Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển rất nhanh trên các lĩnh vực

13:36' - 08/03/2022
BNEWS Cộng đồng doanh nghiệp hai nước đều nhìn nhận quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn còn dư địa lớn để phát triển, nhất là ở nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng đổi mới sáng tạo

Sáng ngày 8/3 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) cùng Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề: "Định hình lại quan hệ kinh tế song phương".  

Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ. Ảnh: Dương Giang-TTXVN ; Sáng 8/3/2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2022 với chủ đề “Định hình tương lai quan hệ kinh tế song phương”. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Sự kiện được tổ chức là lần thứ 5, có sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cùng đại diện các bộ, ngành hữu quan. Phía Hoa Kỳ có Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu John Kerry, Thứ trưởng Thương mại phụ trách Thương mại Quốc tế, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tới nhiều nội dung lớn như sự phát triển của Việt Nam những năm qua và định hướng phát triển trong tương lai; kết quả và tương lai quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; công tác phòng, chống dịch, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi số...

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam xác định ba khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, với quan điểm xuyên suốt là lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.

“Song song với sự phát triển lớn mạnh của Việt Nam, sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ kể từ năm 1995, quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển rất nhanh và đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực. Theo đó, có việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000); Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2006); hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (năm 2007); xác lập Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2013)... ”, Thủ tướng ghi nhận.

Nhờ đó, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD (năm 1995) lên hơn 111 tỷ USD (năm 2021). Đồng thời, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoa Kỳ cũng đã trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.

Trong hai năm qua, Việt Nam, Hoa Kỳ cũng như nhiều nước trên toàn thế giới gồng mình chống dịch COVID-19. Xác định đây là vấn đề toàn cầu nên Việt Nam đã có cách tiếp cận toàn cầu, kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để cùng nhau chống dịch và phát triển. Việt Nam đã được bạn bè, đối tác quốc tế; trong đó, có Hoa Kỳ đã tích cực ủng hộ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về trang thiết bị y tế, vaccine. Đến nay, Việt Nam đã nhận được gần 220 triệu liều vaccine, khoảng một nửa trong số đó đến từ các nguồn tài trợ; trong đó có khoảng 29 triệu liều từ Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng tích cực chia sẻ với Việt Nam về phương tiện, trang thiết bị phòng, chống dịch...  

Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh khó khăn ấy nhưng Việt Nam vẫn đảm bảo được nhiều chỉ tiêu kinh tế. Quý III/2021, GDP của Việt Nam tăng trưởng âm nhưng sau đó đã tăng trưởng khả quan ở mức 5,22% trong quý IV/2021 và đà phục hồi tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2022. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương đương trên 4% GDP. Đồng thời, tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi thị trường lao động, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp thông qua hoãn, miễn, giảm thuế, phí, điện và nước…; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn; bố trí một phần nguồn lực cho các vấn đề có thể phát sinh. 

"Là một trong những nước chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam xác định thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã nghiêm túc và nhanh chóng triển khai những cam kết của mình thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia cuối tháng 12/2021 để triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26", Thủ tướng nêu rõ.

Song song với việc kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ để xây dựng thể chế thích ứng với biến đổi khí hậu, tài chính xanh, công nghệ xanh, đào tạo nhân lực xanh, quản trị xanh, Thủ tướng cho biết, Việt Nam cũng đang tập trung cho chuyển đổi số, đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ số, công dân số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đây là một tất yếu khách quan trong xu thế phát triển hiện nay. 

Hội nghị cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề như thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới thông qua kinh tế số, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai ở Việt Nam; đẩy mạnh đầu tư bền vững và các chính sách ổn định để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp hai nước đều nhìn nhận quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn còn dư địa lớn để phát triển. 

Chủ tịch AmCham John Rockhold cho biết, xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa 2 nước sẽ tiếp tục được duy trì. Những giải pháp tháo gỡ khó khăn và những vấn đề chính được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường năng lực cho khu vực kinh tế tư nhân, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút thêm đầu tư và thúc đẩy thịnh vượng tại Việt Nam.

Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rất coi trọng sự tham gia hợp tác với Chính phủ và sự đối thoại mạnh mẽ giữa Chính phủ với khu vực tư nhân sẽ giúp có những chính sách công tối ưu hơn. Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam được coi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Vai trò này được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới với việc các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ đã, đang và sẽ tham gia tích cực hơn, đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. 

Đại diện phía Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho biết, qua 5 năm tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ đã trở thành sự kiện được mong đợi nhất của doanh nghiệp hai nước. Bằng sự năng động, đổi mới, sáng tạo để thích ứng với trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đã chủ động kết nối và hợp tác với nhau để cùng nhau phát triển.

Đây chính là nhân tố quan trọng để định hình mối quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Những chủ đề chính của hội nghị năm nay nằm trong trọng tâm chương trình hoạt động của VCCI trong thời gian tới. Kinh tế xanh là một phần trong chương trình của VCCI nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tháng 11/2021, VCCI và USAID đã ký Bản ghi nhớ xây dựng Chỉ số Xanh nhằm phát triển hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi số - một trong ba đột phá chiến lược và là lĩnh vực có tiềm năng lớn trong hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục