Thừa Thiên - Huế: Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh tăng 15%

10:51' - 10/08/2019
BNEWS Theo Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế, tính đến đầu tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt trên 500 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Doanh nghiệp ở Thừa Thiên - Huế chuyển đổi từ sản xuất dăm gỗ sang đồ gỗ xuất khẩu cho hiệu quả cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong đó, riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 60 triệu USD, tăng 40% so với năm 2018.
Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 8 doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ gồm 5 doanh nghiệp chế biến dăm gỗ, 2 doanh nghiệp sản xuất ván ghép thanh và 1 doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ, kim ngạch xuất khẩu hiện mỗi năm đạt trên 100 triệu USD. 
Công ty Cổ phần chế biến gỗ Thừa Thiên - Huế (đóng tại Khu công nghiệp Phú Bài - Huế) là doanh nghiệp chế biến các sản phẩm gỗ quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động.
Do đó, trong 2 quý đầu năm doanh nghiệp đạt trên 1,3 triệu USD hàng xuất khẩu, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018 với các sản phẩm chủ lực là bàn ghế sân vườn và đồ nội thất, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu.
Công ty TNHH Một thành viên Hào Hưng Huế (Khu Công nghiệp La Sơn) trong 6 tháng cũng đạt sản lượng trên 60.000 tấn dăm gỗ, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Đầu năm 2019, doanh nghiệp còn đưa vào hoạt động thêm nhà máy sản xuất ván ghép thanh, công suất 24 ngàn m2/năm, vốn đầu tư gần 140 tỷ đồng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng quy mô.
Hiện sản phẩm của công ty ổn định, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài việc đã nhận đơn hàng đến hết năm 2019, Công ty TNHH Một thành viên Hào Hưng Huế đang triển khai kế hoạch xuất khẩu hàng cho cả năm 2020.
Để gia tăng giá trị xuất khẩu, Sở Công Thương tỉnh đã hỗ trợ và vận động các doanh nghiệp đầu tư máy móc, công nghệ chuyển dịch từ sản xuất dăm gỗ sang sản phẩm gỗ; đồng thời kêu gọi đầu tư đối với các dự án sản xuất sản phẩm gỗ.
Đáng chú ý, việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ trên địa bàn thời gian qua đã có những tác động trở lại đối với nền kinh tế lâm nghiệp, tạo giá trị gia tăng và tác động đến việc kích thích trồng rừng tại các địa phương trong tỉnh.
Hơn nữa, gia tăng giá trị xuất khẩu đối với lĩnh vực gỗ và sản phẩm gỗ góp phần thực hiện chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giúp các doanh nghiệp gắn kết với người dân và các tổ chức trồng rừng trong việc khai thác rừng, nhất là rừng gỗ lớn để xử lý nguyên liệu làm đầu vào cho sản xuất.
Do vậy, tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn, đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 13.000 ha rừng trồng gỗ lớn; trong đó, tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn được Hội đồng quản trị rừng quốc tế công nhận (tiêu chuẩn FSC) là 40% so với diện tích rừng gỗ lớn, tương đương 5.000 ha rừng trồng sản xuất sử dụng giống lâm nghiệp thân thiện với môi trường.
Đến nay, tỉnh có gần 4.000 ha rừng trồng gỗ lớn của các tổ chức, cá nhân được công nhận và cấp chứng chỉ FSC; trong đó, có 950,98 ha của 241 hộ dân, 3.096 ha của Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong... Hiện mỗi năm, Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu có hơn 2.000 ha rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, lĩnh vực gỗ và các sản phẩm gỗ tăng trưởng khá là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài qua việc tạo lập môi trường tốt cho vùng nguyên liệu, kêu gọi nhiều nhà đầu tư cùng với người dân và các tổ chức trồng rừng để khai thác hiệu quả, chế biến, tiêu thụ.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục quy hoạch lại vùng nguyên liệu, trồng rừng gỗ lớn, chuyển dịch từ sản xuất dăm gỗ sang sản phẩm gỗ; phát triển các sản phẩm qua chế biến để gia tăng giá trị xuất khẩu; đồng thời, tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đối với lĩnh vực chế biến gỗ và sản phẩm gỗ.
Mặt khác, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tập trung phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp những quy định trong lĩnh vực xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường mới có tiềm năng xuất khẩu như tham gia các hội nghị quốc tế ở nước ngoài, đa dạng hóa các kênh như phối hợp với các đại sứ quán, thương vụ tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để kết nối, chia sẻ thông tin về tiềm năng và thế mạnh của thị trường trong nước và nước ngoài.../.
Xem thêm:

>>Khai mạc Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam

>>Cơ hội và thách thức với xuất khẩu gỗ của Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục