Thủ tướng Nga kêu gọi chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất"

17:58' - 14/01/2016
BNEWS Theo Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, trường hợp giá dầu tiếp tục giảm và đồng ruble mất giá, cần điều chỉnh ngân sách. Ông Medvedev kêu gọi chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất" giống như ở các nước khác.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev kêu gọi chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất". Ảnh: Reuters/TTXVN

Các nhà lãnh đạo Nga cảnh báo việc tiếp tục cắt giảm ngân sách hơn nữa là cần thiết để tránh cho Nga lặp lại cuộc khủng hoảng năm 1998. Kinh tế Nga đang bị ảnh hưởng do giá dầu thế giới lao dốc.

Đối mặt với triển vọng nền kinh tế ảm đạm trong thời kỳ suy thoái kinh tế trong năm bầu cử, Chính phủ Nga đang tìm cách để kiểm soát những đồn đoán khi ngân sách quốc gia dần cạn kiệt. Ngoài ra, các chi phí sinh hoạt của người dân Nga ngày càng tăng do đồng nội tệ ruble mất giá. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã yêu cầu tất cả các bộ ngành sẵn sàng cho bất kỳ sự biến động nào của "thị trường hàng hóa và chứng khoán”.

Thủ tướng Dmitry Medvedev cũng cho rằng cần chuẩn bị cho bất kỳ biến động nào của nền kinh tế. Theo ông Medvedev, trường hợp giá dầu tiếp tục giảm và đồng ruble mất giá cần điều chỉnh ngân sách. Ông Medvedev kêu gọi chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất" giống như ở các nước khác. 

Một nguồn tin trong khối kinh tế-tài chính của chính phủ cho biết Bộ Tài chính Nga đang xem xét hai phương án ngân sách dự phòng với giá dầu ở mức 40 USD/thùng và 25 USD/thùng. 

Trước đó, hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết nhiệm vụ hiện nay là điều chỉnh ngân sách phù hợp với những thực tế mới, nếu chúng ta không làm được điều đó, điều tương tự sẽ xảy ra như năm 1998 và 1999. Vào thời điểm đó, đồng nội tệ của Nga mất giá mạnh và nước này không có khả năng thanh toán nợ, dẫn tới lạm phát nhảy vọt lên mức 85%. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định tình hình lúc đó của Nga không nghiêm trọng như bây giờ. 

Hồi tháng 11/2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga có thể giảm 0,6% trong năm 2016. Kể từ lúc ước tính này được đưa ra, giá dầu đã giảm thêm gần 40%, xuống khoảng 30 USD/thùng. Trong khi đó, ngân sách của Nga được dự tính dựa trên dầu ở mức 50 USD/thùng. 

Lạm phát giá tiêu dùng trong năm 2015 ở mức hơn 12%, đi kèm với đó là tình hình nợ lương tăng cao và việc Nga cấm nhập khẩu lương thực từ Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác, khiến giá thực phẩm trong nước tăng vọt. 

Trong buổi khai mạc diễn đàn Gaidar tại Moskva, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết thâm hụt ngân sách có thể chạm mức 7,5% GDP trong năm 2016 do giá dầu thấp, cao hơn so với mức dự kiến thâm hụt 3% GDP đưa ra trước đó. 

Để huy động vốn, việc tư nhân hóa các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và công ty dầu Rosneft đã được bàn luận, mặc dù các ý kiến tương tự cũng từng được nêu ra nhưng vẫn không có kết quả. Sau khi cắt giảm 10% ngân sách ở hầu hết các lĩnh vực trong năm 2015, ngoại trừ một số lĩnh vực như chi tiêu quân sự, Thủ tướng Dmitry Medvedev ngày 13/1 thông báo Nga sẽ cắt giảm chi tiêu ngân sách khoảng 10% trong năm nay do giá dầu giảm. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục