Thủ tướng Cameron: Quốc hữu hóa các nhà máy thép không phải là một lựa chọn tốt

09:48' - 01/04/2016
BNEWS Thủ tướng Vương quốc Anh David Cameron ngày 31/3 cho biết chính phủ đang tìm mọi cách để giải cứu ngành thép, nhưng ông không tin rằng quốc hữu hóa các nhà máy thép là lựa chọn tốt ở thời điểm này.
Thủ tướng Cameron cho rằng quốc hữu hóa các nhà máy thép không phải là một lựa chọn tốt. Ảnh: reuters

Thủ tướng Cameron đã phải cắt ngắn kỳ nghỉ Phục sinh tại Lanzarote (Tây Ban Nha) để trở về nước giải quyết cuộc khủng hoảng ngành thép sau quyết định mới đây của tập đoàn thép Tata (Ấn Độ) bán toàn bộ các nhà máy tại Vương quốc Anh, vụ việc có thể ảnh hưởng tới việc làm của hàng nghìn công nhân "xứ sở sương mù".

Sau cuộc họp khẩn với các bộ trưởng sáng 31/3, ông Cameron thừa nhận tình hình rất đáng lo ngại và ưu tiên của chính phủ lúc này là tìm cách đảm bảo tương lai dài hạn cho các nhà máy thép trên toàn nước Anh, bao gồm cả các nhà máy thép đặt tại xứ Wales đang bị Tata rao bán.

Theo Thủ tướng Cameron, trong thời gian qua giới chức Vương quốc Anh đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ ngành thép như cắt giảm chi phí năng lượng, phối hợp với các nước châu Âu khác để đảm bảo có các hình phạt thích đáng cho hành động phá giá thép trên thị trường.

Tuy nhiên, ông cho rằng khó khăn là tình trạng chung của ngành thép trên thế giới do dư thừa sản lượng dẫn tới sụt giá.

Đề cập hướng giải quyết cuộc khủng hoảng thép, Thủ tướng Cameron cho rằng quốc hữu hóa các nhà máy không phải là một lựa chọn tốt, trong khi một số quan chức chính phủ cảnh báo rằng việc quốc hữu hóa các nhà máy thép có thể tốn kém 1,5 tỷ bảng mỗi năm. Chính phủ cũng đang xem xét nghiêm túc khả năng bơm tiền mặt để "nuôi" ngành thép cho đến khi tìm được khách mua.

Cuộc khủng hoảng ngành thép cũng làm bùng lên một cuộc tranh cãi rằng phải chăng tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh đã khiến tình hình thêm tồi tệ và đẩy thị trường việc làm Vương quốc Anh vào tình thế nguy hiểm.

Những người ủng hộ EU chỉ ra rằng các nước EU khác đã thúc đẩy các biểu thuế cao hơn và làm nhiều hơn để bảo vệ các ngành công nghiệp của họ, trong khi phe vận động "Brexit" (nước Anh rời khỏi EU) lại lấy ví dụ về việc nước Mỹ đã bảo vệ ngành thép hiệu quả hơn như thế nào.

Trong một diễn biến khác cho thấy thêm khó khăn mà ngành thép Vương quốc Anh đang phải đối mặt, báo chí Anh cùng ngày đưa tin nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc là tập đoàn Baosteel dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 20% trong năm nay.

Theo tờ "Người bảo vệ" (Anh), bất chấp việc Trung Quốc đang cố gắng giảm bớt sản lượng thép để tránh những chỉ trích ngày càng tăng về việc phá giá, tập đoàn Baosteel cho biết đã sản xuất 22,6 triệu tấn thép thô trong năm 2015 và có khả năng tăng sản lượng lên 27,1 triệu tấn trong năm nay.

Theo Hiệp hội sắt thép Trung Quốc, tổng công suất thép của nước này ước tính 1,2 tỷ tấn và còn có thể tăng hơn nữa trong năm nay.

Một số nước sản xuất thép chỉ trích rằng Trung Quốc đang ráo riết vận chuyển sản phẩm thép dư thừa ra nước ngoài và bán chúng với giá thấp không chính đáng.

Năm 2015, lượng thép mà Trung Quốc xuất khẩu được là 112 triệu tấn, cao hơn gấp 10 lần sản lượng thép cả năm của Vương quốc Anh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục