Thủ tướng tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản

16:49' - 05/06/2017
BNEWS Chiều 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với sự tham dự của 1.600 đại biểu, doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, ngày 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam; tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp lớn; gặp gỡ một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn tại Nhật Bản.

Chiều 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với sự tham dự của 1.600 đại biểu, doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng BTMU, Ngân hàng Viettinbank tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn báo cáo vừa được JETRO công bố gần đây cho biết môi trường đầu tư ở Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản; 90% doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam giúp họ tăng doanh thu.

Cuộc khảo sát của JETRO cũng nhấn mạnh rằng xếp hạng của Việt Nam về rủi ro kinh doanh đang giảm, cho thấy điều kiện đầu tư cải thiện.

Thủ tướng cho biết hoạt động thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh từ cách đây hơn 400 năm khi các thương nhân Nhật Bản thành lập "thị trấn Nhật Bản" tại Hội An, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Trong đầu thế kỷ 17, Nhật Bản đã từng là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã không ngừng phát triển, trở thành đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư.

Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, là đối tác lớn thứ ba về du lịch và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Đến hết năm 2016, Nhật Bản có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ USD, chiếm 15% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Dẫn lời của Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1/2017 vừa qua rằng: "Dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội, hướng ra Biển Đông, tới biển Hoa Đông rồi nối dòng với Vịnh Tokyo. Không gì có thể ngăn sự tự do qua lại trên dòng chảy này. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được gắn kết bởi vùng biển tự do", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Ngày hôm nay khi lần thứ 2 tôi đến thăm chính thức Nhật Bản trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, được đứng phát biểu trước 1.600 đại biểu, doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam, tôi tin tưởng rằng không gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới về sự thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển giữa hai nước”.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đã giới thiệu về tình hình kinh tế, xã hội, tiềm năng phát triển của Việt Nam. Việt Nam luôn có sự ổn định về chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô; thể chế luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam không ngừng được cải thiện, từng bước phù hợp với các cam kết và chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm hoạt động lâu dài, phát triển, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu một cách thuận lợi.

Việt Nam đang tiếp tục đổi mới và có những bước chuyển mạnh mẽ. Nền kinh tế có độ mở cao. Chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN.

Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 4 hiệp định khác, nhờ đó, thị trường Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng của mạng liên kết kinh tế với 55 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7).

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực môi trường kinh doanh của các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giảm chi phí giao dịch, tình trạng tham nhũng, giảm bất trắc về môi trường vĩ mô và chính sách, tăng khả năng đoán định, thực hành minh bạch và trách nhiệm giải trình với cộng đồng kinh doanh”.

Thủ tướng khẳng định tiếp tục xây dựng, kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế (như cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực).

Nhân dịp này, Thủ tướng chia sẻ thêm những cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam mà các nhà đầu tư Nhật Bản có thể nghiên cứu và cân nhắc.

Đó là Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực, như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng...

Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.

Việt Nam đang tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tạo mọi thuận lợi đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng, đặc biệt chú trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt, cơ chế thông thoáng. Đây là một thế mạnh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản.

Việt Nam đang thúc đẩy khởi nghiệp, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới; nâng cao giá trị thương hiệu; năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ.

Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Chúng tôi rất mong các quỹ đầu tư, các tập đoàn từ Nhật Bản nghiên cứu đầu tư vào các dự án đang hoạt động hoặc đề xuất các dự án mới theo danh mục các dự án ưu tiên như: Phát triển hạ tầng, Logistic, dịch vụ hàng không, du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, sinh học, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…”.

Dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một quốc gia muốn độc lập cần phải mạnh và muốn mạnh thì cần có bạn bè, đối tác" và châm ngôn của người Nhật: "Để đạt được những thành công vĩ đại, chúng ta không phải chỉ hành động mà còn phải mơ ước, không phải chỉ biết lập kế hoạch mà còn phải tin tưởng".

Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam đã xây dựng quan hệ hữu nghị, tích cực hội nhập quốc tế và Nhật Bản chính là một đối tác chiến lược mà chúng tôi rất tin tưởng. Tôi tin rằng mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản sẽ là nền tảng đem đến sự phát triển và phồn thịnh cho hai quốc gia”.

Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc đối thoại, trao đổi với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Trước đó, trưa 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự buổi tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) và Ngân hàng Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU), Nhật Bản tổ chức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến việc ký kết một số văn kiện hợp tác của các Công ty Việt Nam – Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các tập đoàn, thương hiệu hàng đầu của Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, xăng dầu, tài chính-ngân hàng, thương mại và bán lẻ như Canon, Panasonic, Nipro Corporation, Taisei Corp, Tokyo Gas, Idemitsu, Taiyo Nippon Sanso, Hitachi Zosen, Aeon, Fast Retail, Mitsubishi UFJ Leasing…

Phát biểu chào mừng các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản tham dự buổi tọa đàm, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa buổi tọa đàm, là dịp để các bộ, ngành Việt Nam lắng nghe, tiếp thu ý kiến, đề xuất của các nhà đầu tư Nhật Bản từ đó làm cơ sở đề ra các giải pháp giải quyết một số vấn đề vướng mắc về môi trường đầu tư; đồng thời góp phần vào việc hoạch định chính sách phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao những đề xuất thảo luận tại buổi tọa đàm liên quan đến việc tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam; phát triển công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy phát triển hạ tầng; mở rộng bán lẻ ở thị trường tiệm cận 100 triệu dân của Việt Nam…

Thủ tướng đặt vấn đề, cùng với việc Việt Nam tích cực đổi mới, cải cách, hoàn thiện chính sách, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, xúc tiến triển khai các dự án đầu tư vào Việt Nam.

Trên cơ sở thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Việt Nam sẽ tích cực giải quyết các yếu kém về chính sách, chia sẻ lợi ích chiến lược với nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm hài hòa về lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp gỡ một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, đồng thời trực tiếp giải đáp các vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm.

Phát biểu với các nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, là thời cơ tốt để các nhà đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vào nhóm đầu ASEAN. Đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài FDI là động lực quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục