Thủ tướng mong trí thức Việt kiều chung tay xây dựng chính phủ điện tử

13:37' - 19/08/2018
BNEWS Sáng 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu người Việt Nam tài năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về dự Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Sáng 19/8/2018, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu người Việt Nam tài năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về dự Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Phát biểu tại buổi gặp mặt tổ chức tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Thủ tướng Chính phủ cam kết tạo mọi điều kiện để các bạn tham gia trực tiếp vào các dự án, chương trình khoa học công nghệ trong nước”.

Với chủ đề “Sức mạnh Thăng Long-Trí tuệ Việt Nam”, Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam diễn ra từ ngày 18-24/8.

Đây là chương trình hợp tác khoa học - công nghệ mang tính hội tụ, kết nối có ý nghĩa thiết thực, quy mô lớn lần đầu tiên được tổ chức với sự góp mặt của 100 người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài.

Đồng hành cùng Chính phủ

Tại buổi gặp mặt, giới thiệu về chương trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo đánh giá của Liên Hợp quốc, Việt Nam xếp thứ 89/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bày tỏ mong muốn các trí thức Việt kiều cùng chung tay góp sức tham gia vào việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam, hướng tới một nền hành chính hiện đại, thông minh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển đất nước.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, các nhà khoa học trẻ người Việt đang sinh sống, làm việc tại các quốc gia trên thế giới bày tỏ vui mừng được trở về Việt Nam; cho rằng “đây là sự trở về của lớp lớp những người con Việt Nam ở xa Tổ quốc”.

Cam kết đồng hành cùng Chính phủ xây dựng cách mạng công nghiệp 4.0, các trí thức trẻ Việt kiều cho rằng, trong tiến trình này, phải hội tụ những yếu tố: Nguồn nhân lực 4.0, văn hóa 4.0 và tăng cường nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0 trong toàn dân.

Các tri thức trẻ cũng bày tỏ mong muốn sớm được hỗ trợ phối hợp với các đồng nghiệp trong nước bằng những chương trình, dự án cụ thể.

Các nhà khoa học trẻ cũng đề xuất Chính phủ đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiên cứu cơ bản, tạo ra thị trường về khoa học công nghệ và đặc biệt là cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nền kinh tế số, nhất là Chính phủ điện tử để không chỉ thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển mà còn bảo vệ quyền lợi cho những người bị thiệt hại trong quá trình này.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần hướng đến mục tiêu lâu dài là không chỉ hợp tác chuyển giao mà còn phát triển công nghệ với phương châm: “Dùng người Việt để phát triển công nghệ cho người Việt”.

Để ngày càng có thêm những tri thức Việt kiều tài năng về góp sức cho Tổ quốc, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những chính sách thu hút, khuyến khích cụ thể; kết nối chuyên gia Việt Nam với trí thức người Việt tại nước ngoài.

"Không có đổi mới sáng tạo thì không thể phát triển”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nồng nhiệt chào đón các nhà khoa học trẻ người Việt trở về với mong muốn đóng góp trí tuệ xây dựng, phát triển đất nước bằng những ý tưởng, đề án cụ thể.

Nhấn mạnh đến ý nghĩa của buổi gặp mặt diễn ra đúng vào ngày 19/8, Ngày kỷ niệm Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn các chuyên gia người Việt đã hướng về quê hương, quan tâm đến khoa học công nghệ – một lĩnh vực mà đất nước đang có nhu cầu rất lớn trong chặng đường xây dựng, phát triển đất nước.

Khái lược tình hình đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, từ một quốc gia chịu hậu quả nặng nề do chiến tranh, còn đói ăn, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất siêu trong những năm gần đây. Chính phủ Việt Nam luôn có tinh thần đổi mới, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cụ thể, từ năm 2017, môi trường kinh doanh Việt Nam đã tăng 30 bậc, năng lực cạnh tranh tăng 20 bậc. Nguồn nhân lực công nghệ từng bước được hình thành. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Từ năm 2016, Chính phủ rất chú trọng đến phát triển bền vững với bài toán tam giác phát triển kinh tế - xã hội – môi trường luôn được đặt ra; sử dụng tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản, gìn giữ cho tương lai. Chính phủ cũng luôn hướng về các xu hướng của thế giới, đặc biệt là phát triển khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động.

Chính phủ lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các trí thức Việt kiều

Nhắc đến những khó khăn mà đất nước còn phải đối mặt, Thủ tướng cho biết, mặc dù là quốc gia gần 100 triệu dân, nhưng nền kinh tế Việt Nam chỉ đứng thứ 48 trên thế giới. Do đó, nếu không phát triển mạnh mẽ thì khoảng cách với các nước phát triển sẽ càng xa.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ coi cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó cốt lõi là dữ liệu lớn, nền tảng mở, robot và trí tuệ nhân tạo là cơ hội lớn mà nếu không nắm bắt được thì sẽ tụt hậu.

“Đảng, Nhà nước, Chính phủ lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các trí thức và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tri thức người Việt Nam ở nước ngoài”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ chủ trương Chính phủ là tranh thủ tối đa cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao hiệu suất nền kinh tế, qua đó nâng cao đời sống người dân, đảm bảo chủ quyền, an ninh của đất nước. “Đây là cơ hội tốt để Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh “không có đổi mới sáng tạo thì không thể phát triển”.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học Việt kiều chung tay xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Cùng với đó là hỗ trợ giải quyết các vấn đề mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0; các thách thức trong xã hội như lao động, việc làm, bảo vệ quyền trẻ em, quyền công dân, vấn đề tấn công mạng…

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học công nghệ tổ chức chương trình mạng lưới đổi mới sáng tạo để phát huy tài năng và kết nối tri thức người Việt tại nước ngoài cùng trí thức trong nước chung tay phát triển khoa học công nghệ Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức người Việt ở nước ngoài có điều kiện phát huy kinh nghiệm từ nền khoa học công nghệ phát triển kết hợp với những trí thức trong nước.

“Xây dựng cách mạng công nghiệp 4.0 không có nghĩa là yêu cầu các bạn về nước mà tiếp tục sinh sống, làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn có thể đóng góp xây dựng đất nước”, Thủ tướng giải thích và nhấn mạnh: “Đất nước không có người hiền tài, thì đất nước không thể hưng thịnh được”.

Chính phủ sẽ quan tâm đến hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để các nhà khoa học người Việt khắp nơi đóng góp tài năng, trí tuệ và sức lực cho đất nước thông qua mạng lưới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng dành thời gian lắng nghe để đổi mới phương pháp tiếp cận vấn đề, tiếp thu những ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhất là chính sách phát triển công nghệ trong thời đại 4.0.

Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ vừa lắng nghe, vừa thực thi những đề xuất hợp lý; đồng thời mong muốn mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tìm cho được cách thức vận hành hiệu quả, thiết thực để áp dụng tốt nhất ở Việt Nam.

“Thủ tướng Chính phủ cam kết tạo mọi điều kiện để các bạn tham gia trực tiếp vào các dự án, chương trình khoa học công nghệ trong nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Thủ tướng giao các bộ trưởng, một mặt chủ động tiếp thu ý kiến các chuyên gia, chủ động kiến nghị Chính phủ về chính sách; đồng thời khẳng định các bộ trưởng có đủ thẩm quyền triển khai các kiến nghị của các chuyên gia ứng dụng vào phát triển khoa học công nghệ, kinh tế xã hội ở Việt Nam.

“Trí tuệ các bạn sẽ tiếp tục được phát huy ở đất nước thân yêu của chúng ta để đưa dân tộc chúng ta tiến lên”, Thủ tướng nói và cam kết xây dựng một môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích công nghệ và sáng tạo phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục