Thu ngân sách nhà nước còn bộn bề khó khăn​

07:56' - 15/06/2023
BNEWS Năm 2023, kinh tế trong và ngoài nước vẫn tiếp tục gặp khó khăn khi đối mặt với suy thoái, lạm phát, xung đột địa chính trị….

Do đó, làm thế nào để thu ngân sách nhà nước đạt mục tiêu là thách thức không nhỏ đối với ngành tài chính.

 

 

Từ đầu năm đến nay, kinh tế trong nước đã bị ảnh hưởng khi tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường như xung đột, khủng hoảng năng lượng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác, các nước lớn áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất.

Trong nước, áp lực lạm phát gia tăng; thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán, tiền tệ, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều điểm nghẽn,… chưa thể khắc phục ngay. Bên cạnh đó, sức ép về lãi suất, tỷ giá, lạm phát đẩy chi phí đầu vào tăng cao, trong khi hàng hóa tiêu thụ chậm, đơn hàng xuất khẩu giảm sút…

Vào thời điểm cuối quý II, đầu quý III/2022, khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ Tài chính đã nhận diện được những khó khăn, thách thức và dự toán thu - chi ngân sách nhà nước ở mức phù hợp. Theo đó, dự toán tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cũng đã nhấn mạnh thu ngân sách sẽ phải đối diện với những áp lực lớn và ngành tài chính cũng đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai nhiệm vụ thu năm 2023 và giai đoạn 2023-2025.

Thực tế cho thấy, những kết quả về các mục tiêu phát triển kinh tế quý I/2023 đã minh chứng những lo ngại đó là có cơ sở. Tăng trưởng GDP quý I chỉ tăng 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% - 7%; lạm phát tăng 5,01% trong khi mục tiêu Chính phủ đặt ra khoảng 4%; sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm.

Thu ngân sách nhà nước chỉ tăng 1,3%; trong đó thu 3 khu vực kinh tế (nếu loại trừ thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022) giảm 6%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm 16,9%; có 40 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Tài chính cho biết, 5 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, bằng 94% so cùng kỳ năm 2022.

Theo Bộ Tài chính, dù số thu nội địa 5 tháng đầu năm đạt khá so dự toán, nhưng đang trong xu hướng giảm. Cụ thể, thu tháng 1 đạt 14,7%; tháng 2 đạt 7,7%; tháng 3 đạt 8,9%; tháng 4 đạt 9,9%; ước thực hiện tháng 5 đạt 6,4% dự toán.

Bộ Tài chính cho biết không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu nội địa 5 tháng bằng khoảng 97% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Mai Xuân Thành, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thu ngân sách nhà nước vẫn đảm bảo theo tiến độ dự toán nhưng trong tình hình khó khăn hiện nay, nhất là so với các năm trước thì đây là mức thu thấp nhất trong vòng 14 năm.

Ông Mai Xuân Thành cho biết, nếu loại trừ các khoản thu phát sinh theo quý, tháng và các khoản thu đột biến thì diễn biến thu các tháng vẫn trên đà giảm, dự báo các tháng tới cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu tháng 5 tiếp tục giảm sút; luỹ kế kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế tính đến ngày 15/5/2023 đạt khoảng 45,5 tỷ USD, giảm 19% so cùng kỳ năm 2022, đã khiến số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 5/2023, giảm 6,23% so với tháng trước. Số thu 5 tháng bằng 36% dự toán, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho hay mức giảm thu ngân sách tháng sau cao hơn tháng trước và cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng có thuế tiếp tục giảm gây khó khăn cho thu ngân sách ngành hải quan.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 gặp khó khăn và nhiều thách thức, đòi hỏi ngành tài chính nỗ lực không ngừng, đồng thời phải có nhiều giải pháp đột phá nhằm hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cũng thẳng thắn nhìn nhận, số thu có xu hướng giảm liên tiếp trong những tháng vừa qua, vì vậy trong những tháng tới, việc thu sẽ khó khăn. Cùng với đó việc tiếp tục thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế, phí, nhất là giảm 2% thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ... sẽ tác động đến thu ngân sách.

Do đó, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đề nghị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Ngân sách Nhà nước phải chủ động có phương án điều hành, kể cả điều hành tổng thể ngân sách nhà nước và điều hành đối với ngân sách địa phương.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, mặc dù nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với việc cải cách hành chính thuế, cũng như cải cách chế độ thu - chi, siết chặt nguồn thu trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản đã có nhiều thay đổi; việc định giá thị trường, tiến hành thu thuế các hoạt động kinh doanh bất động sản theo giá thị trường đã dần dần đi vào nề nếp.

Bên cạnh đó, hoạt động thu thuế thương mại điện tử, thu thuế của tổ chức kinh doanh xuyên biên giới trên môi trường số cũng đã đem lại nguồn thu tích cực cho ngân sách nhà nước trong mấy năm gần đây.

Trong những tháng tiếp theo, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tài khóa, tiền tệ tại các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ chủ động nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội những giải pháp mới phù hợp tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, ngành tài chính tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới; thực hiện các giải pháp về quản lý thu ngân sách nhà nước và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục