nên sẽ nhắm đến các khu đất công nghiệp tại các tỉnh phía Nam, nơi có nhiều nhà máy dệt may hiện hữu đang tọa lạc.

Tương tự, nhà sản xuất từ các nước khác chắc chắn sẽ xem xét việc chuyển đổi từ các nước ngoài hiệp định TPP như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ sang Việt Nam để hưởng mức thuế cực thấp; kéo theo sự gia tăng nhu cầu đất công nghiệp, kho bãi, nhà máy.

Trong bối cảnh này, chủ đầu tư khu công nghiệp và các công ty xây dựng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi một số lượng lớn các công ty dệt may, thủy sản di dời đến Việt Nam .

Với phân khúc văn phòng và nhà ở, CBRE nhận định, việc tăng cường đầu tư nước ngoài và nhu cầu phát triển cho các công ty nước ngoài thành lập tại Việt Nam sẽ làm gia tăng nhu cầu về mặt bằng văn phòng tiêu chuẩn quốc tế, nhất là khi nguồn cung văn phòng chất lượng cao tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đang khan hiếm, cũng như tăng nhu cầu đối với căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê, thậm chí căn hộ để bán.

Với Luật Nhà ở mới có hiệu lực; trong đó cho phép người nước ngoài mua nhà, nhiều khách hàng nước ngoài sẽ được khuyến khích sở hữu một căn hộ tại Việt Nam thay vì đi thuê, kèm theo đó, giá đất có thể sẽ tăng lên do nhu cầu đất công nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất hàng may mặc tăng, nhất là tại Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Đại diện công ty đầu tư bất động sản khác, ông Jonathan Tizzard – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Định giá Công ty Cushman & Wakefield nêu quan điểm: Sẽ có ngày càng có nhiều khách thuê công nghiệp đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của TPP.

Vì thế, nhu cầu về bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng cùng với sự gia tăng lượng người dân có khả năng mua nhà ở, căn hộ đắt tiền, chưa kể đến nhu cầu mua sắm và các hạng mục liên quan khác mà các chuyên gia nước ngoài và người dân có thu nhập cao hơn sẽ quan tâm.

Bên cạnh đó, nhu cầu về văn phòng chất lượng quốc tế cũng sẽ tăng khi các tập đoàn công nghiệp tìm kiếm không gian văn phòng tại trung tâm đô thị lớn, nhất là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, ngành logistic tiếp tục phát triển trong những thập kỷ tới tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện phát triển đồng bộ cho cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay.

Tính tất yếu của xu hướng M&A

Bên cạnh niềm tin khả quan về tác động tích cực mà TPP sẽ đem lại cho thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia cũng lo ngại rằng, với đặc điểm là sân chơi đẳng cấp quốc tế, TPP sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh quyết liệt, đồng nghĩa với xu hướng tất yếu là mua bán, sáp nhập (M&A).

Đại diện Công ty TNHH Jones Lang LaSalle Việt Nam cho rằng, trong suốt 1 năm qua, hoạt động M&A tại Việt Nam diễn ra khá sôi động và đang tiếp tục xu hướng tăng.

Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh có thể kể đến thương vụ tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) đầu tư vào dự án Celadon City (quận Tân Phú), quỹ Creed Group (Nhật Bản) đầu tư vào An Gia để phát triển dự án tại quận 7, quận Tân Bình, đầu tư vào Công ty Năm Bảy Bảy để làm dự án tại quận 8 hay như Mapletree (Singapore) tham gia dự án trung tâm thương mại SC Vivocity tại Quận 7…

Dự án Celadon City. Nguồn: Celadon City

Trước đó, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Công ty TNHH Liên doanh thành phố Đế Vương (liên doanh giữa Công ty bất động sản Tiến Phước, Công ty bất động sản Trần Thái với Công ty Denver Power Ltd – thuộc tập đoàn Gaw Capital Partners Vương quốc Anh) đầu tư dự án khu phức hợp Empire City còn Tập đoàn Lotte đầu tư dự án Smart Complex…

Những cải cách chính sách liên quan đến môi trường đầu tư, mua bán, sáp nhập, sở hữu nhà cho người nước ngoài mà Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua đang thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, nhất là khi hiệu lực TPP đang đến gần. Xu hướng dễ thấy là nhiều tập đoàn đang xem xét các phân khúc và sẵn sàng liên kết với các đối tác uy tín trong nước để có chỗ đứng.

Hiện đang có nhiều quỹ đầu tư ngoại (TPG Capital, Asia Capital Reinsurance, Standard Chartered Private Equity, Partners…) quan tâm thị trường Việt Nam . Ngoài ra, có một số lượng lớn các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Philippines và Indonesia cũng đang tích cực tìm kiếm để sở hữu một phần của “chiếc bánh bất động sản” Việt Nam.

Theo chuyên gia của Công ty CBRE Việt Nam, TPP sẽ tạo nhiều hoạt động dành cho chủ đầu tư địa ốc Việt Nam ở mọi mảng thị trường. Điều quan trọng là họ cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực lao động, công tác chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng suất cũng như tuân thủ luật pháp để đón đầu các cơ hội vàng này. Loại bỏ dần các mức thuế cao sẽ là cuộc chơi “được - mất” đối với các ngành công nghiệp Việt Nam trong việc nâng vị thế cạnh tranh so với các công ty nước ngoài.

Chính điều đó buộc doanh nghiệp trong nước phải làm việc hiệu quả hơn để có thể trụ vững cũng như mang lại hiệu quả cho cả nền kinh tế.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc điều hành Quỹ Jen Capital cho biết: Từ năm 2014 khi bất động sản Việt Nam phục hồi và có biến chuyển tích cực, nhà đầu tư nước ngoài mới bắt đầu nhìn lại thị trường và bắt tay đầu tư với chiến lược kinh doanh dài hạn, không chỉ đầu tư vào dự án mà đầu tư vào công ty trong nước để phát triển chuỗi sản phẩm.

Trong khi đó, doanh nghiệp nội địa đang thiếu vốn, chiếm hơn 90% trong số đó vay tiền ngân hàng để đầu tư bất động sản nên sẽ lệ thuộc vào hệ thống tín dụng. Khi lãi suất tăng 1 – 2% thì khả năng sinh lời gần như bằng không vì lợi nhuận hiện nay chỉ có thể đạt 10 – 15% chứ không phải 30 – 40% như trước đây, còn khi lãi suất tăng cao thì nguy cơ vỡ dự án là điều khó tránh khỏi.

“Trong bối cảnh đó, TPP với sân chơi hội nhập quốc tế đang tạo ra cơ hội nguồn vốn cho doanh nghiệp trong nước. Bởi lẽ ban đầu vào Việt Nam làm ăn, các công ty ngoại sẽ ưu tiên việc đầu tư vào công ty bất động sản nội địa vì họ chưa đủ thời gian để lập bộ máy điều hành, chưa am tường pháp luật… Đây chính là điều kiện thuận lợi doanh nghiệp trong nước nâng cấp tiêu chuẩn, kinh nghiệm, sự hiểu biết cũng như kỹ năng bán hàng; đồng thời buộc họ phải nỗ lực xây dựng đẳng cấp, tiêu chuẩn quốc tế, có như vậy mới hy vọng nhà đầu tư ngoại rót vốn", ông Nguyễn Vĩnh Trân chia sẻ./.

Trần Xuân Tình

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục