Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra cơ hội xuất khẩu

17:30' - 18/05/2021
BNEWS Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành yếu tố cốt lõi và là xu thế tất yếu của kinh tế toàn cầu; là kênh hữu hiệu, tạo cơ hội cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm mô hình xuất khẩu linh hoạt hơn cũng như tối ưu nguồn lực.

Cũng chính vì thế, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành yếu tố cốt lõi và là xu thế tất yếu của kinh tế toàn cầu; là kênh hữu hiệu, tạo cơ hội cho doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu ra thế giới nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

*Hiệu ứng lan toả

Mấy ngày gần đây, truyền thông liên tục đưa tin vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) vừa được một số doanh nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử như Alibaba.com, Voso.vn, Lazada.vn, Sendo.

Vì thế, huyện Thanh Hà đang phối hợp tích cực với các sở, ngành và doanh nghiệp để hỗ trợ người dân sử dụng hiệu quả tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp đầy đủ thông tin cho quả vải trước khi bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.

Đánh giá về việc vải thiều Hải Dương lên sàn thương mại điện tử, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song tổng lượng quả vải xuất khẩu mùa vụ 2020 của cả nước đạt khoảng 98.000 tấn; trong đó tỉnh Hải Dương xuất khẩu gần 25.000 tấn.

Đặc biệt, thị trường xuất khẩu quả vải được mở rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, một số nước ASEAN, quả vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường được coi là “khó tính” khác như Hoa Kỳ, Australia, Hà Lan, Anh, Pháp, Canada, UAE...

Đáng chú ý, trong năm 2020, quả vải tươi của Việt Nam tiếp tục mở cửa thành công vào hai thị trường lớn và nhiều tiềm năng là Singapore và Nhật Bản. Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định thương hiệu quả vải Việt Nam với thị trường quốc tế.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với UBND và các đơn vị của tỉnh triển khai nhiều hoạt động; trong đó phải kể đến chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương lên sàn thương mại điện tử Lazada, Sen Đỏ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vài thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh;

Giao dịch trực tuyến với khoảng 200 các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với của quả vải thiều Thanh Hà và nông sản như: Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan… vào các ngày từ 18 đến 20/5/2021.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, trên 4.000 doanh nghiệp của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số gần đây cho thấy, có đến 99% doanh nghiệp kết nối internet và các thị trường nhập khẩu chính từ Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong số trên 800 doanh nghiệp xuất khẩu được khảo sát có đến 70% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 30% là doanh nghiệp lớn. Hơn nữa, số doanh nghiệp lớn có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử là 54%, trong khi tỷ lệ này ở doanh nghiệp nhỏ và vừa là 36%.

Tuy tỷ lệ doanh nghiệp tham gia còn khiêm tốn song hiệu quả  thu được không hề nhỏ bởi có tới 42% doanh nghiệp cho biết tổng giá trị đơn hàng trực tuyến trên tổng doanh thu xuất khẩu là 50%.

Thế nhưng, việc quản lý chất lượng và nguồn gốc xuất xứ qua thương mại điện tử xuyên biên giới không hề đơn giản bởi những sản phẩm có giá trị thấp, không đủ chứng từ để chứng minh nguồn gốc, chất lượng gây khó khăn cho hoạt động thông quan.

Không những thế, mỗi quốc gia lại đưa ra một chế tài quản lý hàng hóa theo cách riêng nhưng vẫn có điểm chung theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian lưu kho, kiểm tra sản phẩm và khối lượng hàng hóa phải kiểm tra cũng như đơn giản hóa quy trình đặt hàng, giao dịch hay thanh toán.

Do đó, theo ông Đặng Hoàng Hải, Bộ Công Thương đang thay đổi cách tiếp cận theo hướng không tham vọng có thể tạo ra được khung khổ pháp lý cho tất cả các loại hàng hóa, thương mại nói chung mà sẽ bắt đầu từ những mặt hàng cụ thể đang có lợi thế, sau đó điều chỉnh dần dần cho phù hợp với thị trường.

Với cách tiếp cận này sẽ mở ra con đường mới cho thương mại điện tử xuyên biên giới và ứng dụng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

*Lực đẩy cho doanh nghiệp

Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bích Thủy là một trong số ít doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam bán hàng thành công trên Amazon. Từ chỗ chỉ sản xuất, kinh doanh mặt hàng áo dài truyền thống tại thị trường nội địa, công ty phát triển đa dạng các mặt hàng, bao gồm cả phụ kiện cho phụ nữ và bán đi khắp các quốc gia trên thế giới thông qua trang Amazon.com.

Bà Bùi Kim Thúy - Giám đốc công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bích Thủy chia sẻ, công ty là 1 trong số 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam được lựa chọn thực hiện Chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon phối hợp thực hiện.

Ban tổ chức đã hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo kỹ năng, tư vấn trực tiếp và kết nối với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ được thiết kế riêng để đưa sản phẩm lên hệ thống của Amazon tại Hoa Kỳ.

Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, khi định hướng nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử, Cục Xúc tiến thương mại tìm hiểu rất kỹ các trang thương mại điện tử lớn trên thế giới.

Vì thế, việc Cục Xúc tiến thương mại và Amazon sẽ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chính thức để thực hiện các chương trình hợp tác chặt chẽ, quy mô lớn nhằm thực hiện các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử cũng như nhận diện thương hiệu hàng hóa, đồng thời nghiên cứu thiết lập chuyên trang về ngành hàng này của Việt Nam trên Amazon.

Đánh giá về xu hướng xuất khẩu qua biên giới của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp qua thương mại điện tử xuyên biên giới, tới đây Sở Công Thương thành phố Hà Nội sẽ tổ chức một cuộc xúc tiến riêng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề của Hà Nội vào kênh thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon. Đây sẽ là giải pháp thúc đẩy xuất khẩu.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách về thương mại điện tử; cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng mới.

Bên cạnh việc triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương sẽ chú trọng việc kết nối nhu cầu tuyển dụng nhân lực thương mại điện tử cũng như tư vấn lộ trình về chuyển đổi số để thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục