Thị trường khí đốt và độ nhạy cảm đối với khủng hoảng chính trị

05:30' - 18/08/2024
BNEWS Theo báo Le Monde, Nga đã xuất khẩu ít khí đốt hơn sang châu Âu, nhưng mối đe dọa từ Ukraine đối với đường ống dẫn khí đốt của Nga đã khiến giá khí đốt tăng cao trong những ngày gần đây.
Ngày 6/8, leo thang xung đột Nga-Ukraine tại tỉnh biên giới Kursk, nơi có đường ống dẫn khí đốt cung cấp cho châu Âu đi qua, đã có tác động ngay lập tức: giá khí đốt trên thị trường châu Âu tăng mạnh chỉ sau hai ngày, đạt mức kỷ lục kể từ đầu năm nay. Giá khí đốt thuộc hợp đồng giao tháng 9/2024 tại trung tâm giao dịch TTF (Hà Lan) tăng 4% lên 40 euro/MWh và được đẩy lên 40,475 euro/MWh trong phiên, mức giá cao nhất kể từ tháng 12/2023. Trong ba ngày, giá đã tăng khoảng 9%.
 
Mặc dù vẫn còn cách xa mức trung bình 242 euro/MWh vào tháng 8/2022, sáu tháng sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, nhưng mức giá hiện nay vẫn cao. Thị trường phản ứng với việc quân đội Ukraine tiếp quản điểm trung chuyển khí đốt tại Soudja, một trung tâm đầu não trong mạng lưới vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu qua Ukraine.
 
Kể từ khi khóa van đường ống Yamal - châu Âu đi qua Ba Lan từ tháng 5/2022, đường ống qua Soudja là nguồn cung cấp trực tiếp khí đốt của Nga cho châu Âu. Một đường ống khác là Turkish Stream, được khánh thành vào năm 2020, kết nối Nga với Thổ Nhĩ Kỳ dưới Biển Đen và thông qua một đường ống khác dẫn khí đốt đến các khách hàng như Bulgaria và Serbia. Ngược lại, các tuyến đường ống Nord Stream 1 và 2, nối Nga với miền Bắc nước Đức thuộc vùng Baltic, đã không hoạt động kể từ vụ phá hoại vào tháng 9/2022.
 
Theo công ty khai thác đường ống dẫn khí đốt Ukraine OGTSOU, trong tháng 6/2024, khối lượng khí đốt Nga được vận chuyển đến châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Thỏa thuận mà phía Ukraine đã ký với Gazprom vào năm 2019 sẽ hết hạn vào cuối năm nay và Ukraine đã tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng.
 
Theo giới quan sát, phản ứng của thị trường đối với các mối đe dọa tại điểm trung chuyển Soudja dường như quá mức do khối lượng vận chuyển qua đường ống này thấp, khoảng 42 triệu mét khối mỗi ngày và chủ yếu là phục vụ khách hàng Áo, nơi không có các kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) khi không thể tiếp cận biển. Nhưng thị trường khí đốt rất nhạy cảm với các cuộc khủng hoảng chính trị, cũng như các sự cố kỹ thuật hoặc thời gian bảo trì mạng lưới và nhà máy hóa lỏng khí đốt.
 
Vào tháng 6/2024, việc đóng cửa đường ống dẫn khí đốt Langeled giữa Na Uy và Anh đã khiến giá giao ngay tăng 13% trong vài giờ, khẳng định vai trò chiến lược hiện nay của nhà sản xuất Scandinavia. Châu Âu cũng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào LNG và phải cạnh tranh trực tiếp với các khách hàng ở châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, châu Âu phải nhập khẩu LNG từ Mỹ, được sản xuất từ khí đá phiến bằng phương pháp bẻ gãy thủy lực gây tranh cãi. Càng gần mùa Đông, tâm lý lo ngại càng tăng lên, ngay cả khi không có nguy cơ nào về kho lưu trữ.
 
Liên minh châu Âu (EU), có kế hoạch dứt khoát không sử dụng khí đốt Nga từ năm 2027, đã đi được “một chặng đường êm ả”. Trong hai năm rưỡi, các nước thành viên (trừ Hungary và Áo) đã thành công trong việc đa dạng hóa nguồn cung của mình. Đặc biệt, Na Uy đã trở thành nhà cung cấp chính thay Nga và gần đây hơn có thêm nguồn cung từ Azerbaijan. Mỹ cũng như Qatar, đã vận chuyển tới thị trường châu Âu một khối lượng LNG khổng lồ. Vì khí đốt không nằm trong lệnh trừng phạt quốc tế, Nga cũng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu, bắt đầu từ Pháp.
 
Kết quả là, Gazprom đang gánh chịu những thiệt hại đáng kể do việc tái cơ cấu nhanh chóng thị trường khí đốt gây ra. Nắm giữ trữ lượng lớn nhất thế giới và do Điện Kremlin kiểm soát, tập đoàn này sản xuất rất ít LNG. Nga đã giao lại hoạt động này cho tập đoàn tư nhân Novatek, vốn đang hợp tác với tập đoàn TotalEnergies của Pháp. Đầu tháng 5/2024, Gazprom đã công bố khoản lỗ 6,4 tỷ euro (7 tỷ USD) trong năm 2024, là lần thua lỗ đầu tiên sau 1/4 thế kỷ, chủ yếu do mất các khách hàng tại EU.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục