Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Đầu tư công hiệu quả nâng sức cạnh tranh nền kinh tế

17:35' - 23/08/2021
BNEWS Năm 2021, đầu tư công vẫn thể hiện vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các lĩnh vực về sản xuất kinh doanh và dịch vụ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch COVID-19.

Đầu tư công là động lực và giải pháp quan trọng, có tính lan tỏa rất lớn đối với đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đầu tư công hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, bên cạnh phòng, chống dịch, các bộ, ngành, địa phương cần dành nhiều nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch như Nghị quyết 63/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đề ra.
Để hiểu rõ hơn, về những khó khăn cũng như giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Trần Quốc Phương xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1082/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xin Thứ trưởng cho biết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm này đã được thực hiện ra sao khi chỉ còn hơn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2021?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên tổng hợp, báo cáo Chính phủ về tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo kịp thời về việc này.
Tại hai văn bản mới nhất (Nghị quyết số 63/NQ-CP và Công điện số 1082/CĐ-TTg), Thủ tướng đặt ra mục tiêu phấn đấu của năm 2021 và chỉ đạo rất cụ thể đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Chúng tôi mong rằng, các bộ, ngành, địa phương ý thức rõ tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công năm 2021, cùng quyết tâm cao nhất, nỗ lực cao nhất để về đích kế hoạch được giao.
Thực tế đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức mới cho nền kinh tế, nhưng chúng tôi tin rằng, nếu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao nhất, từ đó tìm ra những thời điểm có thể, những giải pháp khả thi để thúc đẩy các dự án đã được phê duyệt thì chắc chắn diễn tiến đầu tư công sẽ được cải thiện.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi mong rằng, những địa phương chưa có ca mắc COVID-19 hoặc ít chịu ảnh hưởng từ đại dịch, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư công. Những tỉnh, thành đang là tâm điểm của đại dịch như: Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… cũng cần lựa thời điểm, lựa công trình có thể làm được để tổ chức thực hiện, cố gắng tối đa không bị chậm tiến độ.
Phóng viên: Xin ông cho biết, tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong bối cảnh nhiều địa phương trong cả nước đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Trong các hoạt động của nền kinh tế thì đầu tư công cũng là hoạt động của kinh tế, cho nên so với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thì đầu tư công cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch COVID-19. Đầu tư công cũng phụ thuộc vào vấn đề vận chuyển các nguyên vật liệu, thiết bị để triển khai thi công, do vậy trong bối cảnh giãn cách sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Đặc biệt đối với những địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì thể hiện rõ nhất.
Cùng với đó là các đối tượng làm việc trong các dự án đầu tư công, điển hình là các công nhân, chuyên gia, tư vấn cũng phải thực hiện các chính sách giãn cách của địa phương, Theo đó, nhiều công nhân phải về nhà, còn một số công trình triển khai được “3 tại chỗ” nhưng nguyên liệu đầu vào để thi công gặp khó khăn. Do đó, tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chậm ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều hơn so với năm 2020.
Một yếu tố khác biệt nữa của năm nay so với năm 2020 là sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào cho thi công. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, đặc biệt là tâm lý của nhà thầu khi các hợp đồng đã ký và việc tăng giá khiến họ khó tìm nguồn cung về nguyên liệu hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi thực hiện dự án.
Yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay là sự phân tán về lực lượng cũng như thời gian vật chất của công tác chỉ đạo điều hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất chia sẻ với lãnh đạo các địa phương, nhất là các địa phương có dịch, gần như việc ưu tiên cả về thời gian và nguồn lực con người, nguồn lực vật chất dành cho chống dịch, cho nên phần nào đó ảnh hưởng đến đầu tư công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn trong bối cảnh khó khăn nhưng các địa phương cũng không quá sao nhãng, vẫn cần có phương án phù hợp để có sự quan tâm nhất định đối với việc thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Phóng viên: Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là cả nước đang chung tay chống dịch COVID-19, giải ngân vốn đầu tư công chính là động lực và giải pháp quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Chúng ta thấy rõ, đặc biệt là năm 2020, năm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, lúc đó vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng của đầu tư công đã được khẳng định. Năm 2020 đạt kết quả hết sức ấn tượng về giải ngân vốn đầu tư công, đóng góp cho tăng trưởng năm 2020 đạt mức tích cực.
Năm 2021, đầu tư công vẫn thể hiện vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các lĩnh vực về sản xuất kinh doanh và dịch vụ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, năm 2021 có những điểm mới hơn cả về thuận lợi lẫn khó khăn nên khi so sách với một năm rất cao như năm 2020 thì nhận thấy tốc độ giải ngân những tháng đầu năm 2021 còn thấp, cụ thể 7 tháng của năm nay mới giải ngân đạt hơn 36%, trong khi cùng kỳ năm 2020 đạt 40%.
Hàng tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân, các khó khăn, thách thức và kiến nghị các giải pháp. Với các giải pháp theo Nghị quyết của Chính phủ cũng như với sự quan tâm, ý thức về giải ngân vốn đầu tư công, bộ hy vọng các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ý thức được việc này, quyết liệt hơn nữa đối với các dự án đầu tư và giải ngân, đặc biệt với mốc thời gian ngày 30/9/2021 để đánh giá toàn diện, toàn bộ tốc độ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu đặt ra là phải đạt tối thiểu đạt 60% kế hoạch đề ra.
Phóng viên: Ngoài tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và xu thế giải ngân đầu tư công thường dồn vào cuối năm, theo Thứ trưởng sẽ khắc phục tình trạng này như thế nào?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Mô hình, xu thế giải ngân đầu tư công dồn vào cuối năm đã tồn tại từ rất lâu, qua phân tích của các chuyên gia thì điều này gần như đã thành quy luật.
Như năm 2020 là năm rất đặc thù, đặc biệt là đối với việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công bởi vì năm 2020 không những bị ảnh hưởng bởi quy luật giải ngân cuối năm, mà còn là năm cuối cùng của kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, cho nên tâm lý chung của chủ đầu tư, nhà thầu đều mong muốn kết thúc kỳ kế hoạch thành công, trước khi bước sang một chu kỳ kế hoạch mới. Do vậy, năm 2020, các tháng đầu năm có tỷ lệ giải ngân đạt khá cao so với các năm trước đó.
Năm 2021 là năm đầu tiên của một chu trình kế hoạch, đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới, do vậy những tháng đầu năm 2021 chủ yếu là thực hiện các bước chuyển tiếp của giai đoạn trước. Hầu hết các dự án mới của giai đoạn 2021-2025 thì những tháng đầu năm chưa thực hiện được mà phải chờ Quốc hội phê duyệt kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Phóng viên: Tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đến ngày 30/9/2021, các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao sẽ điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn thực hiện các dự án quan trọng… Theo Thứ trưởng việc điều chuyển vốn này sẽ được thực hiện như thế nào?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2019, đặc biệt là năm 2020 thì giải pháp đến một thời hạn nhất định mà dự án không giải ngân thì kiên quyết điều chỉnh để bổ sung cho các đơn vị khác.

Tuy nhiên, năm 2020 đã điều chuyển được số vốn nhất định và có lượng vốn lớn khoảng 8.000 tỷ đồng không thực hiện điều chỉnh được mà giảm kế hoạch, đó là vốn ODA. Bởi các đơn vị khi rà soát tình hình thấy khả năng giải ngân không đạt thì đề xuất xin điều chỉnh kế hoạch, số lượng vốn ODA.
Bên cạnh đó, khi một đơn vị điều chỉnh giảm, khi có đơn vị xin điều chỉnh tăng thì mới thực hiện được điều chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác. Nhưng nếu trong bối cảnh không có đơn vị nào nhận thêm thì chỉ có huỷ kế hoạch, không điều chuyển được.
Trong bối cảnh năm 2021, đến ngày 30/9, Bộ sẽ có báo cáo tổng thể báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân; thông báo với các bộ, ngành, địa phương nếu có nhu cầu bổ sung sẽ tổng hợp trên cơ sở các đơn vị không có nhu cầu, xin giảm kế hoạch hoặc bị giảm kế hoạch thì cũng có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chuyển từ đơn vị này sang đơn vị kia.
Năm nay, việc điều chỉnh này phải báo cáo Thường vụ Quốc hội. Việc điều chuyển này phụ thuộc nhiều vào các đơn vị giải ngân tốt, khi họ giải ngân tốt và tiền họ vẫn còn thì họ có thể nhận thêm… điều này phải cân nhắc trong thực tiễn để có sự điều chỉnh hài hòa, kịp thời. Trong tháng 8/2021, Bộ đã nhận được đề xuất của một số bộ ngành, địa phương xin giảm kế hoạch, Bộ sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

>>Kho bạc Nhà nước tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục