Thủ tướng Australia khẳng định công dân mang 2 quốc tịch vẫn được nhập cảnh Mỹ

15:55' - 31/01/2017
BNEWS Thủ tướng Turnbull cho biết các công dân Australia mang quốc tịch thứ 2 (từ 7 nước có người Hồi giáo chiếm đa số) sẽ được phép đi đến và rời khỏi Mỹ "theo cách thông thường".
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ảnh: afr.com

Ngày 31/1, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết các công dân Australia mang hai hộ chiếu sẽ có thể nhập cảnh Mỹ bất chấp sắc lệnh hành chính trước đó của Tổng thống Donald Trump cấm công dân của 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số nhập cảnh Mỹ.

Đã xuất hiện những quan ngại rằng các công dân Australia mang 2 quốc tịch khi đồng thời có hộ chiếu từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, sẽ bị từ chối nhập cảnh tại biên giới Mỹ sau khi ông Trump ra lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân các nước trên.

Tuy nhiên, Thủ tướng Turnbull cho biết các công dân Australia mang quốc tịch thứ 2 (từ các nước trên) sẽ được phép đi đến và rời khỏi Mỹ "theo cách thông thường".

Trả lời hãng Sky News, Thủ tướng Turnbull nói: "Đại sứ của chúng tôi tại Mỹ vừa điện thoại thông báo rằng ông ấy nhận được sự đảm bảo từ Nhà Trắng rằng công dân mang hộ chiếu Australia, không quan trọng nơi sinh của họ hoặc nếu họ mang 2 quốc tịch, sẽ vẫn được chào đón đến và rời khỏi Mỹ theo cách thông thường".

Trong một diễn biến liên quan, ngày 30/1, Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết sẽ vận động hành lang để những người Iraq ủng hộ quân đội Mỹ được nhập cảnh Mỹ.

Hiện Lầu Năm Góc đang lên danh sách những công dân Iraq đã hợp tác với quân đội Mỹ, trong đó bao gồm các binh sĩ và phiên dịch viên, "vốn thường hỗ trợ quân đội Mỹ bất chấp sự nguy hiểm tính mạng của họ", để được phép nhập cảnh Mỹ.

Trước đó, ngày 27/1, tân Tổng thống Mỹ Trump đã ký sắc lệnh hành chính siết chặt chính sách cấp thị thực nhập cảnh và tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ.

Theo đó nâng thời gian xét thị thực đối với tất cả người tị nạn lên 4 tháng và tạm thời ngừng cấp thị thực nhập cảnh Mỹ đối với 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, bao gồm Syria, Iraq, Iran, Somalia, Libya, Sudan và Yemen trong 90 ngày vì cho rằng biện pháp này sẽ bảo vệ người dân Mỹ trước nguy cơ tấn công khủng bố.

Quyết định trên của tân Tổng thống Mỹ đã gây ra những phản ứng trái chiều trong chính giới nước này và phản ứng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Pháp và Đức, hai đồng minh lớn của Mỹ./.

>>> Biểu tình tại Anh phản đối sắc lệnh chống người nhập cư của Tổng thống Mỹ D. Trump

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục