Thông tin ngân hàng nổi bật tuần qua

18:26' - 28/11/2021
BNEWS Mobile Money chính thức được thí điểm trên cả nước, BIDV muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức, MSB vượt 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm... là một số thông tin nổi bật tuần qua.

*Việt Nam chính thức có dịch vụ Mobile Money trên cả nước

MobiFone và VNPT vừa được phép triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile money trên phạm vi toàn quốc, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, nhất là tại các vùng sâu vùng xa mà dịch vụ ngân hàng chưa với tay tới được.

Với Mobile money, chỉ cần có số điện thoại di động đã được xác thực thông tin người dùng, chủ thuê bao có thể thanh toán hầu hết các dịch vụ (tiền điện, tiền nước, viện phí, học phí...) có liên kết với nhà mạng mà không cần có tài khoản ngân hàng. 

Người dân sẽ được tiết kiệm cả thời gian, chi phí đi lại, nhất là đối tượng khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khi thực hiện thanh toán tiền điện, nước hoặc có thể chuyển tiền có giá trị nhỏ ở mọi lúc mọi nơi.

>>VNPT chính thức thành nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money đầu tiên tại Việt Nam

>>Nhà mạng đầu tiên thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money

*SeABank bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc mới

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) mới đây đã bổ nhiệm ông Võ Long Nhị (Andrew Võ) giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc từ ngày 16/11/2021.

Ông Andrew Võ tốt nghiệp trường Đại học Simon Fraser (SFU) ở Vancouver, Canada, gia nhập SeABank từ năm 2015 với chức vụ Giám đốc Khối Đầu tư.

Với việc bổ nhiệm trên, Ban Tổng Giám đốc SeABank sẽ có tổng cộng 10 thành viên với 1 Tổng Giám đốc và 9 Phó Tổng Giám đốc.

*VietinBank vay hợp vốn nước ngoài 1 tỷ USD

Theo nguồn tin Bloomberg, VietinBank (HoSE: CTG) sẽ nhận khoản vay hợp vốn giá trị 1 tỷ USD từ 20 bên. Đây là thương vụ vay hợp vốn thứ hai của VietinBank trong năm nay, sau khoản vay 790 triệu USD vào tháng 8. Bốn bên đồng chỉ định thu xếp, bảo lãnh và dựng sổ chính, gồm UOB 300 triệu USD, SMBC 100 triệu USD, Taipei Fubon 100 triệu USD và HSBC 48 triệu USD.

Các bên thu xếp khoản vay gồm OCBC 47 triệu USD, Emirates NBD 45 triệu USD, National Bank of Kuwait Singapore 45 triệu USD, Bank of Communication Singapore 42 triệu USD và Bank of Baroda Singapore 41 triệu USD... 

*MSB đã vượt 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm

Thông tin từ MSB cho biết, tính đến hết tháng 10/2021, lãi trước thuế của MSB đạt hơn 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm. 

Tỷ suất sinh lời trên tài sản bình quân (ROA) và chỉ số tài chính đo lường mức sinh lời (ROE) của riêng ngân hàng lần lượt là 2,02% và 19,69%. Tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) 12 tháng gần nhất đạt 3,79%, cao hơn mức 3,28% của năm 2020 và 2,46% vào năm 2019. 

Với kết quả hiện đã đạt được cho đến thời điểm này, MSB đặt mục tiêu mới là cán mốc lợi nhuận trên 5.000 tỷ đồng cho cả năm nay.

*BIDV muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ gần 26%

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Cụ thể, BIDV trình cổ đông phương án phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 25,77%. Thời gian phát hành là trong năm 2021-2022.

Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm 10.365 tỷ lên hơn 50.585 tỷ đồng. 

Với số vốn điều lệ tăng thêm, BIDV dự kiến dùng để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ trong tổng thu nhập, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ.

*Nhiều ngân hàng vừa được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng

Trong báo cáo triển vọng ngành mới công bố, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết nhiều ngân hàng vừa được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý IV/2021.

Cụ thể, TPBank là ngân hàng được nới room tín dụng cao nhất, lên đến 23,4%; ba ngân hàng khác được nới lên trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Các ngân hàng khác cũng được nới mạnh room tín dụng: VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%),... Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.

Theo đánh giá của BSC, điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều tổ chức tín dụng đã chạm "trần tín dụng" từ đầu năm đến nay. BSC cho rằng dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa sau năm 2021 và việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được.

Việc nới ''room'' tín dụng có ý nghĩa quan trọng đối với các ngân hàng khi hầu hết đều đã tiến sát mức trần tăng trưởng sau 9 tháng đầu năm. Trong khi thu nhập từ lãi vẫn là nguồn thu chính của ngành ngân hàng với tỷ trọng đóng góp dao động trong khoảng 70 - 80% tổng nhập hoạt động nhiều nhà băng.

*16 ngân hàng hy sinh hơn 15.500 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi cho khách hàng

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước về tình hình giảm lãi suất của các ngân hàng theo cam kết, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/10/2021 của 16 ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng là khoảng 15.559 tỷ đồng (tăng 3.323 tỷ đồng so với 30/9/2021 tương ứng tăng 27,16%), đạt 75,48% so với cam kết đưa ra cho cả năm. 

Trong đó:

Agribank: tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.996 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,3 triệu tỷ đồng cho gần 3,2 triệu khách hàng.

Vietcombank: tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 3.055 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,14 triệu tỷ đồng cho 236.403 khách hàng.

BIDV: tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 2.739 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,21 triệu tỷ đồng cho 407.603 khách hàng.

VietinBank: tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.873 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,71 triệu tỷ đồng cho 685.573 khách hàng./.

>>>Giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng CSXH

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục