Thống đốc NHNN rốt ráo chỉ đạo xử lý nợ xấu và tái cơ cấu TCTD

16:30' - 21/07/2017
BNEWS Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chỉ đạo một loạt những giải pháp để tổ chức thực hiện xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg (Chỉ thị số 32) về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42) và ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1058).
Trên cơ sở đó, ngày 21/7, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết 42 và Đề án 1058. Tại đây, Thống đốc Lê Minh Hưng đã chỉ đạo một loạt những giải pháp để tổ chức thực hiện xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới.
Ngành ngân hàng rốt ráo triển khai xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS
*Lần đầu tiên có văn bản pháp lý của Quốc hội về xử lý nợ xấu
Theo Ngân hàng Nhà nước, về cơ bản, các quy định tại Nghị quyết số 42 nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã được Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ, Quốc hội với mục tiêu đảm bảo quyền chủ nợ hợp pháp của tổ chức tín dụng, VAMC và thúc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, đảm bảo sự an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, nợ xấu ngoài nguyên nhân chủ quan còn có nguyên nhân khách quan là hệ thống pháp lý chưa đồng bộ và nếu không được giải quyết sớm thì nền kinh tế còn khó khăn. Nợ xấu hiện nay không chỉ của riêng ngành ngân hàng mà là nợ của cả nền kinh tế. Chính vì vậy, cần có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị tham gia cùng và kết quả là sự ra đời của Nghị quyết 42.
Để thực hiện Nghị quyết này, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu hằng năm và định kỳ báo cáo tình hình. Hằng năm, đánh giá, đề xuất về tính hiệu quả, khả thi đối với các chính sách thí điểm tại Nghị quyết trên cơ sở tổng kết việc thực hiện tại tổ chức tín dụng.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị nội bộ đặc biệt là quản trị rủi ro; các biện pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu, ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh; trong đó đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác thẩm định, xử lý nợ...
Thống đốc Lê Minh Hưng. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội.
“Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước”, Thống đốc nói.
*Chính thức phê duyệt đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin, tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, Đề gồm 3 phần: mục tiêu, nguyên tắc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; lộ trình thực hiện.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, trong thời gian tới, việc triển khai Đề án sẽ tập trung vào mục tiêu lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chứuc tín dụng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng mức vốn tự có hướng tới chuẩn mực của Basel II; giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém để có số lượng phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống.
Cùng với đó là từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.
“Để cụ thể hóa các giải pháp, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Kế hoạch hành động của ngành, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 phù hợp với mục tiêu, định hướng và giải pháp nêu tại Đề án. Trong đó có sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể tới các đơn vị trong ngành ngân hàng để đảm bảo việc triển khai và thực hiện Đề án theo đúng mục tiêu đặt ra”, Thống đốc nói.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung xây dựng và hoàn thiện ngay Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Đồng thời, mỗi tổ chức tín dụng cần thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại để triển khai. Trong quá trình tổ chức thực hiện cơ cấu lại nếu phát sinh những vấn đề vượt thẩm quyền, khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước để được xem xét, quyết định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục