Thủ tướng: Thúc đẩy các dự án cao tốc, cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn, Cao Bằng
Ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát thực địa, kiểm tra tiến độ và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và các đơn vị liên quan nhằm lắng nghe, giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai hai Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn); đồng thời, rà soát việc triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn.
Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài hơn 93km, tổng mức đầu tư là 14.114 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước chiếm hơn 69%. Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả và Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án đạt 93,6%. Hai tỉnh phấn đấu đến hết tháng 12/2024 sẽ bàn giao 100% mặt bằng của dự án. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công đã huy động 1.020 nhân sự, 357 máy móc thiết bị, triển khai 36 mũi đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công ngày đêm khi các phân đoạn mặt bằng được bàn giao.
Dự kiến tổng sản lượng trong năm 2024 đạt 1.010 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn vốn đạt 2.000 tỷ đồng làm nền tảng cho việc quyết tâm thông tuyến trong năm 2025 để hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2026. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6 - 7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.
Dự án đường bộ cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài 60km, được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, có tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án là 5.495 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2024 - 2026. Liên danh nhà đầu tư thực hiện gồm Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 và Công ty cổ phần Lizen.
Sau khi hoàn thành đi vào hoạt động, Dự án sẽ kết nối các cửa khẩu Hữu Nghị - Cốc Nam - Tân Thanh (Lạng Sơn) đến các trung tâm kinh tế Hà Nội - Bắc Giang - Bắc Ninh, kết nối ra các cảng biển tại khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần tăng cường thông thương trong nước và quốc tế, cùng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đồng bộ toàn mạng lưới cao tốc phía Bắc, nâng cao hiệu quả vận hành khai thác chung.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt 67%, phấn đấu đến hết tháng 12/2024 sẽ bàn giao 100% mặt bằng. Dự kiến tổng sản lượng hoàn thành trong năm 2024 là 595 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn đạt 1.450 tỷ đồng.
Sau khi đi thực địa nắm bắt tình hình triển khai dự án và tặng quà động viên các lực lượng thi công tại vị trí điểm cuối giai đoạn 1 và hầm đường bộ số 2 - hầm Đông Khê của dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, chiều cùng ngày, tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nhằm lắng nghe, giải quyết các đề xuất, thúc đẩy tiến độ triển khai hai Dự án đường bộ cao tốc kể trên.
Tại buổi làm việc, đối với Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và liên danh nhà thầu đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ lên tối đa 70% tổng mức đầu tư; cho phép đầu tư giai đoạn 2 toàn tuyến theo hình thức đối tác công - tư, đồng thời áp dụng cơ chế tương tự như giai đoạn 1; có cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản phục vụ dự án…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng là hai dự án đường bộ có ý nghĩa quan trọng đi qua nhiều địa danh lịch sử, không chỉ kết nối các tuyến cao tốc trong vùng, mà còn kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam và kết nối với Trung Quốc; thực hiện mục tiêu hết năm 2025 cả nước có 3.000km và đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn mà của cả vùng, cả nước.
“Việc triển khai các dự án đường bộ cao tốc căn cứ Nghị quyết của Đảng; mệnh lệnh của trái tim; quyết tâm, trách nhiệm của mỗi cán bộ đối với nhân dân, đất nước; đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tầm quan trọng của thời gian, trí tuệ, quyết tâm, quyết liệt, tự lực, tự cường, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp để thực hiện; trên tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Thủ tướng, Chính phủ đã có chủ trương và chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện với phương châm đổi mới để vươn cao, sáng tạo để bay xa, hội nhập để phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt của 2 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng với việc 2 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo triển khai; hoan nghênh các nhà đầu tư, nhà thầu đã tích cực triển khai dự án; cảm ơn nhân dân đã nhường mặt bằng, nơi ở, nơi thờ tự, đất sản xuất, kinh doanh. Đến nay, giải phóng mặt bằng cơ bản xong, 2 dự án đã lên hình hài, đặc biệt là có 4 hầm đang triển khai thi công tích cực.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, nhà thầu huy động thêm máy móc, nhân lực, triển khai công việc với tốc độ nhanh hơn, xây dựng lại "đường găng" tiến độ, tổ chức thi công với quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, thi công "3 ca 4 kíp", "làm việc xuyên lễ, Tết, xuyên ngày nghỉ"… Đồng thời, hợp tác, huy động thêm các nhà thầu tại địa phương tham gia triển khai dự án với tinh thần "cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng và cùng phát triển", "cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào".
Thủ tướng yêu cầu các chủ thể có liên quan tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần “chỉ bàn làm không bàn lùi”, thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó làm, nếu không làm thì đứng sang một bên để người khác làm. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng Quân đội, Công an, người dân, thanh niên, phụ nữ… phải cùng vào cuộc, tham gia, không để các chủ đầu tư, nhà thầu "cô đơn" trên công trường.
Cho ý kiến giải quyết các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu thần tốc hoàn thành 2 dự án trong năm 2025, góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, đời sống người dân và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng nhất trí triển khai ngay giai đoạn 2 dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong năm 2026 theo hình thức đối tác công -tư với 4 làn hoàn chỉnh; đồng thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quy định của pháp luật hiện hành.
Thủ tướng nêu rõ: “Phải đột phá về hạ tầng thì mới có thể tăng trưởng kinh tế 2 con số mỗi năm, mới hoàn thành được 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra”.
Về nguồn vốn tín dụng cho 2 dự án, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) tích cực tham gia 2 dự án với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải làm việc với 2 ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan ngay trong tháng 11/2024 để giải quyết các vấn đề liên quan, triển khai các công việc cụ thể.
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã nghe báo cáo tình hình triển khai Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Đề án bắt đầu triển khai từ quý III/2024 đến hết quý III/2029. Trong giai đoạn 1 thực hiện đề án, tỉnh Lạng Sơn mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 và khu vực mốc 1119-1120.
Cùng với mở rộng đường vận chuyển hàng hóa, cửa khẩu thông minh thực hiện thủ tục hành chính, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh theo hướng một cửa, thông thoáng; ứng dụng công nghệ tự động, thông minh trong quản lý, vận hành; kết nối, trao đổi dữ liệu quản lý xuất nhập khẩu, quá cảnh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời, đầu tư cung cấp dịch vụ logistics, cơ sở hạ tầng, mở rộng bến bãi trong khu vực cửa khẩu để đáp ứng các điều kiện triển khai mô hình cửa khẩu thông minh.
Sau 3 tháng triển khai, tỉnh Lạng Sơn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở thêm các đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa; hỗ trợ kinh phí để tỉnh xây dựng cửa khẩu thông minh. Tỉnh Cao Bằng đề nghị cho phép thí điểm xây dựng cửa khẩu thông tin tại cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc).
Nhất trí với đề nghị của tỉnh Lạng Sơn mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa lên 14 làn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Trung Quốc, hai bên đã bàn và rất đồng thuận về vấn đề này; yêu cầu các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai… và các bộ, ngành, địa phương phải chủ động phối hợp với phía Trung Quốc để triển khai.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính cân đối ngân sách trong nguồn dự phòng của năm 2024 để bố trí cho nhiệm vụ này; các bộ, ngành tích cực tham gia, làm việc hết mình, không đùn đẩy, né tránh, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, việc của cấp nào thì cấp đó giải quyết; lưu ý phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quản lý hiệu quả.
Nhắc lại rằng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán, tinh thần trách nhiệm có ý nghĩa quan trọng, Thủ tướng mong muốn các chủ thể liên quan cùng chung tay, góp sức, đoàn kết, thống nhất trong triển khai các nhiệm vụ để góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Tránh xảy ra sự cố, chậm trễ trong hoàn thành cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
17:27' - 14/11/2024
Chiều 14/11, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cùng đoàn công tác đã có buổi khảo sát tại Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
-
Doanh nghiệp
Dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam: Doanh nghiệp nội địa tự tin đủ năng lực tham gia
16:15' - 13/11/2024
3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Do vậy, tập đoàn tự tin việc sản xuất thép ray đường sắt cao tốc nằm trong khả năng.
-
Kinh tế & Xã hội
Phú Yên gỡ “nút thắt” lớn nhất để bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc – Nam
15:54' - 13/11/2024
Với nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, đến nay “nút thắt” lớn nhất tại Phú Yên đã được giải quyết, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần làm chủ công nghệ dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam
14:54' - 13/11/2024
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự án cần thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thế, huy động được nguồn nội lực, chủ động nắm được công nghệ chuyển giao và tránh đội vốn.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Triển vọng ngành bán dẫn nơi “thủ phủ” công nghiệp
08:50'
Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng ít đất, ít sử dụng lao động nhưng hiệu quả kinh tế và công nghệ cao, tỉnh Bắc Ninh đang hội tụ các yếu tố để phát triển ngành bán dẫn.
-
Kinh tế Việt Nam
Hoàn thiện các tiêu chí để đưa Phú Mỹ lên quy mô thành phố
21:04' - 23/11/2024
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng quan tâm khắc phục những tiêu chí còn thiếu, đặc biệt là về phục vụ dân sinh đô thị.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước
19:21' - 23/11/2024
Một số đại biểu cho rằng cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh, chính sách cần thể hiện, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
19:20' - 23/11/2024
Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất để từng bước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.
-
Kinh tế Việt Nam
Củng cố nền tảng vững chắc lâu dài cho sự phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt Nam - Malaysia
17:09' - 23/11/2024
Nhân dịp này, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Malaysia.
-
Kinh tế Việt Nam
Ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
16:07' - 23/11/2024
Thực tế cho thấy, pháp luật hiện hành chưa tách bạch, phân định rõ chức năng giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp đang sử dụng vốn nhà nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển công nghiệp công nghệ số
16:03' - 23/11/2024
Nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ số đang trở thành xu thế mới và ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Hiến kế cho Vĩnh Phúc trong thực hiện xanh hóa kinh tế
15:04' - 23/11/2024
Ngày 23/11, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị “Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững”.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại Việt Nam - Malaysia
13:39' - 23/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng, hoan nghênh các doanh nghiệp của Malaysia đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.