Thị trường chứng khoán chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo

18:30' - 30/09/2023
BNEWS VN-Index vừa kết thúc tuần cuối cùng của quý III với điểm số và thanh khoản sụt giảm. Đây cũng là tuần thứ 3 liên tiếp chỉ số này giảm điểm.

Giới phân tích cho rằng, với tình trạng vĩ mô hiện tại, thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.

*Tiến tới nâng hạng thị trường

Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, trong tuần qua, thị trường đón nhận nhiều thông tin như tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. GDP có xu hướng tích cực khi trước đó, trong quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%. Tuy nhiên, GDP 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, do đó việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5% đang gặp nhiều thách thức.

Thị trường cũng chịu ảnh hưởng từ việc Ngân hàng Nhà Nước tiếp tục phát hành tín phiếu trong tuần nâng mức đã phát hành lên 70.000 tỷ đồng; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức họp bàn với các ngân hàng lưu ký để chia sẻ và trao đổi mô hình cho giải pháp tháo gỡ vấn đề ký quỹ trước giao dịch ngày 26/09/2023; tổ chức xếp hạng FTSE Russell tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường chứng khoán.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), các cơ quan quản lý đang rất nỗ lực để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán. Bởi, việc nâng hạng sẽ mang lại vị thế mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư.

Trên thực tế, quá trình này đòi hỏi nỗ lực tổng thể của toàn bộ các thành viên tham gia thị trường; trong đó, không chỉ có các cơ quan quản lý mà đến từ các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký và cả các ngân hàng thương mại tham gia.

Các cơ quan chức năng hiện đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể đảm bảo thỏa mãn được các tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng như FTSE Russel và MSCI.

Nhìn chung các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam.

Trong số các tiêu chí định tính mà tổ chức xếp hạng FTSE Russel và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn khá nhiều. Tuy nhiên, một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi thực hiện lệnh giao dịch.

SSI nhận định, hiện tại với những nỗ lực và quyết tâm từ cơ quan quản lý, những “bước đi” để tiến tới nâng hạng thị trường đang trong quá trình khởi động.

Các thành viên thị trường và các nhà đầu tư cần có thêm thời gian để thích ứng với các giải pháp mà cơ quan quản lý dự kiến ban hành triển khai áp dụng thực tiễn.

Việc vận hành hệ thống mới của nhà thầu Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) là điều kiện cần và sự xuất hiện của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là điều kiện đủ để các giao dịch được thực hiện và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán.

Việc vận hành có hiệu quả của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP cần sự tham gia nỗ lực từ các bên trong đó về phía các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà Nước, Bộ Tài Chính hay Ủy Ban Chứng khoán, các luật liên quan cần phải sửa đổi như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh cho biết, sau giai đoạn kiểm thử hệ thống trong quý II/2023, có 25/76 công ty chứng khoán đã hoàn thành 100% các kịch bản kiểm thử, 36/76 công ty đã thực hiện trên 80% và 15/76 công ty đạt dưới 80%.Theo kế hoạch, dự kiến KRX hoàn thành việc chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai.

Ngoài vấn đề năng hạng thị trường, SSI cũng cho biết, tâm điểm đáng chú ý trong thời gian gần đây là việc Ngân hàng Nhà nước quay lại phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở, với tổng khối lượng là 70.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày trong 5 ngày làm việc liên tiếp.

SSI nhận định, thị trường chứng khoán đã phản ứng khá mạnh với thông tin này trong tuần qua. Tuy nhiên, dựa trên nhận định Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên định hướng chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, việc điều chỉnh mạnh của VN-Index về vùng gần 1.100 điểm là cơ hội cho nhà đầu tư lựa chọn mua vào các cổ phiếu có triển vọng phục hồi tích cực từ quý IV/2023 và năm 2024, SSI khuyến nghị.

Còn theo SHS, với tình trạng vĩ mô hiện tại, nếu thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.

Về diễn biến giao dịch, tuần qua (từ 25 - 29/9), VN-Index giảm 3,23% so với tuần trước đó, về mức 1.154,15 điểm, duy trì tuần thứ 3 liên tiếp giảm điểm.

Đây cũng là tuần kết thúc quý III/2023. Tuy nhiên, VN-Index vẫn kết thúc quý III tăng 3,03% so với quý II/2023, duy trì 3 quý liên tiếp phục hồi; HNX-Index kết thúc quý III ở mức 236,35 điểm, tăng 3,97% so với quí II.

Trong tuần, thanh khoản trên HOSE đạt 92.945,22 tỷ đồng, giảm 21,6% so với tuần trước đó, khối lượng giao dịch giảm 17%; trong đó, sàn HOSE có phiên kết thúc quý III với khối lượng thấp nhất so với các phiên kết thúc quý I và quý II/2023.

Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, sau khi bán ròng mạnh 4 tuần liên tiếp, đã mua ròng trở lại với giá trị 632,26 tỷ đồng trong tuần qua.

Với áp lực giảm điểm của thị trường chung trong tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến tiêu cực nhất, ngoài NTL tăng 14% thì đa số các mã còn lại đều giảm mạnh, thanh khoản trên mức trung bình như TCH giảm 14%, NHA giảm 13,79%, DRH giảm 12,87%, TDC giảm 11,69%, NBB giảm 11,29%, CEO giảm 10,88%...

Chịu áp lực bán mạnh trong những phiên đầu tuần, do đó, kết thúc tuần giao dịch, các cổ phiếu chứng khoán giảm mạnh như VIX giảm 11,27%, WSS giảm 10,39%, PSI giảm 8,57%, VDS giảm 7,65%, VND giảm 6,85%...

Các cổ phiếu ngân hàng hầu hết đều giảm điểm mạnh, với thanh khoản gia tăng. Các mã như EIB giảm 8,42%, STB giảm 6,84%, KLB giảm 6,02%, SHB giảm 5,93%...

Trong khí đó, nhóm cổ phiếu cảng biển và logistics diễn biến tích cực, nhiều mã vượt đỉnh giá cũ như GMD tăng 3,59%, DVP tăng 2,38%, TCL tăng 2,35%, HAH tăng 1,57%...

Đánh giá về diễn biến giao dịch tuần qua, SHS cho rằng, nhịp điều chỉnh là cần thiết, nhưng biên độ điều chỉnh rộng hơn dự báo và làm suy yếu động lực tăng ngắn hạn. Thị trường do vậy sẽ cần thêm nhiều thời gian để hình thành nền tích lũy mới, nên rất có khả năng các nhịp hồi phục sắp tới chỉ mang tính kỹ thuật.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua tuần giao dịch đầy khó khăn, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới cũng diễn biến tiêu cực.

*Chứng khoán thế giới đi xuống

Với thị trường chứng khoán Mỹ, chốt phiên cuối tuần (29/9), chỉ số S&P 500 giảm điểm, khi các nhà đầu tư đánh giá tác động của số liệu lạm phát đối với chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và điều chỉnh danh mục đầu tư trong ngày cuối quý III/2023, một quý khó khăn đối với thị trường chứng khoán.

Chỉ số Dow Jones chốt phiên cuối tuần giảm 0,47% xuống 33.507,5 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 0,27% xuống 4.288,05 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,14% lên 13.219,32 điểm.

Trong quý III/2023, chỉ số S&P 500 giảm khoảng 3,6%, chỉ số Dow Jones giảm 2,6%, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 4,1%. Trong tháng 9, các chỉ số giảm tương ứng 4,9%, 3,5% và 5,8%.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite có mức giảm phần trăm theo tháng mạnh nhất trong năm, trong khi cả ba chỉ số chính lần đầu tiên giảm theo quý.

Nhà chiến lược thị trường và cố vấn về tài sản tại Murphy & Sylvest Wealth Management,  Paul Nolte cho rằng, các nhà đầu tư tìm kiếm các khoản đầu tư thay thế cổ phiếu khi thận trọng trước xu hướng chính sách của Fed.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi diễn biến liên quan đến nguy cơ đóng cửa chính phủ Mỹ. Các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã phản đối dự luật do lãnh đạo đảng này đề xuất nhằm tài trợ tạm thời cho hoạt động của chính phủ, khiến các cơ quan chính phủ gần như chắc chắn sẽ bị đóng cửa một phần từ ngày 1/10.

Tại châu Á, khép phiên 29/9, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,1% xuống 31.857,62 điểm. Thị trường Manila và Bangkok cũng mất điểm. Phiên này, các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đại lục đóng cửa nghỉ lễ.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) tăng đến 2,5% lên 17.809,66 điểm nhờ sự khởi sắc của các công ty công nghệ như Alibaba và JD.com. Sắc xanh cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney, Singapore, Wellington, Mumbai và Jakarta./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục