Thu hút nguồn lực khu vực tư nhân, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước

17:28' - 29/10/2018
BNEWS Chiều 29/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 29/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

* Hoàn thiện chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong đầu tư công thời gian qua, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, sự chủ động, tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội đã tạo bước đột phá, đổi mới căn bản phương thức quản lý, cân đối phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia…

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thị Thu Trang phát biểu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thu Trang nhấn mạnh, hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc cần giải quyết. Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đại biểu Phạm Thị Thu Trang cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo hướng phù hợp với đặc điểm, điều kiện phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Trang khẳng định, hiện nay, hình thức đầu tư đối tác công tư chưa được quy định rõ ràng, chưa có luật riêng về hình thức đầu tư này nên quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án phụ thuộc vào nhiều quy định, quy trình thủ tục pháp luật có liên quan, chưa phù hợp yêu cầu đặc thù trong thực hiện dự án PPP.

Cơ chế thu hút đầu tư PPP chưa đồng bộ, chưa cụ thể, dẫn đến nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục, xem xét chủ trương đầu tư thực hiện dự án nên ít hấp dẫn khu vực tư nhân, các thành phần xã hội và nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư làm ảnh hưởng đến khai thác các nguồn lực xã hội.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang cho rằng, trong điều kiện ngân sách và khả năng cân đối nguồn lực bố trí cho đầu tư còn khó khăn, việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút sự tham gia đầu tư từ khu vực tư nhân, đối tác nước ngoài tham gia hình thức đối tác công tư PPP rất cần thiết, góp phần làm giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay chưa có luật điều chỉnh riêng về hình thức PPP, đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề xuất cần xem xét sớm ban hành quy định pháp luật để tạo hành lang, cơ sở pháp lý để Chính phủ hướng dẫn trình tự, thủ tục, nội dung quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với thực tế nhằm thu hút và thực hiện có hiệu quả hình thức đầu tư đối tác công tư.

Chung quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ có biện pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, thực hiện huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

Đại biểu đặt vấn đề: Hiện nay nhu cầu đầu tư phát triển ở các địa phương, các dự án quốc gia cần nguồn vốn rất lớn, ngân sách nhà nước hạn hẹp, nếu không có biện pháp huy động nguồn lực ngoài ngân sách sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nguồn vay nước ngoài cho đầu tư.

Do không đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế xã hội theo mục tiêu đề ra, đại biểu cho rằng cần huy động các nguồn vốn đầu tư từ nguồn ODA, nguồn đầu tư nước ngoài và nguồn đầu tư huy động từ khu vực tư nhân theo hình thức đầu tư PPP.

Đại biểu Đỗ Thị Lan nêu thực tế, tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã huy động nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư với nhiều dự án lớn, tổng mức đầu tư lớn, là 47.174 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 4.717 tỷ đồng.

“Như vậy cứ 1 đồng ngân sách đầu tư đã thu hút được 8,9 đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách” - Đại biểu nhấn mạnh. Qua việc huy động vốn trên, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư được nhiều dự án hạ tầng động lực như cảng hàng không, tàu cao tốc, cầu Bạch Đằng…để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và có ý nghĩa lan tỏa, phát triển kinh tế vùng.

Tuy nhiên hiện nay, chính sách pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và nguồn vốn vay ODA vẫn còn nhiều bất cập, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư và vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện đạt mục tiêu đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020 như mục tiêu đã đề ra và đảm bảo cả cơ chế quản lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức này.

Ngoài ra, đại biểu Đỗ Thị Lan còn đề nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí đủ ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và dự án thực hiện chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, chi cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; bố trí một phần nguồn dự phòng ngân sách và từ dự toán ngân sách năm 2019 để hoàn thành đầu tư các dự án kè biên giới, đường tuần tra đã được phê duyệt và có kế hoạch hoàn thành đầu tư trong giai đoạn 2016 – 2020.

*Phân bổ ngân sách theo thứ tự ưu tiên hợp lý

Vấn đề phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực như y học dự phòng, bảo vệ môi trường… được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận chiều 29/10. Cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, song đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng, Chính phủ cần quan tâm tới thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn ngân sách đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện nghiêm túc điều 5 Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội, ưu tiên trước hết cho việc bố trí đủ vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và nhất là đối với các công trình đã hoàn thành để đưa vào sử dụng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Bùi Văn Xuyền phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Nhấn mạnh mục tiêu phải khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản, đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh, báo cáo của Chính phủ nói chung mới làm rõ được phần nợ đọng xây dựng của các địa phương trong chương trình xây dựng nông thôn mới, còn phần nợ đọng xây dựng cơ bản về ngân sách Trung ương chưa được làm rõ.

Đại biểu nêu ví dụ về dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện còn nợ chủ đầu tư là Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính khoảng 4.069 tỷ; phát sinh từ năm 2008 - 2010. Thủ tướng đã có hai văn bản chỉ đạo nhưng đến nay doanh nghiệp chưa nhận được tiền. Lãi ngân hàng phát sinh ở các khoản vay này đến nay khoảng 1.000 tỷ đồng.

“Nếu không khẩn trương thanh toán cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có thể dẫn tới phá sản và cũng không tránh khỏi những hệ lụy phát sinh dẫn đến khiếu kiện đối với nhà nước, gây tâm lý xấu cho niềm tin của các nhà đầu tư”, đại biểu Xuyền khẳng định.

Đồng thời, đại biểu Bùi Văn Xuyền kiến nghị với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm quan tâm giải quyết, khẩn trương rà soát lập danh mục để đưa vào trả nợ xây dựng cơ bản, bố trí hoàn chỉnh trước khi bổ sung các dự án mới; đề nghị làm rõ trách nhiệm trong phân bổ vốn đầu tư cũng như chi ngân sách.

“Có những nơi nợ đọng hàng ngàn tỷ đồng, doanh nghiệp và chủ đầu tư mong chờ từng ngày, nhưng cũng có những chỗ hàng chục ngàn tỷ đồng suốt từ năm 2017 tới nay không chi được phải chuyển nguồn sang năm 2018. Nghịch lý này không thể bị tái diễn”, đại biểu chỉ rõ.

Về việc phân bổ ngân sách cho y học dự phòng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) nêu quan điểm khẳng định “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bởi thông thường đầu tư cho dự phòng hiệu quả gấp 2 lần đầu tư cho chữa bệnh. Nhưng thực tế ở Việt Nam, y tế dự phòng quan tâm đến các bệnh dịch mà chưa quan tâm đến các nhóm bệnh lý khác.

Hoạt động phòng bệnh chưa được quan tâm đúng mức và toàn diện. Quy định các địa phương phải đảm bảo 30% kinh phí cho y tế dự phòng chưa được thực hiện nghiêm túc.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Bộ Y tế cần sử dụng ngân sách nhà nước do Quốc hội phê chuẩn hàng năm để cấp về cho các tỉnh đủ đảm bảo cho các hoạt động của y học dự phòng để có kinh phí thống nhất, kịp thời triển khai các hoạt động dự phòng.

Đồng thời, đại biểu đề xuất cần sớm xây dựng Luật Phòng bệnh trong đó mở rộng hoạt động dự phòng bệnh tật lên các nhóm bệnh lý khác, bệnh không lây nhiễm, bệnh bẩm sinh di truyền, bệnh lý học đường… /.

Vì sao quy mô kinh tế tư nhân vẫn nhỏ?
Vì sao quy mô kinh tế tư nhân vẫn nhỏ?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục