Thị trường dầu mỏ có thể ghi nhận nhiều thay đổi lớn vào năm 2024

16:23' - 27/12/2023
BNEWS Các chuyên gia cảnh báo thị trường dầu mỏ có thể chứng kiến nhiều thay đổi lớn hơn vào năm 2024, khi mối lo ngại về nguồn cung vẫn đeo bám.

Giá dầu thế giới đã chứng kiến một năm 2023 đầy biến động với giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm khoảng 35% so với mức cao nhất được ghi nhận vào mùa Hè năm ngoái. Điều này phần lớn là do sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục bùng nổ, lập mức cao kỷ lục mới trong tháng 9/2023.

 

Tuy nhiên, thị trường có thể chứng kiến một số thay đổi lớn trong năm tới, đặc biệt khi các nhà sản xuất dầu Trung Đông cố gắng giành lại nhiều thị phần hơn. Trong khi đó, nhu cầu vẫn không chắc chắn, đặc biệt khi những nước tiêu thụ năng lượng lớn như Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng kinh tế đang chậm lại.

Dưới đây là bốn vấn đề lớn của thị trường năng lượng mà các chuyên gia đang tập trung vào năm 2024:

OPEC cắt giảm sản lượng

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô 2,2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm tới.

Các thành viên hàng đầu của tổ chức này đã nói rằng những thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại có thể được kéo dài sang năm 2024. OPEC và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã cắt giảm sản lượng nhiều lần trong năm qua nhằm hỗ trợ giá dầu.

Tuy nhiên, các thị trường đã "phớt lờ" nỗ lực hạn chế nguồn cung của tổ chức này. Đó có thể là một dấu hiệu cho thấy quyền kiểm soát của OPEC đối với thị trường dầu mỏ đang mờ dần, giữa bối cảnh ngày càng có nhiều nguồn cung ngoài OPEC để lấp đầy khoảng trống. Trên thực tế, ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã hạ dự báo giá dầu thô Brent cho năm 2024 do sản lượng dầu của Mỹ đang gia tăng.

Sự bùng nổ sản lượng của Mỹ

Theo Rapidan Energy, sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt trung bình 13,3 triệu thùng/ngày vào năm tới. Con số này tăng so với mức trung bình khoảng 13 triệu thùng/ngày trong năm nay. Những "gã khổng lồ" về năng lượng của Mỹ như Exxon Mobil và Chevron, đã tăng ngân sách chi tiêu cho tư liệu sản xuất với ý định đẩy mạnh sản lượng hơn nữa vào năm tới.

Trong khi đó, theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, số vụ sáp nhập và thâu tóm (M&A) của ngành dầu mỏ đạt giá trị kỷ lục 100 tỷ USD đã diễn ra ở lưu vực Permian của Mỹ, một dấu hiệu cho thấy các công ty vẫn đang coi dầu là nguồn năng lượng quan trọng trong thời gian dài.

Cuộc chiến thị phần

Nhiều chuyên gia cho rằng vào năm 2024, Saudi Arabia (A-rập Xê-út) có thể sẽ cung cấp đầy đủ nguồn cung cho thị trường dầu mỏ nhằm khiến giá dầu lao dốc. Sự thay đổi đó có thể buộc các nhà sản xuất Mỹ phải rút lui và từ bỏ một số thị phần.

Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khi Mỹ tăng cường sản xuất dầu đá phiến, tổng thị phần dầu thô của OPEC trên toàn cầu đã giảm xuống 51%, mức thấp nhất trong gần một thập kỷ. Tuy nhiên, một số chiến lược gia cho rằng kịch bản đó khó có thể xảy ra. Goldman Sachs cho biết, họ không cho rằng Saudi Arabia sẽ làm rung chuyển thị trường dầu mỏ.

Nhu cầu dầu dự báo tăng

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu dầu mỏ của thế giới chắc chắn sẽ tăng vào năm 2024, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với những năm trước.

Nhu cầu được dự báo sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày vào năm tới, thấp hơn một chút so với mức tăng dự kiến 1,8 triệu thùng/ngày của năm 2023.

Phần lớn đà tăng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ được thúc đẩy bởi Trung Quốc, nơi nhu cầu dầu thô dự kiến sẽ cải thiện trong năm tới. Một nhà phân tích của Kpler nói với Business Insider rằng về lâu dài, nhu cầu dầu có thể sẽ cải thiện trong thập kỷ tới. Trong khi đó, chiến lược gia năng lượng hàng đầu của JPMorgan ước tính rằng thế giới sẽ "không bao giờ chứng kiến nhu cầu dầu đạt đỉnh".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục