Thương mại điện tử ở Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn

18:19' - 04/06/2024
BNEWS Các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Chiều 4/6, Quốc hội bắt đầu tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực Công Thương. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời, làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu.

Các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thương mại điện tử ở Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn đó là: người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng; thách thức thứ ba là thất thu thuế.

 

*Triển khai các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân

Đề cập về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng  một trong những vấn đề hạn chế của thương mại điện tử là khó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng, trong đó vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân. Các trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân và gian lận thương mại khiến cử tri lo lắng và do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đồng ý với ý kiến của đại biểu Dương Minh Ánh và xác nhận, thời gian qua có tình trạng lộ lọt, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trong hoạt động giao dịch thương mại điện tử, mặc dù hiện tượng này không phổ biến.

Cho biết giải pháp của ngành Công Thương đối với vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua Bộ Công thương đã nhận diện rõ vấn đề này và đã nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định số 55/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có bổ sung một nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng.

Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng với việc Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.

Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Công an trong việc xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm trong đó có lĩnh vực thương mại.

Cùng với đó là đẩy mạnh truyền thông về quy định mới của pháp luật và Nghị định hướng dẫn; yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh tuân thủ xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin và yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

*Ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử

Đề cập về phòng, chống kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và lợi dụng cả thương mại điện tử để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Thành phố Hồ Chí Minh) phản ánh, hoạt động thương mại điện tử trong thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và lợi dụng cả thương mại điện tử để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Các hành vi vi phạm này ngày càng tinh vi và khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động, nhất là đối với các thành phố lớn: Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội hiện nay rất phức tạp.

Đại biểu đề nghị với Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới để hạn chế và ngăn chặn hoạt động vi phạm pháp luật của nhóm đối tượng này nhằm hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng.

Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thông qua thương mại điện tử thâm nhập vào thị trường Việt Nam, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh cho đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Trước tình trạng này, Bộ Công thương đã thường xuyên khuyến nghị với người sản xuất trong nước cần phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đồng thời đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Bộ cũng đã trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định hướng dẫn; triển khai Đề án chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước.

“Riêng trong năm 2023, cổng trực tuyến này đã tiếp nhận, gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng cho biết, để tăng cường quản lý hướng dẫn hỗ trợ người tiêu dùng, Bộ đã công khai danh sách các website thương mại điện tử về phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Về lo ngại lợi dụng biện pháp này để cạnh tranh không lành mạnh, Bộ trưởng cho biết Bộ thực hiện quy trình tiếp nhận, công khai thông tin rất chặt chẽ với các yêu cầu cụ thể như: chỉ công khai trang web có trên 5 ý kiến phản ánh kèm theo thông tin đầy đủ về người phản ánh; yêu cầu các website phản ánh phải giải trình, sau khi xác minh rõ nội dung phản ánh mới công khai danh sách website có dấu hiệu vi phạm, hạn chế tối đa về đối thủ lợi dụng để nói xấu nhau.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như vận hành và nâng cấp cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, đẩy mạnh xử lý khiếu nại của người tiêu dùng trực tuyến; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm giảm thiểu tối đa các hành vi không lành mạnh trong môi trường thương mại điện tử.

*Tránh thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về chống thất thu thuế qua giao dịch thương mại điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử của năm 2003 tăng trên 16% so với năm 2022. Tuy nhiên, còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử chia sẻ liên thông với các bộ ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan. Khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế để trao đổi dữ liệu các website ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trong tháng 6/2014.

Bộ Công Thương cũng tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch để tăng cường hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế; tích cực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên thương mại điện tử không kê khai thuế.

Tham gia giải trình làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt trong quá trình thực hiện việc thu thuế của sàn thương mại điện tử. Bộ Tài chính cũng đã tăng cường tuyên truyền cũng như hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở cổng thông tin điện tử của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trong công tác phối hợp, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp một cách quyết liệt với các Bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an, thể hiện qua việc đã kết nối cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,37% với 663157 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an quản lý và chia sẻ với Bộ Công Thương là 929 sàn thương mại điện tử; kiểm tra, đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý thu thuế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó khoảng 10 triệu tài khoản của các tổ chức, còn lại 134 triệu tài khoản của cá nhân.

Qua kết quả thực hiện thu thuế thương mại điện tử, báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng cho biết năm 2022 đã thu được 83.000 tỷ đồng và năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024 đã thu được 50.000 tỷ đồng và đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, tức là các tập đoàn công nghệ nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft, TikTok... đã thực hiện đăng ký và nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại xuyên biên giới; hiện nay đã nộp được 15,6 nghìn tỷ đồng thuế thương mại điện tử.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện một cách đồng bộ với việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử để đảm bảo công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình doanh nghiệp kinh doanh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục