Thị trường lao động mỹ vẫn tăng trưởng mạnh

15:01' - 19/07/2019
BNEWS Số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tăng vừa phải trong tuần trước cho thấy thị trường lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn mạnh bất chấp các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng 8.000 đơn lên mức đã được điều chỉnh theo mùa 216.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 13/7.

Con số này phù hợp với dự báo của giới chuyên gia và nằm trong khoảng 193.000-230.000 đơn cho năm nay.

Số liệu về lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp thường biến động vào khoảng thời gian này của năm vì các nhà máy có thể đóng cửa vào nhiều thời điểm khác nhau trong mùa Hè, đặc biệt trong ngành sản xuất ô tô.

Số trường hợp bị sa thải vẫn ở mức thấp dù căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã góp phần khiến triển vọng của nền kinh tế “ảm đạm” hơn và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ra tín hiệu có thể hạ lãi suất lần đầu tiên trong 10 năm qua tại cuộc họp cuối tháng này.

Tuy nhiên, có nhiều lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt lao động và lập trường cứng rắn hơn của Chính quyền Trump trong vấn đề nhập cư có thể cản trở đà tăng trưởng việc làm.

Tăng trưởng việc làm vững đang góp phần củng cố nền kinh tế tế vốn đang trên đà giảm tốc khi tác động kích thích từ chính sách cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ hồi năm ngoái đang suy giảm dần.

Hoạt động chế tạo và xây dựng yếu, cũng như thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng đang phần nào lấn át chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, hoạt động chế tạo đang có dấu hiệu cải thiện. Fed chi nhánh Philadelphia cho biết chỉ số tình hình kinh doanh của vùng này đã tăng từ 0,3 điểm trong tháng Sáu lên 21,8 điểm trong tháng Bảy.

Đây là mức cao nhất kể từ tháng 7/2018 và nó phản ánh sự gia tăng mạnh mẽ trong số đơn hàng mới, hoạt động tuyển dụng và xuất khẩu.

Nhưng hoạt động chế tạo, vốn chiếm khoảng 12% nền kinh tế, có thể bị ảnh hưởng do doanh nghiệp giảm chi tiêu cho thiết bị, hàng tồn kho ngày càng nhiều, tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, cũng như đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục