Thiếu Ấn Độ, RCEP 15 vẫn là hiệp định thương mại tự do chất lượng cao (Phần 1)

06:30' - 03/12/2019
BNEWS Thủ tướng Narendra Modi đã phát biểu tại Bangkok rằng theo quan điểm của Ấn Độ, hiệp định RCEP hiện nay không phản ánh đầy đủ tinh thần cơ bản và những nguyên tắc chỉ đạo của RCEP.
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng ở Sanand, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết trên báo The Business Times, ngày 4/11 tại Bangkok (Thái Lan), các nhà lãnh đạo đã tuyên bố rằng 15 trong số 16 nước tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã hoàn tất “các cuộc đàm phán dựa trên văn bản cho một hiệp định RCEP hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và đôi bên cùng có lợi”. Các nhà làm luật tiếp tục làm việc để tiến tới một lễ ký chính thức, có khả năng diễn ra vào tháng 2/2020.

Mặc dù đàm phán rất tích cực, nhưng Ấn Độ vẫn chưa sẵn sàng tham gia nhóm này. Theo Thủ tướng Narendra Modi, hiệp định này cũng không giải quyết một cách thỏa đáng những vấn đề và lo ngại nổi bật của Ấn Độ. 

Các đảng phái đối lập khác nhau cũng gây sức ép chính trị trong nước phản đối thỏa thuận này. Những người chỉ trích khẳng định rằng RCEP sẽ mở cửa Ấn Độ cho dòng chảy ồ ạt các sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc và sản phẩm nông nghiệp từ Australia và New Zealand.

Thủ tướng Narendra Modi đã thông báo quyết định của Ấn Độ không tham gia RCEP tại Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra ở thủ đô Bangkok của Thái Lan đầu tháng Mười Một vừa qua. Tạp chí “Foreign Policy” dẫn lời Thủ tướng Modi nói rằng, các cuộc thương lượng RCEP đã không giải quyết được các mối quan tâm và vấn đề chủ yếu của Ấn Độ.

Theo “Foreign Policy”, sự phản đối của Ấn Độ đối với thỏa thuận thương mại nói trên không có gì là khó hiểu. Thứ nhất, Ấn Độ đang bị thâm hụt thương mại với 11 trong tổng số 15 thành viên khác của RCEP và mức thâm hụt đối với một số nước là khá lớn. Chính vì điều này, nên ngay từ khi khởi động các cuộc đàm phán, Ấn Độ đã yêu cầu xây dựng cấu trúc ba tầng về việc xóa bỏ thuế quan cho các nhóm quốc gia khác nhau.

Ví dụ, Ấn Độ sẽ giảm mức thuế ban đầu đối với 65% hàng hóa từ khu vực ASEAN và giảm tiếp đối với 15% nữa trong vòng khoảng 10 năm. Đối với các quốc gia mà Ấn Độ đã có thỏa thuận thương mại song phương như Nhật Bản và Hàn Quốc, mức giảm thuế đối với các mặt hàng sẽ khoảng 62,5%. Đối với các thành viên còn lại của RCEP, bao gồm Trung Quốc, nước hiện chưa có thỏa thuận thương mại tự do với Ấn Độ, sẽ chỉ được giảm khoảng 42,5% thuế.

Do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ về phương pháp tiếp cận nói trên, vào năm 2017, Ấn Độ đã đề xuất tự do hóa thuế quan đối với 74% hàng hóa từ Trung Quốc, Australia, New Zealand và mức giảm thuế lên tới 86% đối với các thành viên RCEP khác. Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN và các thành viên RCEP khác vẫn muốn Ấn Độ nhượng bộ nhiều hơn nữa và cam kết cắt giảm 92% các dòng thuế đối với hàng hóa từ tất cả các nước.

Đến năm 2019, các nước thành viên tiếp tục yêu cầu Ấn Độ chấp nhận việc xóa bỏ ngay lập tức thuế nhập khẩu đối với hơn 1/4 các mặt hàng giao thương một khi thỏa thuận RCEP có hiệu lực. Là một trong những quốc gia có mức thuế suất trung bình cao nhất đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu so với các quốc gia thành viên khác của RCEP, Ấn Độ sẽ nằm trong số những nước phải cắt giảm thuế quan lớn nhất để đưa mức thuế về không. Không có số liệu nào chỉ rõ liệu những lợi ích của thỏa thuận có bù đắp được những chi phí đó hay không.

Một vấn đề khác đối với Ấn Độ là khả năng mở cửa thị trường đối với Trung Quốc có thể sẽ dẫn tới cơn càn quét hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đối với các mặt hàng của Ấn Độ. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ đối với Trung Quốc hiện chiếm khoảng 50% tổng thâm hụt thương mại của nước này và khoảng cách này ngày càng lớn kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.

Ấn Độ có lý do chính đáng để quan ngại về một làn sóng mở cửa thứ hai sẽ khiến tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng trầm trọng hơn.

Để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi ảnh hưởng của các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc, Ấn Độ đã thương lượng với các thành viên RCEP về một cơ chế tự động áp lại các mức thuế nhập khẩu tự vệ nếu một ngưỡng nhất định nào đó đã được các nước thành viên nhất trí bị vượt qua.

Ấn Độ muốn một hệ thống có thể tự động kích hoạt để có thể ngăn chặn ngay lập tức bất kỳ thiệt hại nào đối với nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, các bên đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về vấn đề này.

Ngoài ra, ngay cả khi thực hiện các biện pháp bảo vệ thị trường nội địa khỏi sự tăng vọt hàng hóa nhập khẩu trực tiếp của Trung Quốc, thì các mặt hàng của Trung Quốc vẫn có thể tìm con đường thâm nhập thị trường Ấn Độ thông qua các nước thứ ba nếu như các quy tắc nguồn gốc xuất xứ của RCEP không được chấp hành nghiêm chỉnh.

Tuy nhiên, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo RCEP lưu ý rằng các nước tham gia sẽ làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề đáng lưu tâm của Ấn Độ và vẫn để không gian cho Ấn Độ gia nhập khi nước này sẵn sàng.

RCEP đem lại cơ hội hiếm có để Ấn Độ hưởng lợi từ sự năng động kinh tế của khu vực Đông Á theo cách thức có ích cho việc đạt được những tham vọng trong lĩnh vực chế tạo sản xuất và xuất khẩu của nước này. Bởi vậy, Ấn Độ nên cân nhắc và tham gia RCEP.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục