Thuế Tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam

17:55' - 26/06/2018
BNEWS Chiều ngày 26/6, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam”.
Hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam”. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Đây là một hoạt động thuộc dự án “Chất lượng xây dựng và thực thi chính sách kinh tế tại Việt Nam được cải thiện với sự tham gia hiệu quả của báo chí truyền thông và tổ chức xã hội”, do Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada tài trợ. 

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin tới giới truyền thông, tăng cường hợp tác xây dựng giữa giới truyền thông với Bộ Tài chính trong truyền thông có trách nhiệm về chính sách Thuế tài sản dự kiến trình Chính phủ bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2018, với mong đợi giúp cơ quan soạn thảo thu nhận được nhiều ý kiến xây dựng về dự án luật này.

Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách Tài chính công Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Tại hội thảo, bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách Tài Chính công Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính thông tin, theo Ngân hàng Thế giới (WB), trên thế giới có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản, thuế bất động sản, thuế nhà, đất

Đại diện Ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã chia sẻ thông tin về kinh nghiệm của một số nước về chính sách Thuế Tài sản, đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam khi xây dựng Luật Thế Tài sản và kiến nghị chỉ áp dụng đối với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thêm thuế đối với nhà), có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công; nhà, đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng…Các khoản thu khác đối với tài sản (lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất…) giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật BASICO nêu quan điểm, nếu đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, sau đó mới loại trừ tài sản nào.

Đồng thời, Luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị thuế tài sản chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế, miễn thuế cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, chỉ đánh vào một số loại tài sản, có giá trị lớn, đánh thuế luỹ tiến với khởi điểm rất thấp và phải cộng dồn nhà và đất khi đánh thuế.

“Vì chúng ta chưa quen với thuế tài sản nên cần phải đánh thuế một mức rất thấp sau đó phải đánh thuế lũy tiến đối với người nhiều tài sản, chứ không thể cào bằng với những người có ít tài sản, người có nguồn thu nhập rất thấp và chỉ có một nhà để ở sẽ tạo ra bất công và không đạt được mục tiêu thực sự của việc thu thuế tài sản”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Ông Đức cũng cho rằng, nên đánh thuế thừa kế với những người thừa kế tài sản có giá trị lớn và những người có số tiền gửi tiết kiệm lớn. Bên cạnh đó, nên đánh thuế ô tô và du thuyền vì đánh thuế vào những tài sản này tức là đánh thuế đối vào người giàu.

Ông Trần Như Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chiến lược Quốc tế TR2 (TR2 International) kiến nghị, Dự án chính sách Thuế Tài sản cần phải làm rõ quyền lợi của những người đóng thuế tài sản. Nếu làm được việc này, có thể hướng đến việc cả xã hội đều vui vẻ đóng thuế.

Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin tài sản đầy đủ, điều này giúp minh bạch hóa sở hữu tài sản và chống tham nhũng.

Ông Trung cũng cho rằng, nếu có luật Thuế Tài sản này thì cần hướng đến định giá tài sản theo thị trường vì đây là phương pháp tính chính xác và công bằng nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục