Thực trạng nền kinh tế Nga

06:30' - 24/04/2017
BNEWS Lương của người Nga có dấu hiệu tăng, nhưng tình hình tài chính của người lao động tiếp tục xấu đi. Lương hưu cũng đang tăng, nhưng vẫn còn cách xa các chỉ số thời kỳ trước cấm vận.
Thực trạng nền kinh tế Nga. Ảnh: Reuters

Năm 2016 so với năm 2013, thu nhập của người dân đã giảm khoảng 8,4%, lương hưu giảm khoảng 17%. Theo các chuyên gia, tình trạng nghèo đói và thiếu thốn hiện hữu rõ ràng hơn, cứ 7 người Nga thì có 1 người sống ở mức nghèo đói.

Báo “Gazeta.ru” của Nga có bài viết về tình hình kinh tế Nga, theo đó, lương của người Nga có dấu hiệu tăng, nhưng tình hình tài chính của người lao động tiếp tục xấu đi. Lương hưu cũng đang tăng, nhưng vẫn còn cách xa các chỉ số thời kỳ trước cấm vận.

Mặc dù tiền lương có tăng, nhưng số lượng người dân nghèo (với thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu) trong năm 2016 vẫn tăng so với năm 2015 và lên tới 13,5%. Đây là con số cao hơn cả giai đoạn năm 2007-2015.

Còn theo số liệu của Cơ quan thống kê nhà nước Rostat, lương của người Nga đã tăng so với năm 2015 khoảng 12% và vào khoảng 36.000 rúp/tháng.

Trong tháng 2/2017, mức lương thực tế đã tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, nếu so sánh với thu nhập thực tế của năm 2014 , khi Nga bắt đầu bị cấm vận thì đây vẫn là hoàn cảnh tệ hại. Tuy nhiên khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây vẫn chưa thực sự có hiệu quả.

Năm 2014, thu nhập giảm khoảng 0,7% so với năm 2013, còn năm 2015 giảm tới 6%. Trong năm 2016, tiền lương thực tế chỉ bằng khoảng 91,6% so với năm 2014 và tiền lương hưu thực tế cũng chỉ bằng khoảng 92,9% so với năm 2014.

Các chuyên gia ước tính rằng trong 3 năm qua, thu nhập của người dân Nga đã giảm khoảng 10% so với mức năm 2013. Nhiều khu vực ở Liên bang Nga hiện vẫn rất đáng lo ngại, mức sống của người dân suy giảm và thấp hơn nhiều so với mức trung bình.

Một điều khá thú vị là người dân nhìn chung không còn nhận ra sự suy giảm về tình hình tài chính của chính bản thân họ.

Theo Rostat, trong quý đầu của năm 2017, tỷ lệ số người được hỏi mong đợi tình hình tài chính của họ sẽ tốt lên trong năm tiếp theo là khoảng 11%, và con số này giống với quý IV/2016. Trong khi đó, tỷ lệ số người được hỏi cho rằng tình hình tài chính của họ sẽ suy giảm trong năm tiếp theo là khoảng 20%, giảm nhẹ so với mức của quý IV/2016 (23%).

Theo các số liệu điều tra xã hội học, gần 70% người Nga trong năm ngoái đã phải sống tiết kiệm ở nhiều lĩnh vực: 75,7% người Nga tiết kiệm tiền mua quần áo, giày dép; 68% tiết kiệm tiền mua thực phẩm; 67,5% tiết kiệm tiền chi cho giải trí; 57,7% tiết kiệm tiền chi đi nghỉ ngơi; 38,9% tiết kiệm tiền mua thuốc; 6,3% tiết kiệm các khoản chi khác (như phương tiện giao thông, sản phẩm sử dụng được lâu dài, dịch vụ tiện ích...). Xét về giới tính thì 75% phụ nữ và 65,6% đàn ông phải sống tiết kiệm.

Xu hướng tiết kiệm cao ở mọi lứa tuổi, thậm chí là cả những thanh niên ở độ tuổi 25 (lứa tuổi được xem là chi tiêu nhiều nhất).

Tất cả các thành phần trong xã hội đều phải sống tiết kiệm: từ người làm nghề quản lý cho tới các công nhân có trình độ chuyên môn thấp. Trong số các nhà lãnh đạo thì có 65% thừa nhận bắt đầu phải theo dõi việc chi tiêu tài chính trong năm 2016.

>>> Quan chức DIF: Moody’s vẫn "chính trị hóa" khi xếp hạng kinh tế Nga

>>>Đồng ruble ít phụ thuộc vào giá dầu nhất trong hơn hai năm qua

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục