Thương mại toàn cầu gặp rủi ro gì khi Mỹ triển khai thuế quan mới?

18:49' - 10/02/2025
BNEWS Thương mại toàn cầu sẽ đối mặt với những rủi ro như thế nào khi Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai nhiều mức thuế mới và tiếp tục đe dọa áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu?
Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã triển khai nhiều mức thuế mới và tiếp tục đe dọa áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Các biện pháp này bao gồm thuế quan phổ quát đối với hàng hóa từ các quốc gia và thuế nhắm vào các lĩnh vực, khu vực hoặc quốc gia cụ thể nhằm buộc các nước phải đáp ứng các yêu cầu chính sách của ông.

Các tuyên bố về thuế của ông Trump đã thay đổi theo thời gian, từ mức thuế thấp đến mức thuế vượt quá 200%, khiến nhiều quốc gia và doanh nghiệp không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Một phần trong chiến lược của ông là áp dụng thuế quan phổ quát đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã đề xuất mức thuế “khiêm tốn” 2,5% và sau đó sẽ tăng dần hàng tháng, theo Financial Times. Tuy nhiên, ông Trump đã gợi ý mức thuế có thể cao hơn nữa. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng chính sách này có thể gây lạm phát vì các doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu thuế, và khả năng cao sẽ chuyển chi phí này cho người tiêu dùng.

 
Vào ngày 7/2, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế "có đi có lại" đối với các quốc gia áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ, nhưng chưa công bố mức thuế cụ thể. Các đối tác thương mại toàn cầu có thể trả đũa bằng cách áp thuế lên hàng xuất khẩu nông sản, năng lượng và máy móc của Mỹ, tiềm ẩn nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn cầu và tạo ra sự bất ổn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trong số các quốc gia bị ảnh hưởng, ông Trump đã tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico (Mê-hi-cô) và Canada (Ca-na-đa), có hiệu lực từ ngày 4/2 để đáp trả tình trạng di cư và buôn bán fentanyl. Tuy nhiên, ông đã hoãn thuế này cho đến ngày 1/3 để tiếp tục đàm phán. Ông Trump cũng áp thuế 10% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, như đã hứa trong chiến dịch tranh cử, và Trung Quốc cũng đã tuyên bố trả đũa bằng các biện pháp thuế đối với một số mặt hàng của Mỹ bắt đầu từ ngày 10/2.

Về Liên minh châu Âu (EU), ông Trump cho rằng các quốc gia này có thặng dư thương mại với Mỹ và tuyên bố rằng hàng hóa của họ sẽ phải chịu thuế hoặc yêu cầu họ mua thêm dầu và khí đốt từ Mỹ. Đối với Nga, ông Trump đe dọa sẽ áp thuế và các biện pháp trừng phạt nếu không đạt được thỏa thuận về Ukraine (U-crai-na).

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã gọi Ấn Độ là "kẻ lạm dụng lớn" trong thương mại và đe dọa áp thuế để điều chỉnh mất cân bằng thương mại. Ông cũng đe dọa sẽ áp thuế lên các quốc gia trong nhóm BRICS nếu nhóm này ngừng giao dịch bằng đồng USD. Ông cũng thông báo sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa của Colombia (Cô-lôm-bi-a) sau khi quốc gia này từ chối tiếp nhận các chuyến bay chở người di cư bị trục xuất từ Mỹ.

Về các sản phẩm, ông Trump đã thông báo sẽ áp thuế đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ, xây dựng và cơ sở hạ tầng. Ông cũng muốn áp thuế đối với chip máy tính nhập khẩu từ từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), nơi sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Ngoài ra, ông Trump đã đề xuất áp thuế đối với dược phẩm, đánh dấu sự thay đổi lớn so với chính sách miễn thuế hiện nay. Trong vài thập kỷ qua, dược phẩm thường được miễn thuế. Đối với ngành công nghiệp ô tô, ông Trump đề xuất áp thuế 100% hoặc cao hơn đối với các loại xe, bao gồm cả xe điện (EV), vì ngành ô tô chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu từ Canada và Mexico.

Những biện pháp này có thể tạo ra bất ổn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời khiến các quốc gia và đối tác thương mại của Mỹ phải đối mặt với các rủi ro liên quan đến thuế và chiến tranh thương mại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục