Thủ tướng: Đưa kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững

20:49' - 14/10/2019
BNEWS Kinh tế tập thể sau 15 năm đổi mới, phát triển theo Nghị quyết TW 5 khóa IX đến nay không ngừng tăng về số lượng và chất lượng, vượt qua nhiều yếu kém, đã đóng góp cho GDP cả nước trên 30%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

“Kinh tế tập thể ngày càng đóng vai trò quan trọng, với nòng cốt là hợp tác xã. Phải đưa hợp tác xã phát triển nhanh, khắc phục những yếu kém…”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể được tổ chức chiều 14/10, tại Hà Nội.

*Kinh tế tập thể từng bước phát triển

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 15 năm triển khai Nghị quyết và hơn 7 năm kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được thông qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 55% trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp, khoảng 50%-80% trong tổng số hợp tác xã phi nông nghiệp.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Chỉ rõ những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cũng cho biết, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã thể hiện tư duy mới về mô hình hợp tác xã kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Cũng theo Thứ trưởng Võ Thành Thống, trong quá trình triển khai thực hiện luật, không có những vướng mắc đáng kể về quy định pháp luật, ảnh hưởng đến sự thành lập và phát triển của hợp tác xã. Điều này thể hiện rõ trong một số mặt như số lượng hợp tác xã tăng lên, doanh thu và thu nhập của người lao động trong hợp tác xã được cải thiện, từng bước hoạt động ổn định, qua đó tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên.

Tính đến 31/12/2018, toàn quốc có 22.861 hợp tác xã, tăng 3.700 hợp tác xã (so với thời điểm Luật Hợp tác xã có hiệu lực 31/7/2013); thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia; doanh thu bình quân một hợp tác xã là 4,48 tỷ đồng/năm, tăng 1,9 tỷ đồng/năm… Bên cạnh đó, hoạt động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có chuyển biến tích cực về quy mô, công nghệ và thị trường…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ một số tồn tại, khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện như: việc học tập, quán triệt Nghị quyết chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; việc nghiên cứu lý luận, thực tiễn, giáo dục, đào tạo, tuyên truyền về kinh tế tập thể còn yếu; thực thi pháp luật về hợp tác xã chưa thực sự đi vào cuộc sống, một số chính sách chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả. Việc quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa thực sự hiệu quả; tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể còn chậm, chưa xứng với tiềm năng; mô hình hợp tác xã kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu.

Nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là do các cấp, các ngành còn chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dụng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển; nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, đảng viên và người dân vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thống nhất về tinh thần của Nghị quyết…

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

“ Công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, chậm tháo gỡ các vướng, còn tồn tại tâm lý ngại đổi mới, năng lực nội tại của nhiều hợp tác xã còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực…”, Bộ trưởng Dũng phân tích thêm.

Thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, khu vực kinh tế tập thể còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chậm hơn các khu vực khác và chưa ổn định; đóng góp vào GDP còn khiêm tốn. Đây là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Quy mô hợp tác xã còn nhỏ, phương thức sản xuất nhỏ lẻ, một số bộ phận dân cư chưa thấy hấp dẫn trước mô hình hợp tác xã kiểu mới nên làm giảm tác dụng của kinh tế chia sẻ.

Bên cạnh đó, các đơn vị còn đối diện một số khó khăn về tiếp cận vốn, đất đai, nguồn nhân lực, công nghệ, thông tin thị trường và hội nhập; trong đó, nổi bật là đất đai, tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn. Thủ tướng nhận định, cơ chế liên kết giữa hợp tác xã với với doanh nghiệp còn thấp, chưa tạo ra sự thay đổi căn bản trong quan hệ sản xuất ở nông thôn...

*Để kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả cùng có lợi

Để tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khu vực kinh tế tập thể đóng góp to lớn trong hỗ trợ xã viên, tạo việc làm, phát triển kinh tế nông thôn, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, nhiều đơn vị đang phát triển theo mô hình mới, chủ động sáng tạo, tham gia vào những lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng và có sức cạnh tranh trên thị trường ...

“Do đó, thể chế pháp luật của chúng ta phải công khai minh bạch, nếu  không sẽ dẫn đến tư tưởng hoài nghi về môi trường kinh doanh. Các cấp uỷ, chính quyền cơ quan chức năng nhất là người đứng đầu nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức, làm nảy sinh tâm lý hoài nghi về hợp tác xã”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần kiên trì tổ chức hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả cùng có lợi; đồng thời, cần tham khảo kinh nghiệm tốt, cách làm hay của nhiều quốc gia trên cơ sở tổng kết; trong đó, chú ý thỏa đáng  vấn đề quyền tài sản đất đai và đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra một số vấn đề lớn cần quan tâm, đó là: phát triển kinh tế tập thể cả về môi trường, văn hoá an ninh, trật tự xã hội, từ đó nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, không chỉ phát triển kinh doanh mà cần tập trung tăng thu nhập ổn định cho xã viên, bảo đảm công bằng xã hội; trong đó, cần lưu ý học tập một số hình mẫu thành công ở các nước mà nước ta chưa làm được... Các hợp tác xã cần phát huy sức sáng tạo, có tầm nhìn dài hạn, tự giác nâng cao trình độ quản trị.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất, trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức về về bản chất, vai trò của to chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phù hợp; hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào hợp tác xã mạnh…

 Ông Harm Haverkort, đại diện tổ chức Agriterra tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm của Hà Lan trong lĩnh vực kinh tế tập thể. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển hợp tác xã tại Hà Lan, ông Harm Haverkort, đại diện Agriterra tại Việt Nam cho biết, Hà Lan hiện có 2.500 hợp tác xã với 30 triệu thành viên, đóng góp 18% GDP.

Sự thành công của hợp tác xã ở Hà Lan, theo ông Harm Haverkort được tạo nên từ nhiều yếu tố như: hợp tác xã được tổ chức theo mô hình “từ dưới lên trên” như sự mở rộng trang trại; hợp tác xã là công cụ, không phải là mục tiêu; môi trường pháp lý với sự linh hoạt chi tiết bằng Điều lệ hợp tác xã; hợp tác xã là một thực thể kinh tế, các khía cạnh khác của xã hội nằm ngoài cấu trúc hợp tác xã…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Chính phủ trước mắt cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển hợp tác xã  nông nghiệp trong Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nhằm tập trung chỉ đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương vào cuộc hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp  phát triển.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đề nghị Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Trung ương cho các tỉnh Tây Nguyên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách về miễn thuế thu nhập cho hợp tác xã nếu lợi nhuận đem tái đầu tư hoặc miễn thuế thu nhập cho phần lãi cổ phần chia cho các xã viên nếu số tiền lãi này dùng cho việc tái đầu tư; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho hợp tác xã hoặc các mô hình kinh tế hợp tác.

“Đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách về tín dụng theo hướng thông thoáng để các hợp tác xã có thể tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhằm giải quyết khó khăn về nguồn vốn đầu tư (cho vay không có tài sản bảo đảm theo phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả).”, ông Việt nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp cũng được Thứ trưởng Võ Thành Thống đề xuất là đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, trên cơ sở đó xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục