Thị trường hàng hóa ngóng chờ số liệu việc làm quan trọng của Mỹ

16:14' - 07/06/2024
BNEWS Thị trường hiện đang hướng sự chú ý tới số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, vào 19 giờ 30 phút ngày 7/6, và đang chuẩn bị cho khả năng tăng trưởng việc làm sẽ thấp hơn mức dự báo.
*Vàng hướng đến tuần tăng giá đầu tiên trong 3 tuần

Giá vàng châu Á ổn định trong phiên ngày 7/6 và hướng tới tuần tăng giá đầu tiên sau 3 tuần do các nhà giao dịch đặt cược nhiều hơn vào việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất, khiến đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ giảm.

Khoảng 14 giờ 18 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 2.377,80 USD/ounce. Kim loại quý này đã tăng khoảng 2% kể từ đầu tuần này đến hiện tại. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ đã tăng 0,2% lên 2.396,50 USD/ounce.

Đồng USD dao động gần mức thấp nhất 8 tuần và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 4,275% trong phiên 6/6, mức thấp nhất kể từ ngày 1/4, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.

Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của ngân hàng IG cho biết giá vàng gần đây đã được hỗ trợ nhờ lợi suất trái phiếu giảm và đồng USD lao dốc đã tạo ra môi trường thuận lợi cho kim loại quý này.

 

Thị trường hiện đang hướng sự chú ý tới số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, vào 19 giờ 30 phút ngày 7/6, và đang chuẩn bị cho khả năng tăng trưởng việc làm sẽ thấp hơn mức dự báo trung bình 185.000 việc làm của các nhà kinh tế.

Một loạt số liệu kinh tế vĩ mô yếu kém trong tuần này càng cho thấy nhiều dấu hiệu lạm phát đang hạ nhiệt và Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 9/2024.

Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Công ty tư vấn Metals Focus cho biết giá vàng dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục khác trong năm nay bất chấp nhu cầu vàng vật chất giảm.

Giám đốc điều hành về vĩ mô toàn cầu của nền tảng giao dịch tài chính Tastylive, ông Ilya Spivak cho biết niềm tin vào việc Fed cắt giảm lãi suất gia tăng và việc Trung Quốc mua vàng dự trữ, gần đây đã chậm lại nhưng nhìn chung vẫn mạnh, đã mang lại cho giá vàng định hướng tích cực trong thời gian hiện tại.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,1% xuống 31,28 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,6% lên 1.008,85 USD/ounce còn giá palladium giảm 0,6% xuống 924,00 USD/ounce.

Tại thị trường Việt Nam, chiều 7/6, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 75,50 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

*Thị trường chứng khoán châu Á bấp bênh

Thị trường chứng khoán châu Á biến động trong phiên ngày 7/6 và các nhà đầu tư thận trọng trước lúc công bố số liệu việc làm của Mỹ. Dữ liệu này có thể đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed, diễn ra vào tuần tới.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,1% xuống 38.683,93 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,5% xuống 18.379,15 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,1% lên 3.051,28 điểm.

Chứng khoán Wellington và Jakarta cũng giảm, trong khi chứng khoán Sydney, Singapore, Seoul, Mumbai, Bangkok và Manila trong vùng xanh.

Tâm lý trên sàn giao dịch đã thay đổi trong nhiều tuần qua khi các nhà giao dịch cố gắng dự đoán động thái của Fed, với dữ liệu mới nhất cho thấy thị trường lao động cuối cùng đã hạ nhiệt, tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Các số liệu công bố ngày 4/6 cho thấy vị trí việc làm còn trống đã giảm nhiều hơn dự kiến, trong khi thước đo việc làm trong khu vực tư nhân ADP, công bố ngày 5/6, cũng thấp hơn dự báo.

Trước đó, có thông tin cho rằng lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã giảm trong tháng 5/2024, tháng thứ hai liên tiếp, cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới đang chậm lại.

Tuy nhiên, dữ liệu quan trọng nhất trong tuần này là báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, được Fed theo dõi chặt chẽ để đánh giá sức khỏe của thị trường lao động. Các quan chức Fed cho rằng việc làm sụt giảm và lạm phát giảm là những yếu tố chính để họ quyết định thời điểm cắt giảm lãi suất.

Nhiều nhà hoạch định chính sách cho biết họ chỉ đưa ra lựa chọn dựa trên dữ liệu sắp tới, và hầu hết đều cảnh báo sẵn sàng duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn để đạt được mục tiêu.

Trước đó, các thị trường đồn đoán Fed sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất, nhưng nhiều người đang chuẩn bị cho việc số lần cắt giảm giảm xuống còn lại lần do dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao và các nhà hoạch định chính sách không muốn hành động quá sớm.

Tuy nhiên, việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Canada cắt giảm lãi suất đã mang lại hy vọng rằng Fed sẽ “nối gót” các ngân hàng này.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 4,02 điểm (0,31%) lên 1.287,58 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,80 điểm (0,33%) lên 244,99 điểm.

*Giá dầu tăng nhờ cam kết của OPEC+

Giá dầu châu Á tăng nhẹ trong phiên ngày 7/6, sau khi các thành viên chủ chốt của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và những quốc gia liên minh (OPEC+), là Saudi Arabia và Nga trấn an thị trường, cho biết sẵn sàng tạm dừng hoặc đảo ngược các thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, thị trường đang hướng đến tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Khoảng 13 giờ 57 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc tăng 14 xu, tương đương 0,2%, lên 80,01 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 16 xu, tương đương 0,2%, lên 75,71 USD/thùng.

Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong tại ngân hàng IG cho biết giá dầu đã chật vật để lấy lại đà trong những ngày qua nhờ sự trấn an từ OPEC+ xung quanh quyết định sản lượng mới nhất. Ông dự báo giá dầu có thẻ dao động quanh mức từ 76 USD/thùng đến 80 USD/thùng, trong khi tâm lý thị trường cố gắng ổn định chờ đợi những tín hiệu cho bước đi tiếp theo.

Giá dầu đã phục hồi trong phiên 6/6 khi Saudi Arabia và Nga cố gắng trấn an thị trường về các thỏa thuận nguồn cung. Tuy nhiên giá dầu đang hướng đến tuần giảm thứ ba liên tiếp sau khi các nhà phân tích cho rằng cuộc họp của OPEC+ hôm 2/6 cho thấy nguồn cung đang tăng lên, điều này không có lợi cho giá dầu.

OPEC+ đã nhất trí kéo dài phần lớn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến năm 2025 nhưng vẫn để ngỏ khả năng chi việc nới lỏng dần các thỏa thuận cắt giảm tự nguyện của 8 thành viên từ tháng 10 trở đi.

Ngày 6/6, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết OPEC+ có thể tạm dừng hoặc đảo ngược việc tăng sản lượng tự nguyện nếu họ cho rằng thị trường không đủ mạnh.

ECB đã tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2019 hôm 6/6, khiến các nhà phân tích dự đoán Fed sẽ “nối gót”. Lãi suất thấp hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu.

Báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 5/2024 của Mỹ, dự kiến công bố lúc 19 giờ 30 phút ngày 7/6, có thể giúp làm sáng tỏ thêm về thời điểm Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Theo số liệu chính thức từ hải quan, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã nhập khẩu 46,97 triệu tấn dầu trong tháng 5/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục