Thiếu điện liệu có tạo ra làn sóng mới dịch chuyển chuỗi cung khỏi Trung Quốc?

14:43' - 11/10/2021
BNEWS Các nhà cung ứng của Apple cùng nhiều công ty khác đang tính giải pháp dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh nguy cơ “tập trung sản xuất quá mức” ở đại lục.

Việc thiếu điện, cắt điện trên diện rộng tại Trung Quốc đã kích thích làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi đại lục đối với nhiều hãng chế tạo công nghệ.

Những nhà cung ứng cho Apple, Amazon và nhiều tập đoàn lớn khác đang tìm mọi cách duy trì chuỗi sản xuất để đáp ứng cho mùa mua sắm bận rộn cuối năm.

Tại một nhà máy chế tạo điện tử quy mô trung bình ở Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, cắt điện đã thành trạng thái “bình thường mới”. “Cắt điện rải rác đã xuất hiện từ tháng 6.

Nhưng tần suất cắt điện ngày một dày lên kể từ giữa tháng 9. Giờ tuần nào chúng tôi cũng nhận được thông báo về lịch cắt điện cho tuần kế tiếp”, một nhà quản lý ở đây chia sẻ.

Nhà máy có 500 nhân công này chuyên sản xuất đầu thu Blutooth, tai nghe và nhiều mặt hàng phụ kiện điện tử tiêu dùng khác cho những tên tuổi có thương hiệu toàn cầu như Harman Kardon và Edifier.

Với việc chỉ được cấp điện 2 ngày trong tuần, công ty buộc phải chuyển sang sử dụng máy phát điện để duy trì sản xuất ở ngưỡng trung bình.

Lãnh đạo nhà máy cho biết nếu tình hình tiếp diễn, việc giao hàng sẽ bị chậm “vô thời hạn” và hãng sẽ lại phải tính đến việc thuê hoặc xây mới một cơ sở sản xuất mới đặt ngoài Trung Quốc.

Các nhà sản xuất ở Giang Tô, Chiết Giang và tỉnh Quảng Đông – nơi có hàng nghìn cơ sở sản xuất, lắp ráp mặt hàng công nghệ, cho biết họ phải đối mặt với tình cảnh khan hiếm điện sản xuất trong tháng này khi chính quyền địa phương siết chặt việc tiêu thụ điện.

Giá hàng hóa tăng phi mã, nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến do tiêu thụ hàng hóa toàn cầu hồi phục cũng như cam kết về trung hòa carbon được coi là những nguyên nhân chính đẩy chính quyền kiểm soát chặt nguồn cung điện.

Sau tuần thiếu điện trầm trọng vào cuối tháng 9, nhiều nhà cung ứng của Apple đã lên tiếng cảnh báo rằng cắt điện gây ra mối đe dọa lớn đối với chuỗi cung. Quan ngại ngày một trầm trọng khi đứt gãy sản xuất sẽ là một xu hướng dài hạn.

“Chúng tôi biết rằng tình trạng này có thể kéo dài đến cuối năm nay hoặc lâu hơn”, giám đốc điều hành một công ty chuyên sản xuất loa ở Đông Hoản (Dongguan), tỉnh Quảng Đông bày tỏ.

Đây là công ty chuyên cung cấp sản phẩm cho Amazon, Lenovo và nhiều tên tuổi khác. Nhưng hãng chỉ hoạt động 3 ngày trong một tuần do nguồn cung điện bị hạn chế.

“Những bất tiện như vậy dần dần sẽ vượt quá khả năng chịu đựng. Giờ chúng tôi lại một lần nữa phải đánh giá lại kế hoạch mở các cơ sở mới ngoài Trung Quốc, có thể là ở Việt Nam, Indonesia hoặc Thái Lan”, vị giám đốc điều hành này chia sẻ.

Theo Edward Yang, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Goodway Machine Tools Group – một nhà cung ứng cho Toyota, Ford và Samsung, tác động đứt gãy sản xuất có thể còn kéo dài hơn so với tình trạng cắt điện. Những công ty hoạt động tại Trung Quốc sẽ phải đối mặt với chi phí điện năng cao hơn.

Điều này sẽ thúc đẩy một làn sóng thay đổi về cấu trúc trong ngành công nghiệp để đạt tiêu chí phát thải carbon thấp, đẩy các hãng đa dạng hóa khả năng sản xuất để hạn chế nguy cơ tập trung hóa sản xuất quá mức.

Hệ quả của cắt điện đã làm nổi rõ những vấn đề trong đặc tính kết nối của chuỗi cung. Một hãng chuyên chế tạo máy chủ (server) cho nền tảng điện toán đám mây (AWS) của Amazon, Facebook và Microsoft đặt tại thành phố Côn Sơn (Kunshan) cho biết công ty hiện dựa vào nguồn sản phẩm tích trữ để duy trì sản xuất sau khi nhiều nhà cung ứng thuộc quyền bị ảnh hưởng bởi cắt điện.

“Chúng tôi đang dựa vào nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ đơn hàng. Lúc này, chúng tôi thực sự muốn đẩy nhanh mở rộng các nhà máy ở Đài Loan. Tình hình hiện nay không thực sự an toàn cho việc duy trì chuỗi cung”, giám đốc hãng này nói.

Theo những nhà cung ứng, tình hình còn tồi tệ hơn với việc không có bất kỳ quy định rõ ràng nào về việc cơ sở sản xuất nào được cấp điện và công ty nào bị cắt điện. “Rất khó hiểu và hỗn loạn. Một số nhà cung ứng có được nguồn cấp điện dựa trên quan hệ hữu hảo, hoặc là đàm phán với chính quyền địa phương, trong khi số khác bị ảnh hưởng nặng”,  giám đốc điều hành của một hãng cung ứng cho Apple chia sẻ.

Cung cấp điện thiếu ổn định xuất hiện trong bối cảnh các công ty hoạt động tại Trung Quốc còn phải đối diện với nhiều mối lo khác. Giám đốc điều hành một hãng cung ứng cho Apple nhận định vấn đề không chỉ là thiếu điện.

Từ vụ “trừng phạt” Jack Ma cho tới việc lập lại trật tự trên thị trường trò chơi, dạy học gia sư đều cho thấy xu hướng bất chắc ngày một lớn với các doanh nghiệp tại Trung Quốc. “Mọi người đang sợ hãi”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục