Thị trường nông sản thế giới: Nhu cầu đối với gạo Ấn Độ tăng mạnh

20:10' - 02/07/2022
BNEWS Nhu cầu đối với gạo Ấn Độ tăng mạnh trong tuần này do đồng rupee giảm, khiến gạo Ấn Độ trở nên hấp dẫn hơn so với gạo của Thái Lan và Việt Nam.

* Thị trường gạo châu Á

Nhu cầu đối với gạo Ấn Độ tăng mạnh trong tuần này do đồng rupee giảm, khiến gạo Ấn Độ trở nên hấp dẫn hơn so với gạo của Thái Lan và Việt Nam, trong khi Bangladesh cắt giảm thuế nhập khẩu để "hạ nhiệt" giá gạo trong nước.

Tại Ấn Độ- nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm trong tuần này không thay đổi so với tuần trước, ở mức 355 - 360 USD/tấn.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết: “Người mua đang ưa chuộng gạo Ấn Độ vì giá thấp hơn. Nhu cầu rất cao đối với gạo trắng 25% và 100% tấm”.

Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đứng ở mức 412- 415 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức 420 - 425 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân ở Bangkok cho biết: “Nhu cầu đang tăng nhưng không nhiều. Thị trường trầm lắng trong bối cảnh giá gạo của Ấn Độ rẻ hơn gạo Thái Lan”. Thương nhân trên cho biết thêm rằng người nông dân đang kỳ vọng vào triển vọng sản lượng cao trong năm nay, nhưng đồng thời họ đang chịu áp lực từ chi phí phân bón tăng cao.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm chào bán ở mức 415- 420 USD/tấn, giảm từ mức 418- 423 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân nói: “Nguồn cung trong nước đang tăng khi hoạt động thu hoạch vụ Hè Thu đang diễn ra”.

Bangladesh cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ 62,5% xuống còn 25%, và giới thương nhân cho biết một lượng lớn gạo sẽ đến từ quốc gia láng giềng Ấn Độ. Lũ lụt nguy hiểm tại Bangladesh làm thiệt hại nhiều diện tích cây trồng và khiến giá trong nước tăng đột biến, mặc dù đây là mùa thu hoạch cao điểm của vụ lúa lớn nhất của quốc gia Nam Á này.

Mặc dù Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, nhưng quốc gia này thường xuyên phải nhập khẩu lương thực để đối phó với tình trạng thiếu hụt do thiên tai như lốc xoáy và lũ lụt.

 

* Thị trường nông sản Mỹ

Trong phiên giao dịch ngày 1/7, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) đều giảm, với giá lúa mỳ và đậu tương giảm mạnh.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 giảm 12,25 xu Mỹ (tương đương 1,98%) xuống 6,075 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2022 giảm 38 xu Mỹ (4,3%) xuống 8,46 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2022 giảm 62,75 xu Mỹ (4,3%), xuống 13,9525 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Thanh khoản của thị trường nông sản toàn cầu vẫn ổn định dù thị trường năng lượng và chứng khoán đang tăng điểm và thu hút dòng vốn đầu tư. Giá ngô và lúa mỳ kỳ hạn tại Mỹ và châu Âu đang thấp hơn so với trước khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Chính phủ Nga đã thay đổi cách tính thuế xuất khẩu lúa mỳ dựa trên đồng ruble thay vì đồng USD. Mức giá cơ bản hiện được đặt ở 15.000 ruble (tương đương 285 USD), so với mức giá cơ bản trước đây là 200 USD.

* Thị trường cà phê thế giới

Trong phiên giao dịch cà phê ngày 2/7, giá cà phê thế giới kỳ hạn đứng trước nguy cơ sụt giảm mạnh do đồng real của Brazil mất giá.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 27 USD, xuống 2.006 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm thêm 25 USD, còn 2.006 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 5,45 xu Mỹ, xuống 224,65 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm 5,55 xu Mỹ, còn 221,50 xu Mỹ/lb, các mức giảm mạnh (1 lb=0,4535 kg). Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Tỷ giá đồng real tiếp tục suy yếu, xuống gần mức thấp nhất 5 tháng so với USD, đã thúc đẩy người Brazil mạnh tay bán cà phê vụ mới hiện đang thu hoạch với sản lượng Arabica vào năm được mùa theo chu kỳ “hai năm một”, do họ đang có lợi khi thu về được nhiều nội tệ hơn.

Trong khi đó, chỉ số đồng USD kỳ hạn (USDX) tiếp nối đà tăng trong rổ tiền tệ mạnh đã khiến giá cả các loại hàng hóa nói chung được thanh toán bằng đồng USD trở nên quá đắt đỏ cũng làm giảm sức mua.

Xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa kết thúc, lạm phát toàn cầu chưa được cải thiện, nền kinh tế Mỹ ngày càng suy thoái nặng nề, thị trường tăng cường “đặt cược” vào việc Fed sẽ không “cứng rắn” trong phiên họp chính sách tiền tệ trong tháng 7/2022, đã khiến phần lớn nhà đầu tư chuyển vốn quay lại các sàn chứng khoán, khiến sắc đỏ bao trùm các thị trường hàng hóa nói chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục