Thu hút dự án sử dụng công nghệ cao tạo đột phá cho Vân Phong

11:24' - 01/12/2018
BNEWS Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), với nhiều lợi thế vượt trội đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tổ chức khảo sát và đánh giá cao.
Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN

Cùng chung làn sóng thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp đang phát triển mạnh trên cả nước mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương, Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), với nhiều lợi thế vượt trội đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tổ chức khảo sát và đánh giá cao khả năng hội đủ các điều kiện lý tưởng về vị trí địa lý, tiềm năng để phát triển.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong về những cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực mới cho khu kinh tế này.

BNEWS/TTXVN: Xin ông cho biết tình hình thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào Khu kinh tế Vân Phong hiện nay?
*Ông Hoàng Đình Phi: Đến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút 156 dự án đầu tư; trong đó có 130 dự án trong nước và 26 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD.

Hiện vốn thực hiện tại khu kinh tế trên 663 triệu USD, đạt 17% vốn đăng ký; trong đó, có 81 dự án đã đi vào hoạt động với vốn thực hiện 607 triệu USD và 75 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 3,4 tỷ USD, vốn đã thực hiện đạt khoảng 57 triệu USD.
Trong số đó có 42 dự án có sử dụng mặt biển với các ngành nghề chủ yếu là công nghiệp đóng tàu biển, xây dựng cảng biển, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch. Bình quân mỗi năm, khu kinh tế này đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 4.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 6 dự án với tổng vốn đăng ký 9,83 triệu USD; trong đó, có 3 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 5,36 triệu USD.
Nhìn chung, tình hình thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong từ khi thành lập đến nay đã đạt một số kết quả khả quan, nhất là giai đoạn từ 2015-2017.

Cụ thể, tổng vốn đăng ký mới đạt tỷ lệ 69% so với tổng vốn thu hút kể từ khi thành lập đến nay; trong đó, dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, dự kiến khởi công xây dựng vào đầu năm 2019.
Nằm trong vùng hội tụ của các cảng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng con đường từ vịnh Vân Phong vượt Thái Bình Dương là ngắn nhất và thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia khác.

Chính vì vậy trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1353/QĐ-TTg, ngày 23/9/2008 xác định xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành cửa mở hướng ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam.
Bên cạnh đó, Vân Phong có khả năng sẵn sàng kết nối hạ tầng kỹ thuật quốc gia và quốc tế khi trục Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam chạy xuyên suốt qua khu vực; Quốc lộ 26 cạnh đó đã kết nối vùng Tây Nguyên thuận lợi hơn so với nhiều địa phương khác.

Đồng thời, việc kết nối giao thông với sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) qua hầm Đèo Cả với khoảng cách chỉ 35 km và khi cảng biển tổng hợp Bắc Vân Phong được xây dựng có thể kết nối vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường biển cả trong nội địa và quốc tế.
BNEWS/TTXVN: Ông có thể đánh giá những kết quả trong việc tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nói chung tại địa phương và vào Khu kinh tế Vân Phong nói riêng?
*Ông Hoàng Đình Phi: Trong thời gian gần đây, cùng với chủ trương của tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong đã luôn quan tâm triển khai các giải pháp nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư tại địa phương nói chung và Khu kinh tế Vân Phong nói riêng với các giải pháp trọng tâm.

Đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp bằng việc rút ngắn 1/3 thời gian so với quy định đối với nhiều thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động… tại các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục đến nhà đầu tư; tập trung tiếp nhận và giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư; hiện đại hóa việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đặc biệt đã tham gia triển khai dịch vụ hành chính công và giải quyết thủ tục hành chính điện tử của tỉnh Khánh Hòa.

Đây chính là một trong những thành công để tạo môi trường đầu tư thuận lợi trong thu hút đầu tư tại địa phương nói chung và khu kinh tế nói riêng.
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp, Ban quản lý sẽ tập trung rà soát quy hoạch tổng thể khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn và nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Từ đó, đề xuất áp dụng làm cơ sở để xây dựng chương trình kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn.
BNEWS/TTXVN: Thưa ông, thực tế đã xảy ra việc một số địa phương đã “xé rào” nhằm “ trải thảm đỏ”, lôi kéo các nhà đầu tư vào địa phương? Ông có đánh giá gì về việc này và tình trạng này có xảy ra ở Khánh Hòa?
*Ông Hoàng Đình Phi: Việc ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của các địa phương cũng là một trong những giải pháp để thu hút các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách này phải đúng quy định của pháp luật; đồng thời phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc thực hiện.
Hiện nay, đối với tỉnh Khánh Hòa nói chung và Khu kinh tế Vân Phong nói riêng, các chính sách ưu đãi đầu tư đều thực hiện tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành, không có quy định chính sách ưu đãi riêng.

Thời gian gần đây, địa phương cũng đang nghiên cứu xây dựng một số chính sách hỗ trợ nhà đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp trên cơ sở các quy định của pháp luật đầu tư cũng như điều kiện thực tế và khả năng thực hiện của địa phương.
BNEWS/TTXVN: Vậy ông có tham mưu gì về mặt chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào Khánh Hòa cũng như Khu kinh tế Vân Phong?
*Ông Hoàng Đình Phi: Theo tôi, để thu hút hiệu quả đầu tư vào Khánh Hòa cũng như Khu kinh tế Vân Phong cần tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; trong đó, tập trung cải cách về thủ tục hành chính, nghiên cứu để có thể tiếp tục giảm thời gian giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng tại địa phương để đầu tư.
Tiếp đến là ưu tiên đề xuất với tỉnh tập trung giải quyết đáp ứng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư tại các khu kinh tế, khu công nghiệp tại tỉnh Khánh Hòa với các chính sách liên kết, đào tạo trong và ngoài nước. Mặt khác, khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo với sự hỗ trợ từ nhà nước, nâng cấp cơ sở đào tạo hiện đại.

Đồng thời, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ theo các tiêu chí “công nghệ cao, mới, sạch, tiết kiệm”, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao của địa phương. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư phải tuân thủ theo đúng quy hoạch, đảm bảo môi trường.
Bên cạnh đó, trong quản lý cần tiếp tục duy trì thường xuyên, liên tục, cải tiến chất lượng việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, triển khai dự án đầu tư; đồng thời liên kết hợp tác với các khu kinh tế, khu công nghiệp tại các địa phương khác để phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả trong các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.
Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh, các chính sách ưu đãi đầu tư cần nhất quán, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư lâu dài.
BNEWS/TTXVN: Xin cám ơn ông!
>> Nhiều dư địa để phát triển kinh tế biển Khánh Hòa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục