Thị trường việc làm cuối năm: Việc tìm người

11:43' - 26/01/2024
BNEWS Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh vừa để hoàn thành chỉ tiêu năm vừa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vì thế, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An tăng. Thế nhưng, điều đáng nói là, nhiều doanh nghiệp không tuyển được nhân sự.

Khó tuyển dụng

Công ty Luxshare thuộc Khu Công nghiệp VSHIP là doanh nghiệp chuyên sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, có đơn hàng của các thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Vì tính chất của công việc lắp ráp, phần lớn nhân sự Công ty cần là lao động phổ thông chưa qua đào tạo tay nghề.

Mặc dù không yêu cầu cao nhưng mức lương khởi điểm của Công ty cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Người có thâm niên từ 1-2 năm trở lên mức lương dao động từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Khánh Minh, Phụ trách nhân sự Công ty Luxshare cho biết, Công ty có nhu cầu tuyển dụng 1.000 công nhân trong những ngày cuối năm. Công ty đăng tuyển dụng nhân sự trên nhiều kênh thông tin nhưng chỉ tuyển được 1/10 so với nhu cầu.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Royal Foods Nghệ An cần tuyển lượng lớn nhân viên bếp nhưng đến nay chưa nhận được hồ sơ ứng tuyển.

Chị Hồ Lan, nhân viên thuộc bộ phân nhân sự của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Royal Foods Nghệ An cho biết, mặc dù mức lương hấp dẫn nhưng do yêu cầu tuyển dụng là công nhân có một năm kinh nghiệm nên Công ty vẫn khó tìm người.

Bởi theo khảo sát, đa số người có thâm niên trong ngành kỹ thuật chế biến thực phẩm đã có chỗ làm ổn định, mức lương tương đối tốt. Để thu hút được họ, chế độ đãi ngộ phải tốt hơn chỗ làm cũ. Trên thực tế, Công ty chưa làm được điều này.

Theo chị Lan, thời gian tới, nếu Công ty không tuyển dụng được lao động, theo yêu cầu của Ban Giám đốc, công nhân cũ phải tăng ca. Do đó, Công ty đang gấp rút quảng bá, tuyên truyền trên các kênh truyền thông để tuyển dụng nhân sự. 

Chung tình trạng trên, các đơn vị giao, nhận hàng đang "đỏ mắt" tìm người. "Những ngày này, Công ty cần khoảng 50 shipper và các nhân viên kho nhưng hiện chỉ có vài hồ sơ ứng tuyển. Điều này đồng nghĩa những nhân viên đang làm hiện nay sẽ quá tải công việc. Vì thế, họ sẽ nảy sinh tư tưởng nhảy việc trong thời gian tới", ông Lâm Đức Tài, Phòng nhân sự Công ty SPX Express, thành phố Vinh cho biết.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An đã khảo sát, thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 21 doanh nghiệp FDI, 31 doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 46 doanh nghiệp trong tỉnh, 8 doanh nghiệp ngoại tỉnh có nhu cầu tuyển dụng gần 5.600 lao động.

Thông qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đơn vị lên kế hoạch kết nối, giới thiệu, cung ứng cho chủ sử dụng lao động theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Theo ông Trần Hữu Thượng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, ngoài ngành nghề như linh kiện điện tử, thực phẩm, dịch vụ thương mại, ngành may tưởng như cầm chừng nhưng vẫn liên tục có đơn hàng và có nhu cầu tuyển dụng nhân sự.

Căn cứ nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp UBND huyện, chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã thông tin, hỗ trợ người lao động có nhu cầu tìm việc làm và đăng tải trên Website: vieclamnghean.vn. Đồng thời, Phòng tập trung rà soát nhu cầu, nguyện vọng tìm việc của người lao động tại địa phương, phối hợp giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.  

Nhu cầu tăng cao

Lý giải hiện tượng “việc tìm người” hiện nay, ông Lê Hải Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho rằng, từ giữa năm 2023, các ngành may mặc giày da thiếu đơn hàng. Nhiều công ty bị giải thể, hàng ngàn công nhân từ các tỉnh phía Nam phải bỏ việc về quê hoặc tìm kiếm công việc khác.

Đến nay, Trung tâm giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho hơn 22.000 người. Số lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp không còn mặn mà với việc đăng ký tuyển dụng ở các công ty có hợp đồng khác, họ thường tìm việc làm thời vụ để tăng thêm thu nhập mà vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nhiều người cho rằng, mức thu nhập như thế còn cao hơn là đầu quân cho một đơn vị may mặc, giày da, linh kiện điện tử mức lương chỉ từ 4,2 - 8 triệu đồng/tháng như hiện nay. Một nguyên nhân khác khiến lao động không mặn mà với công việc mới là do thị trường có nhiều xáo trộn...

Ông Đinh Văn Phong, Trưởng phòng Quản lý Doanh nghiệp và Lao động, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cho rằng, những tháng cuối năm 2023, thị trường có tín hiệu khả quan, hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp diễn ra tích cực, các doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại và nhu cầu tuyển dụng lao động tăng, đặc biệt một số doanh nghiệp lớn đi vào hoạt động, có nhu cầu tuyển dụng lớn.

Để người lao động tin tưởng, có niềm tin trong việc lựa chọn doanh nghiệp ngành nghề may mặc, linh kiện điện tử, giày da phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá. 

Theo kế hoạch năm 2024, một số doanh nghiệp lớn đi vào hoạt động chính thức tại các Khu Công nghiệp trên địa bàn Nghệ An. Vì thế, nhu cầu tuyển dụng lao động tiếp tục tăng cao, các doanh nghiệp dự kiến tuyển dụng thêm khoảng 15.336 lao động.

Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động chủ yếu là lĩnh vực giày da, điện tử và may mặc như: Công ty Luxshare và Merry (3.500 lao động), Công ty Matsuoka (2.700 lao động), Công ty Runergy (1.000 lao động), Công ty Ju Teng (1.000 lao động), Công ty Everwin (1.000 lao động)…

Nhằm chuẩn bị nhân lực cho các nhà máy trong khu công nghiệp, hai năm trở lại đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp kinh tế kỹ thuật nghề mở hội nghị kết nối cung - cầu lao động để doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá nhu cầu tuyển dụng. Đồng thời, Ban phối hợp nhà kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp VSIP, WHA và doanh nghiệp tổ chức sự kiện kết nối cung - cầu lao động tại các khu công nghiệp, địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục