Thomas Cook – Chấm dứt hành trình đẹp của một biểu tượng lữ hành

07:32' - 01/10/2019
BNEWS Chuyến bay cuối cùng của Thomas Cook hạ cánh xuống sân bay Manchester (Anh) hôm 23/9 đã khép lại hành trình 178 năm của tập đoàn du lịch lữ hành lâu đời nhất thế giới này.

Thomas Cook là một câu chuyện thật vinh quang nhưng cũng đầy tiếc nuối.

Chi nhánh của tập đoàn lữ hành Thomas Cook tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Thomas Cook là câu chuyện đặc biệt bởi người sáng lập tập đoàn “bén duyên” với ngành du lịch một cách tình cờ.

Thomas Cook bắt đầu các chuyến thăm quan, nghỉ dưỡng vào mùa Hè năm 1841, khi người sáng lập là ông Thomas Cook (1808-1892) tổ chức thành công chuyến đi bằng tàu hỏa trong nội địa nước Anh kéo dài trong một ngày.

Trong suốt ba mùa Hè sau đó, ông Cook sắp xếp hàng loạt chuyến đi, đưa hành khách đến Leicester, Nottingham, Derby và Birmingham để rồi bốn năm sau, Thomas Cook tổ chức chuyến đi nước ngoài đầu tiên, đưa khách từ Leicester (Anh) đến Calais (Pháp), mở đường cho những chuyến đi sau đó đến Thụy Sỹ, Italy, Ai Cập, Mỹ…

Cộng tác với con trai mình, Thomas Cook mở văn phòng tại Đường Fleet vào năm 1865. Ông và vợ ông vận hành thêm một khách sạn nhỏ phía trên văn phòng. Vai trò của đơn vị lữ hành Thomas Cook từ đó lớn dần.

Đỉnh cao sự nghiệp của Thomas Cook là vào tháng 9/1872, khi ông rời Leicester trong một chuyến đi để đời kéo dài gần 8 tháng.

Đã từ lâu, Thomas mang trong mình tham vọng băng qua Trung Quốc để đến Ai Cập và điều này trở thành hiện thực vào cuối năm 1869 khi Kênh đào Suez đi vào hoạt động và mạng lưới đường sắt nối bờ biển miền Đông và Tây nước Mỹ hoàn thiện.

Một trong những dấu ấn mang tính cột mốc của Thomas Cook là vào năm 1896, Thomas Cook được chỉ định làm Đại lý Hành khách Chính thức tại Thế vận hội Mùa hè lần thứ I tại Athens (Hy Lạp) - kỳ Thế vận hội đầu tiên được tổ chức trong thời kỳ hiện đại.

Năm 1991, Thomas Cook trở thành đại lý du lịch đầu tiên tại Anh quảng bá các chuyến du lịch trên các chuyến bay.

Không lâu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Thomas Cook được quốc hữu hóa trở thành một phần của British Railways. Thomas Cook hưởng lợi lớn từ sự phát triển rực rỡ của ngành du lịch sau Thế chiến II, với 1 triệu người Anh đi du lịch nước ngoài vào năm 1950.

Năm 1965 đánh dấu lần đầu tiên lợi nhuận của Thomas Cook vượt mốc 1 triệu bảng Anh.

Đến năm 1990, Thomas Cook trở thành nhà bán lẻ ngoại tệ dẫn đầu thế giới sau khi thâu tóm các mảng bán lẻ ngoại tệ của Deak International.

Năm 1994, Thomas Cook mua Interpayment Services Limited, công ty con của ngân hàng Barclays, và trở thành nhà cung cấp séc du lịch lớn nhất bên ngoài nước Mỹ…

Du khách Anh là khách hàng của Hãng Thomas Cook chờ làm thủ tục tại sân bay Heraclion, đảo Crete, Hy Lạp ngày 24/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuyên bố phá sản ngày 23/9 của Thomas Cook không chỉ làm hàng trăm nghìn khách du lịch trên toàn cầu bị “mắc kẹt”, mà còn khiến 21.000 người mất việc làm chính thức và nhiều người khác làm việc trong các ngành nghề liên quan đứng trước nguy thất nghiệp.

Ngày 23/9, Cơ quan Hàng không Dân dụng Vương quốc Anh (CAA) phải vật lộn tìm cách đưa khách du lịch trở về nước, với số lượng di chuyển được cho là lớn nhất trong thời bình của Anh.

Các vấn đề của Thomas Cook ngày nay được cho là bắt nguồn từ năm 2007, khi tập đoàn này sáp nhập với công ty chuyên tổ chức các kỳ nghỉ MyTravel của Anh. Việc sáp nhập với MyTravel đã trở thành gánh nặng trong bảng cân đối kế toán của Thomas Cook.

Sai lầm tiếp theo của Thomas Cook là sáp nhập với Co-operative Travel năm 2010.

Việc này đã gắn kinh doanh của Thomas Cook với một doanh nghiệp lữ hành và bán lẻ với 1.400 cửa hàng trên các phố lớn vào thời điểm mà khách hàng bắt đầu xu hướng đặt tour qua mạng.

Thomas Cook đã để lại một thành thích đáng nể trước tuyên bố phá sản: doanh thu thường niên ở mức 9 tỷ bảng Anh, 19 triệu khách hàng mỗi năm và 22.000 nhân viên hoạt động tại 16 quốc gia trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục