Thị trường căn hộ Tp. Hồ Chí Minh: - Bài 1: Cầu nhiều, cung hạn chế
Tuy nhiên, câu chuyện phát triển lệch pha giữa các phân khúc, giá nhà tăng cao liên tục, vấn đề "sốt đất"… cũng đã tác động lớn đến sự phát triển của thị trường nhà ở nói riêng, bất động sản nói chung.
Cùng với nhiều tiềm năng, động lực phát triển mới đang được hình thành đã tạo cơ hội cho thị trường nhà ở của thành phố phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, nhất là phân khúc bình dân phục vụ số đông người có nhu cầu nhà ở. Mặt khác, câu chuyện quản lý giá nhà cũng cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng và chính các chủ đầu tư dự án.
Bài 1: Cầu nhiều, cung hạn chế
Theo ghi nhận của các công ty tư vấn bất động sản, trái ngược với hầu hết các lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành bất động sản tiếp tục ghi nhận những tăng trưởng nhất định, đặc biệt về số lượng người mua, nhất là nhu cầu đối với căn hộ vừa túi tiền.
*Nguồn cung căn hộ sụt giảm
Ghi nhận thực tế tại Tp. Hồ Chí Minh, Công ty CBRE Việt Nam cho biết, trong năm 2020, thị trường tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm của nguồn cung chào bán do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, quy trình cấp phép mới và cấp phép sửa đổi các dự án tiếp tục kéo dài dẫn đến việc triển khai dự án chậm. Thứ hai, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, việc giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển và tạm ngưng các chuyến bay quốc tế đã làm gián đoạn các sự kiện mở bán được lên kế hoạch từ năm 2019. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, giá bán đã được đẩy lên cao tại các khu vực trong thành phố, đặc biệt là các quận vùng ven.
Cụ thể, nguồn cung chào bán trong năm 2020 tại Tp. Hồ Chí Minh đạt 17.272 căn, giảm 35% so với năm 2019. Đây là mức thấp nhất trong vòng sáu năm qua và là năm thứ năm liên tiếp thị trường ghi nhận sụt giảm về nguồn cung. Có 21 dự án được chào bán mới trong năm 2020, trong khi năm 2019, có 36 dự án mới chào bán.
Xét về phân khúc, cả năm 2020 thị trường không có sản phẩm bình dân nào được chào bán. Trong khi đó, phân khúc cao cấp lần đầu tiên chiếm tỷ trọng cao nhất với 76% tổng nguồn cung chào bán. Phân khúc trung cấp chỉ chiếm 17% và hạng sang chiếm 7% với nguồn cung chính đến từ hai dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm là The River và The Metropole.
Về vị trí, khu Đông (thành phố Thủ Đức) chiếm 91% về nguồn cung chào bán theo căn và 43% theo số lượng dự án nhờ có dự án khu đại đô thị ở quận 9 cũ (nay là thành phố Thủ Đức). Việc thành lập thành phố Thủ Đức vào năm 2021 làm thay đổi diện mạo của khu vực và tiếp tục làm gia tăng nguồn cung tại khu vực phía Đông. Khu Nam chiếm 38% theo số lượng dự án nhưng chỉ chiếm 7% theo số căn. Khu vực Trung Tâm và phía Bắc không có nguồn cung mới do thiếu quỹ đất.
Quý IV/2020, giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp đạt mức 2.150 USD/m2, tăng 9% so với quý trước và 13% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá trung bình tăng mạnh do các sản phẩm được chào bán chủ yếu tại phân khúc cao cấp và hạng sang.
Đồng thời, các dự án mới mở bán tại các quận ven đô có mức giá chào bán cao hơn mức giá chung của khu vực từ 20%-30%. Giá bán tại phân khúc hạng sang ghi nhận mức tăng cao nhất là 9% so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc cao cấp ghi nhận mức giá trung bình sơ cấp giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm nhẹ là do các giai đoạn tiếp theo và các dự án mới ở các quận vùng ven đã vượt cấp từ trung cấp lên cao cấp. Phân khúc trung cấp và bình dân ghi nhận mức tăng giá lần lượt là 5% và 4% so với cùng kỳ năm trước.
Với mức giá tăng cao và ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tình hình hấp thụ của thị trường nhà ở bán bị ảnh hưởng nhất định. Chỉ 75% sản phẩm chào bán mới được tiêu thụ trong năm 2020, thấp hơn mức 90% trong năm 2019. Hàng tồn kho được ghi nhận tăng lên đáng kể tại phân khúc cao cấp, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.
*Kỳ vọng nguồn cung được cải thiện
Theo các chuyên gia, năm 2021 thị trường căn hộ sẽ không có những thay đổi lớn nhưng sẽ cải thiện hơn so với năm 2020. Tại thành phố, thị trường kỳ vọng sẽ có thêm khoảng 17.500 căn hộ với các dự án mới ở các quận ven thành phố. khu vực phía Đông với giai đoạn tiếp theo của Vinhomes Grand Park, Masteri Centre Point (thành phố Thủ Đức), các dự án mới như Masterise Lumière Riverside, Laimian City (thành phố Thủ Đức); khu vực phía Tây với các dự án như AIO City (quận Bình Tân), phía Bắc với PiCity (quận 12) và phía Nam với các giai đoạn tiếp theo của Sunshine City Saigon và Sunshine Diamond River tại quận 7, Celesta Rise tại Nhà Bè.
Giá sơ cấp dự kiến sẽ tiếp tục tăng so với năm 2020, tuy nhiên mức tăng sẽ ổn định hơn để thị trường có thể tiêu thụ hết các sản phẩm còn lại. Giá chào bán sơ cấp năm 2021 ở các phân khúc sẽ có mức tăng giá trong khoảng từ 1% đến 4% so với năm 2020. Riêng giá căn hộ hạng sang dự kiến tăng 2-7% trong năm 2021 và 2022 nhờ có các sản phẩm mới là căn hộ hạng sang có thương hiệu (branded residence) tại quận 1.
Thị trường thứ cấp sẽ tiếp tục sôi động do nguồn cung sơ cấp khan hiếm và thị trường sơ cấp đã thiết lập mặt bằng giá mới. Người mua để ở mặc dù khó tìm được sản phẩm phù hợp nhu cầu và túi tiền trên thị trường sơ cấp nhưng sẽ có nhiều lựa chọn hơn trên thị trường thứ cấp với các căn hộ có tiến độ xây dựng tốt hoặc chuẩn bị bàn giao.
Nhìn rộng hơn về các tỉnh lân cận, nguồn cung khan hiếm tại Tp.Hồ Chí Minh sẽ buộc người mua tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Bình Dương, Long An và Đồng Nai. Các thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết trong năm 2021, doanh nghiệp tiếp tục đặt trọng tâm ở mảng kinh doanh cốt lõi phát triển nhà ở.
“Chúng tôi sẽ duy trì tăng trưởng ở mức 20-25%, thậm chí cao hơn trong điều kiện thị trường thuận lợi, tiếp tục mở bán các dự án thành phần của những khu đô thị đã triển khai như Waterpoint 355 ha (Long An), Mizuki 26 ha, Akari 8,5 ha (Tp.Hồ Chí Minh)… và bắt đầu bán những sản phẩm đầu tiên của khu đô thị Izumi City 170ha (Đồng Nai), Nam Long - Cần Thơ 43ha với đa dạng các sản phẩm từ căn hộ "vừa túi tiền" EHome, căn hộ tầm trung đến sản phẩm cao cấp", ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Nam Long Land chia sẻ.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, dù vẫn còn nhiều khó khăn và con đường phục hồi sẽ không bằng phẳng, thị trường căn hộ sẽ tiếp tục đón nhận sự quan tâm của người mua để ở và nhà đầu tư. Ngoài ra các tín hiệu tích cực gần đây từ các dự án hạ tầng trọng điểm như khởi công sân bay Long Thành và việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ là động lực tái khởi động cho thị trường.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh, thành phố có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong năm 2021 và cả trong trung hạn, dài hạn, với những động lực mới, như đề án thành lập thành phố Thủ Đức là đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, là đô thị loại 1, đi đôi với mục tiêu xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, xây dựng nền kinh tế số.
Cùng đó là một số công trình giao thông sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới, đặc biệt là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, khởi công xây dựng dự án sân bay Long Thành... và nhiều dự án kết nối giao thông liên vùng, đường vành đai sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản, nhà ở./.
Xem thêm: Bài 2: Giải quyết bài toán giá nhà
Tin liên quan
-
Bất động sản
Bất động sản Hải Phòng tăng nhiệt trong những tháng đầu năm
09:35' - 24/03/2021
Bất chấp dịch COVID-19, thị trường bất động sản tại thành phố Hải Phòng tăng nhiệt trong những tháng đầu năm 2021.
-
Bất động sản
Lời khuyên nào cho nhà đầu tư khi bất động sản Hà Nội đang nóng?
12:28' - 23/03/2021
Khởi đầu năm 2021, thị trường bất động sản Hà Nội được nhận định có sức bật khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan.
-
Bất động sản
Vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ tăng mạnh
20:01' - 21/03/2021
Vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới bởi lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư bất động sản mới lập đã sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam.
Tin cùng chuyên mục
-
Bất động sản
Giải mã thiết kế độc đáo của phân khu thương mại Koto – Sun Beauty Onsen
15:10' - 19/05/2022
Nằm ở vị trí vàng trong quần thể Sun Beauty Onsen, townhouse phân khu Koto được thừa hưởng trọn vẹn hệ thống tiện ích nổi bật, phù hợp với nghỉ dưỡng, lưu trú, đặc biệt là nghỉ dưỡng khoáng nóng.
-
Bất động sản
Bất động sản khu công nghiệp vẫn là trụ cột của Viglacera
10:24' - 19/05/2022
Tiếp tục coi bất động sản khu công nghiệp là trụ cột. Trong số vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng của năm 2022, Viglacera sẽ dành 2.450 tỷ đồng cho lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khu công nghiệp.
-
Bất động sản
Lĩnh vực bất động sản Campuchia thu hút nhà đầu tư Trung Quốc
09:13' - 19/05/2022
Lĩnh vực bất động sản tiếp tục sẽ là ưu tiên của các nhà đầu tư Trung Quốc sau khi Campuchia kiểm soát tình hình dịch COVID-19 và trở lại bình thường hóa hoạt động kinh tế xã hội.
-
Bất động sản
Sức nóng trên thị trường bất động sản Canada đang giảm dần
09:00' - 18/05/2022
Sự bùng nổ trên thị trường bất động sản của Canada đang bắt đầu lắng xuống, với doanh số bán nhà và giá nhà trên toàn quốc giảm vào tháng Tư vừa qua.
-
Bất động sản
Giải bài toán kinh doanh đón sóng du lịch Phú Quốc bùng nổ
16:42' - 17/05/2022
Phú Quốc đang trở thành thị trường giao dịch sôi động bậc nhất của bất động sản khu vực phía Nam khi chính thức trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.
-
Bất động sản
Cảnh báo nguy cơ "bong bóng" bất động sản cục bộ
11:55' - 17/05/2022
Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, giá nhà tăng nhưng thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện bong bóng cục bộ.
-
Bất động sản
Ký hiệu loại đất trong Sổ mục kê hiểu thế nào?
09:11' - 17/05/2022
Theo quy định tại Quyết định số 499QĐ/ĐC ngày 27/7/1995 của Tổng cục Địa chính ban hành quy định mẫu sổ địa chính, sổ mục kê đất đai, sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
-
Bất động sản
Thay vì “ngăn sông” hãy “nắn dòng”
10:59' - 16/05/2022
Thực tế, nhu cầu đầu tư vào bất động sản tăng mạnh, không chỉ tiêu dùng mà cả kinh doanh, giao dịch. Do đó, giải pháp để cân bằng thị trường lúc này là phải điều tra, đánh giá để phân loại các dự án.
-
Bất động sản
Siết tín dụng cần thực hiện song song với quản lý giá
10:58' - 16/05/2022
Nói đến sốt bất động sản là nói tới việc giá nhà, đất tăng cao đột biến và dòng vốn khi đó lại càng đổ vào nhiều. Như vậy, để giải quyết được tận gốc cơn sốt bất động sản chủ yếu phải quản lý về giá.