Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt mục tiêu 95%

21:07' - 09/09/2023
BNEWS Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023 đạt được mức cao nhất

Phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 được tổ chức chiều 9/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023 đạt được mức cao nhất và đây là cơ sở để có niềm tin đạt được mức giải ngân cao trong những tháng cuối năm.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, mặc dù số vốn giải ngân còn tương đối lớn, nhưng danh mục dự án có khá nhiều và nhiều dự án quy mô khá lớn. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm đối với giải ngân vốn đầu tư công là đẩy nhanh các giải pháp của Chính phủ đã đề ra và thực hiện các Nghị quyết về giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, các cơ quan thực hiện giải ngân vốn đầu tư công phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện để có khối lượng và triển khai nhanh các thủ tục giải ngân tại kho bạc.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định: “Hiện nay, toàn bộ hệ thống phục vụ cho công tác giải ngân và thủ tục hành chính đã sẵn sàng, nếu có hồ sơ giải ngân sẽ chuyển tiền một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng từ các cơ quan quản lý dự án, các nhà thầu. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tin tưởng mức 95% mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sẽ đạt được trong năm 2023”.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt gần 297,7 nghìn tỷ đồng, đạt 42,1% kế hoạch, tăng 2,95% về tỷ lệ và tăng 85.000 tỷ đồng về số tuyệt đối.

Về vấn đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, Chính phủ đã ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được kiểm soát khá tốt như các chỉ số CPI giảm dần ở mức thấp, các chính sách tài khóa, tiền tệ được thực hiện tốt. Chính vì vậy, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung tối đa để thúc đẩy tăng trưởng.

 

Cùng với đó, củng cố và phát triển trụ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế là khu vực nông nghiệp trong bối cảnh căng thẳng lương thực diễn ra trên thế giới. Điểm thuận lợi của nước ta là nước xuất khẩu nông sản tốt, nhưng vẫn phải giải quyết bài toán cân đối để vừa phục vụ tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Ngoài ra, tập trung phát triển và kích thích thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt những vấn đề liên quan đến kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đồng thời, tạo sức cầu lớn cho các doanh nghiệp khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất hướng tới thị trường trong nước, có điều kiện duy trì cũng như mở rộng sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt, thường xuyên nắm bắt tình hình, tận dụng từng cơ hội để tăng thêm các đơn hàng quốc tế, duy trì các hoạt động sản xuất, nhất là ngành chế biến, chế tạo trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục