Thị trường lao động Pháp đang dịch chuyển

06:30' - 13/11/2023
BNEWS Người nhập cư từ lâu đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Pháp, nhất là khi người bản địa không muốn làm một số công việc mà họ cho là “nên để cho lao động nước ngoài”.

 

Nhật báo Le Point cho biết hiện nay trong rất nhiều lĩnh vực kinh doanh thương mại và công nghiệp Pháp, giới chủ rất khó tuyển dụng lao động là người bản địa và buộc phải trông cậy vào người nhập cư. 

Ông Xavier Denamur, chủ của một số nhà hàng ở Paris, cho hay: “Người Pháp không muốn giặt giũ, phục vụ hay dọn dẹp. Và tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài”. Đội ngũ làm việc cho ông gồm 45 nhân viên, hoàn toàn là người nước ngoài, với 16 quốc tịch khác nhau như Sri Lanka, Tunisia, Mauritania… Theo chủ doanh nghiệp này, nếu đăng tin trên các trang tìm việc, các ông chủ sẽ “không thể tìm thấy một hồ sơ nào của người Pháp”.

Người nhập cư từ lâu đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Pháp, nhất là khi người bản địa Pháp không muốn làm một số công việc mà họ cho là “nên để cho lao động nước ngoài”.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Lao động Pháp, nước này hiện có khoảng 2,7 triệu lao động nhập cư (trong Liên minh châu Âu (EU) và ngoài EU), chiếm khoảng 10% tổng số việc làm. Người nhập cư thường làm những việc mà người địa phương từ chối, tức là những công việc khó khăn đòi hỏi về thể chất, công việc lặp đi lặp lại, phân chia ngày và căng thẳng...

 

Họ xuất hiện đặc biệt nhiều trong các lĩnh vực dịch vụ cho cá nhân và tập thể, khách sạn và ăn uống, xây dựng nhà ở và công trình công cộng... Thậm chí trong các cơ sở tôn giáo do thiếu linh mục. Tại vùng thủ đô Île-de-France, tỷ lệ người nhập cư có việc làm thậm chí rất cao, chiếm 22,1%, gấp đôi so với ở các vùng còn lại của Pháp.

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Triển vọng và Thông tin Quốc tế (CEPII) có trụ sở tại Paris cho thấy người nhập cư chiếm đa số trong một số ngành nghề được mô tả là “thiết yếu” trong thời kỳ đại dịch COVID-19, đặc biệt là công nhân bảo trì, thu gom rác, nhân viên thu ngân, thậm chí là bác sỹ trong các bệnh viện.

Bà Sophie Marchandet, phụ trách cung ứng nhân sự của Liên đoàn Bệnh viện Pháp (FHF), cho biết: “Thiếu khoảng 30% bác sỹ thực hành, đặc biệt là bác sỹ cấp cứu, gây mê hoặc sản - phụ khoa. Các bệnh viện phải sử dụng các biện pháp tuyển dụng ngày càng đa dạng để đảm bảo hoạt động liên tục, đặc biệt là tuyển dụng người nước ngoài”. Sử dụng người nước ngoài nhiều nhất là các chuyên khoa đòi hỏi sự có mặt thường xuyên và làm việc với cường độ cao.

Một lĩnh vực khác cũng phụ thuộc nhiều vào người nước ngoài là dịch vụ phục vụ cá nhân. Lao động nước ngoài chiếm 38,8% lực lượng nhân viên gia đình, trong đó 15,5% người giúp việc tại gia và 13,6% quản gia. Liên đoàn người sử dụng lao động cá nhân (FEPEM) ước tính cứ 4 nhân viên trong lĩnh vực này thì có một người sinh ra ở nước ngoài. Điều kiện làm việc không đơn giản, phần lớn phải làm việc bán thời gian, công việc khó khăn và tốn sức.

Trong lĩnh vực an ninh của Pháp, người nhập cư cũng chiếm tỷ lệ đáng kể (28,4%). Torann-France, một công ty an ninh tư nhân đang sử dụng 12 nhân viên, cho biết việc tuyển dụng không hề đơn giản, nhất là khi đối tượng phải đáp ứng các yêu cầu về thể hình, thể chất và đặc biệt phải có chứng chỉ chuyên môn.

Ông Pierre Brajeux, chủ công ty Torann-France kiêm chủ tịch Liên đoàn an ninh tư nhân Pháp, cho biết: “Lĩnh vực an ninh tư nhân đang thiếu khoảng 20.000 người. Với sự thiếu hụt này, sẽ không mất quá 48 giờ để một người đủ điều kiện tìm được việc làm”. Theo ông Brajeux, đối với người lao động nước ngoài, chiếm 80 đến 90% số người xin việc, lĩnh vực này là một cơ hội tốt, bởi “chỉ cần có thiện chí và tỏ ra muốn làm việc là được”.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi năm Pháp thiếu từ 70.000-100.000 lao động thời vụ. Tình trạng sẽ càng tệ hơn nếu không có người nhập cư bù đắp một phần thâm hụt lao động. “Chúng tôi không tìm được người Pháp nào sẵn sàng làm công việc này. Nếu có các ứng viên địa phương, chúng tôi sẽ thuận lợi hơn nhiều. Bởi việc giải thích cho một người không biết tiếng Pháp cách thực hiện các kỹ thuật ở vườn nho là điều không hề dễ dàng”, Jean-Luc Métayer, một chủ vườn nho ở tỉnh Charente, cũng là người đứng đầu một công ty cung cấp dịch vụ về vườn nho, cho biết.

Từng là lĩnh vực tiếp nhận nhiều người nhập cư, sản xuất công nghiệp tại Pháp hiện nay sử dụng ít lao động nước ngoài hơn nhiều. Nhưng người nhập cư vẫn chiếm 16,4% lao động dệt may và da có tay nghề cao, hoặc 14,1% lao động phổ thông trong các ngành công nghiệp chế biến.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư Pháp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp chỉ sử dụng 6% lao động nước ngoài, nhưng 49% trong số họ đã được tuyển dụng trong 5 năm trước.

Trên thực tế, các nhà máy tại Pháp đang thực sự gặp khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân, khiến nhiều doanh nghiệp phải tính đến chuyện dịch chuyển cơ sở sản xuất. Thậm chí tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng phụ trách Công nghiệp Roland Lescure đã phải thừa nhận rằng “chương trình tái công nghiệp hóa nước Pháp sẽ không thể đạt được nếu không có người lao động nhập cư”.

Tuy nhiên, lao động nhập cư cũng là một chủ đề nhạy cảm về mặt chính trị và thường gây tranh cãi trong nhiều giới và phe phái chính trị tại Pháp. Trên thực tế, công việc làm của người nhập cư tại Pháp hiện cũng có mặt trái, với việc nhiều chủ lao động lén lút sử dụng người nhập cư không có giấy tờ, dẫn đến không tôn trọng Bộ luật Lao động.

Đầu tháng 10/2023, hàng trăm công nhân không có giấy tờ, trong đó có nhiều người làm việc cho các dự án xây dựng công trình Thế vận hội Olympic 2024, đã đình công để tố cáo điều kiện làm việc tồi tệ và công khai yêu cầu được hợp thức hóa tư cách lao động. Đây chính là một vấn đề khiến các cơ quan hữu quan Pháp phải đau đầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục