Thuế giao dịch tiền điện tử và fintech mang về cho Indonesia hàng triệu USD

08:06' - 18/08/2022
BNEWS Từ tháng 5/2022, thu ngân sách từ thuế giao dịch tiền điện tử và fintech của Indonesia đạt gần 100 tỷ rupiah mỗi tháng, đồng thời hy vọng rằng con số này sẽ ngày càng tăng
Cố vấn đặc biệt về thuế của Bộ trưởng Tài chính Indonesia, ông Yon Arsal cho biết, hiện nước này thu gần 100 tỷ rupiah (gần 6,8 triệu USD) mỗi tháng kể từ khi bắt đầu áp thuế giao dịch tiền điện tử và công nghệ tài chính (fintech).

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Bán lẻ Indonesia, ông Arsal cho hay từ tháng 5/2022, thu ngân sách từ loại thuế này đạt gần 100 tỷ rupiah mỗi tháng, đồng thời hy vọng rằng con số này sẽ ngày càng tăng vì đây chỉ mới là giai đoạn đầu triển khai.

 
Khẳng định rằng các đối tượng có thu nhập bằng cách này hay cách khác đều phải nộp thuế, ông Arsal cho hay: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ có thể đảm bảo công bằng giữa những người có thu nhập ngoại tuyến hoặc trực tuyến”.

Theo ông Arsal, Tổng cục thuế thuộc Bộ Tài chính sẵn sàng công bố một số dự thảo quy định song sẽ đợi thời điểm phù hợp để bắt đầu thực hiện, sau khi xem xét các điều kiện kinh tế hiện tại.

Mới đây, Bộ Tài chính Indonesia đã có một số điều chỉnh trong việc sử dụng mã định danh cá nhân (NIK) hoặc số căn cước công dân làm mã định danh người nộp thuế (NPWP) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.

Từ ngày 1/5/2022, Indonesia bắt đầu áp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các giao dịch tài sản tiền điện tử và thuế thu nhập đối với phần lãi từ các khoản đầu tư tiền điện tử ở mức 0,1% mỗi loại.

Thuế suất VAT đối với tài sản tiền điện tử thấp hơn nhiều so với mức 11% vừa được áp đặt đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ tại Indonesia. Trong khi đó, thuế thu nhập được ấn định ở mức 0,1% tổng giá trị giao dịch tài sản tiền điện tử, tương ứng với thuế giao dịch cổ phiếu.

Các quan chức Bộ Tài chính cho hay một luật thuế trên phạm vi rộng được thông qua vào năm ngoái là cơ sở pháp lý cho việc đánh thuế tài sản tiền điện tử. Luật này được ban hành nhằm mục đích tối ưu hóa thu ngân sách trước tác động của đại dịch COVID-19.

Mức độ quan tâm tới các loại tài sản kỹ thuật số đã tăng mạnh tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong đại dịch COVID-19. Số lượng người nắm giữ tài sản tiền điện tử tại quốc gia này đã đạt 11 triệu người vào cuối năm 2021.

Theo số liệu từ Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai, tổng số giao dịch tài sản tiền điện tử trên các thị trường hàng hóa tương lai đã đạt 859.400 tỷ rupiah (59,8 tỷ USD) vào năm 2021, tăng hơn gấp 10 lần so với năm 2020./.

>>>Indonesia theo đuổi 5 chiến lược phát triển kinh tế biển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục