Chuyên gia cảnh báo bẫy lạm phát khi Malaysia dự thảo Ngân sách 2022

14:45' - 27/10/2021
BNEWS Theo chương trình kỳ họp, Hạ viện Malaysia sẽ bắt đầu quá trình thảo luận về Dự luật Ngân sách năm 2022 vào ngày 29/10 tới.

Trong báo cáo nghiên cứu công bố ngày 26/10, các chuyên gia tại Trung tâm Giáo dục thị trường Malaysia (CME) khuyến nghị chính phủ của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cần có cái nhìn cẩn trọng về lạm phát khi chuẩn bị dự luật ngân sách 2022.

Theo chương trình kỳ họp, Hạ viện Malaysia sẽ bắt đầu quá trình thảo luận về Dự luật Ngân sách năm 2022 vào ngày 29/10 tới.

Tiến sỹ Carmelo Ferlito, Giám đốc điều hành CME cho rằng các biện pháp phong tỏa đất nước mà Chính phủ Malaysia áp dụng nhằm kiểm soát dịch COVID-19 đã tạo ra những cú sốc từ phía nguồn cung, đẩy giá vận tải và hàng hóa lên cao.

CEO này chỉ ra, nguồn cung tiền bổ sung được tạo ra bởi các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng đang làm trầm trọng thêm rủi ro lạm phát và có khả năng làm suy yếu sự phục hồi trong tương lai.

Giáo sư John Hearn, nghiên cứu viên thuộc CME, đồng thời thời là giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Ngân hàng và Tài chính London cũng đưa ra một cái nhìn tổng quát về nguy cơ lạm phát hậu đại dịch.

Ông chia sẻ, các chính phủ trên khắp thế giới tăng chi tiêu nhanh chóng trong khi gần như không thể gia tăng nguồn thu thuế khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Tình trạng trên khiến các chính phủ phải vay tiền nhiều hơn, được hỗ trợ từ in tiền theo chính sách nới lỏng định lượng (QE) hoặc các chương trình tương tự tùy thuộc vào mỗi quốc gia. Mặc dù lượng tiền dự trữ tăng đáng kể nhưng với việc phong tỏa và giãn cách xã hội, tốc độ lưu thông của dòng tiền cũng giảm theo.

Theo giáo sư Hearn, trong thời gian ngắn, tác động của cộng và trừ đã tạo ra sự thay đổi không xác định trong nhu cầu tiền tệ; tuy nhiên, khi các quốc gia cố gắng bình thường hóa, lượng tiền dự trữ tăng và dòng tiền tăng sẽ bổ sung đáng kể vào tổng cầu tiền tệ.

Giáo sư Hearn cho hay, trong vòng 12-18 tháng kể từ những hiện tượng này, nền kinh tế sẽ bị lạm phát. Chuyên gia này khẳng định, thực tế này đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia trong khi các Ngân hàng Trung ương cùng các Chính phủ đang khiến người dân hiểu nhầm nguyên nhân lạm phát cao hơn là do các vấn đề về nguồn cung như tăng giá năng lượng, khó khăn trong chuỗi cung ứng....

Tuy nhiên, ông chi ra điều này không chính xác khi lạm phát hiện nay là kết quả từ bội chi ngân sách của chính phủ cùng những yếu kếm trong quản lý tiền tệ. Ông khẳng định các cú sốc từ phía nguồn cung không đủ để tạo ra lạm phát chung, tuy nhiên lượng cung tiền vẫn tăng lên.

Giáo sư Hearn cũng cho rằng các gói kích cầu tài chính, tiền tệ đã tạo ra sự phân bổ sai nguồn lực, các yếu tố sản xuất đang đặt sai vị trí, gây ra các vấn đề về chuỗi cung ứng và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Ông khuyến nghị các chính phủ cần phải cắt giảm chi tiêu xuống mức trước đại dịch, xây dựng kế hoạch cân đối ngân sách tài khóa trong vài năm tới. Cùng với đó, các Ngân hàng Trung ương cần phải làm chậm tốc độ tăng cung tiền và quản lý nhu cầu tiền tệ tăng nhanh hơn sản lượng nhằm đạt được mục tiêu lạm phát (2%).

Đồng tình với khuyến nghị này, Tiến sĩ Carmelo Ferlito cũng nhấn mạnh Chính phủ Malaysia cần phải tính đến các nhân tố trên khi chuẩn bị soạn thảo và thảo luận Dự luật Ngân sách 2022, trong đó phải từ bỏ việc tiếp tục bội chi vì nếu chấp nhận điều này sẽ gây ra nguy cơ khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trong tương lai gần./.

>>Fitch Solutions nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Malaysia năm 2021

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục