Thượng đỉnh liên Triều sẽ đặt nền móng thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới

18:37' - 27/04/2018
BNEWS Giới doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng Thượng đỉnh liên Triều sẽ đặt nền móng thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong cuộc gặp trước hội đàm thượng đỉnh tại Nhà Hòa bình ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Chiều ngày 27/4, tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký Tuyên bố chung Panmunjom, trong đó hai bên cam kết sẽ ra tuyên bố kết thúc chiến tranh trong năm nay. Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc sẽ thăm Triều Tiên vào mùa Thu này.

Lãnh đạo hai miền Triều Tiên cam kết ngừng mọi hành động thù địch chống phá lẫn nhau, nhất trí thành lập văn phòng liên lạc vĩnh viễn chung tại thành phố biên giới Kaeong, miền Bắc Triều Tiên nhằm tạo thuận lợi cho liên lạc chặt chẽ giữa hai bên.

Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên nhất trí nối lại việc tổ chức các cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Tuyên bố cũng cho biết hai miền Triều Tiên đã nỗ lực giải quyết vấn đề nhân đạo vốn là nguyên nhân gây chia cắt hai miền và tổ chức các cuộc đàm phán Chữ Thập đỏ để thảo luận các vấn đề chung liên quan tới các gia đình bị ly tán và tổ chức các cuộc đoàn tụ.

Các thỏa thuận nói trên là một phần trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại làng đình chiến Panmunjom.

Hai bên cũng nhất trí trong năm nay sẽ biến Khu phi quân sự (DMZ) thành "vùng hòa bình", tìm kiếm các cuộc đối thoại đa phương với các nước khác như với Mỹ, đồng thời nhất trí với đề xuất giải giáp hạt nhân theo từng giai đoạn và tổ chức đàm phán quân sự cấp tướng vào tháng 5/2018.

Hàng chục doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Triều Tiên thực sự hân hoan khi theo dõi diễn biến cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được truyền hình trực tiếp sáng 27/4, trong đó ghi lại cảnh hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên bắt tay thân mật, như một dấu hiệu hứa hẹn về một bầu không khí cởi mở sắp tới trong quan hệ giữa hai quốc gia.

Giới doanh nghiệp kỳ vọng cuộc gặp lần này sẽ là chất xúc tác giúp khôi phục hoạt động sản xuất lâu nay vẫn bị đình trệ tại các nhà máy liên doanh giữa hai miền Triều Tiên ở thành phố Kaesong.

Đại diện cho 123 công ty Hàn Quốc có nhà máy hoạt động tại Kaesong, ông Shin Han-yong, hy vọng hội nghị sẽ là tạo tiền đề để hồi sinh Khu công nghiệp Kaesong. Ông vẫn rất lạc quan vào kết quả của cuộc gặp lần này dù tương lai cụm công nghiệp Kaesong và các vấn đề kinh tế không có trong chương trình nghị sự.

Trong khi đó, liên minh đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc cũng kêu gọi thiết lập tình hình ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, tạo điều kiện cho hai miền trao đổi kinh tế nhiều hơn nữa.

Liên minh này cũng cho rằng cuộc gặp sẽ đặt nền móng thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế xuyên biên giới, tạo động lực cho các công ty Hàn Quốc trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng mạnh lên.

Cụm công nghiệp Kaesong mở cửa từ năm 2004 được coi là một biểu tượng quan trọng trong hợp tác kinh tế của hai miền Triều Tiên với nguồn vốn và công nghệ từ Hàn Quốc được triển khai cùng với nguồn lao động giá rẻ ở Triều Tiên. Từ tháng 2/2016, Hàn Quốc đã cấm mọi hoạt động sản xuất tại đây sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa lần thứ tư.

Việc các công ty tại khu công nghiệp phải tạm dừng hoạt động ước tính gây thiệt hại khoảng 1.500 tỷ won (tương đương 1,3 tỷ USD). Hàn Quốc cho biết việc nối lại hoạt động tại Kaesong cũng như các dự án hợp tác xuyên biên giới sẽ phụ thuộc vào tiến trình tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.

Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất kỳ vọng vào sự hợp tác kinh tế giữa hai miền sau sự kiện lịch sử này và Văn phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc hy vọng sẽ là cầu nối thúc đẩy sự hợp tác kinh tế trên bán đảo Triều Tiên.

>>>Nga, Nhật Bản đánh giá tích cực kết quả của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục