Thương mại và đầu tư: Chìa khóa tăng trưởng bền vững của Malaysia

06:30' - 28/04/2022
BNEWS Triển vọng trung hạn của kinh tế Malaysia vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, để đảm bảo tăng trưởng bền vững, quốc gia Đông Nam Á này cần đẩy mạnh kết nối thương mại và đầu tư.

Mặc dù các tác động kinh tế do hậu quả của đại dịch COVID-19 là điều khó tránh khỏi, nhưng Malaysia vẫn duy trì được nền tảng kinh tế cơ bản do chính phủ hỗ trợ thông qua các biện pháp khác nhau nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế.

Triển vọng trung hạn của kinh tế Malaysia vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, để đảm bảo tăng trưởng bền vững, quốc gia Đông Nam Á này cần đẩy mạnh kết nối thương mại và đầu tư.

Việc Chính phủ Malaysia đang tiến hành cải cách thương mại và đầu tư sẽ là yếu tố quan trọng để mở đường cho việc xóa bỏ thuế quan nhiều hơn và đơn giản hóa các hàng rào phi thuế quan, cũng như xóa bỏ các ngưỡng đầu tư.

Động thái phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là bước đi đúng hướng của Malaysia, vì hiệp định có thể giúp giảm chi phí thương mại cho doanh nghiệp thông qua việc tìm cách loại bỏ nhiều rào cản trong khu vực, đồng thời mở cửa rộng hơn hoạt động thương mại với một số đối tác thương mại lớn của nước này.

RCEP với 15 quốc gia thành viên, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, là hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa các nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Á, bao gồm Australia, New Zealand, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Là trung tâm chiến lược ở ASEAN với các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, Malaysia có vị trí lý tưởng để tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại xuyên biên giới với các đối tác RCEP.

Việc nước này tiếp cận thị trường RCEP rộng lớn sẽ mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội hiện diện trên toàn khu vực và tạo điều kiện tăng cường khả năng tiếp cận cho các thành viên RCEP đang muốn đầu tư vào Malaysia.

Việc tăng cường nỗ lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Malaysia cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung FDI toàn cầu ngày càng thu hẹp và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Tiến bộ đáng kể mà Ngân hàng trung ương Malaysia đã thực hiện là tự do hóa các hỗ trợ chính sách ngoại hối, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế trong nước và xuyên biên giới.

Tuy nhiên, Malaysia cần phải tạo điều kiện trong các khuôn khổ đầu tư để giúp công ty đa quốc gia đầu tư vào nước này dễ dàng hơn, có thể bao gồm sửa đổi danh sách đầu tư tiêu cực, cung cấp ưu đãi thuế cho một số lĩnh vực nhất định, hợp lý hóa các quy trình thúc đẩy phê duyệt đầu tư, các rào cản mang tính quan liêu và đẩy nhanh sự phát triển của nhân tài cũng như lực lượng lao động trong nước.

Các vấn đề này đã được nêu ra trước đây và đang được cơ quan chức năng xem xét, song hiện đang có một động lực rất lớn để những đề xuất cải cách này trở thành hiện thực. Đồng thời, các công ty muốn đầu tư vào Malaysia đang chứng kiến một môi trường rất khác so với môi trường trước khi bùng phát dịch COVID-19.

Sự thích nghi và các ưu tiên trong những điều kiện mới đang là vấn đề chiến lược cấp bách, ảnh hưởng đến cách các tổ chức này định vị mình trong tương lai.

Xét từ góc nhìn của ngành ngân hàng, một số lĩnh vực quan trọng nhất được coi là có ảnh hưởng đến các công ty bao gồm khả năng tiếp cận nguồn tài chính, tăng cường tích hợp công nghệ vào kinh doanh và áp dụng các giải pháp tài chính bền vững.

* Tiếp cận tài chính

Thị trường vốn Malaysia là một trong những thị trường có tính thanh khoản và phát triển nhất trong khu vực. Việc nhu cầu tăng cao đối với các đợt phát hành trái phiếu và trái phiếu Hồi giáo (sukuk) chất lượng tốt, cùng các lựa chọn tài chính ngày càng xanh và bền vững, đã củng cố khả năng tiếp cận và tính hiệu quả của thị trường vốn của nước này, cùng với sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư ngay cả trong điều kiện thị trường đầy thách thức.

Kế hoạch Tổng thể Thị trường Vốn của Ủy ban Chứng khoán Malaysia (CMP3) đóng vai trò quan trọng trong việc tận dụng thế mạnh và tiềm năng của thị trường vốn Malaysia để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm. Điều này rất quan trọng đối với việc hỗ trợ các ngân hàng khi họ tìm cách huy động vốn theo yêu cầu của các doanh nghiệp để tài trợ cho tăng trưởng kinh doanh và đầu tư.

* Tăng cường tích hợp công nghệ vào kinh doanh

Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình tích hợp công nghệ vào kinh doanh, cho phép các tổ chức xây dựng khả năng phục hồi cũng như đưa tới các cơ hội mới để tăng trưởng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như huy động vốn cho người tiêu dùng thương mại điện tử ngày càng tăng và tận dụng các chuỗi cung ứng đã được cách mạng hóa bằng công nghệ.

Việc tăng tốc số hóa các dịch vụ tài chính cũng là yếu tố quan trọng trong việc cho phép các doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh ở cả trong và ngoài biên giới Malaysia. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng đối với các giải pháp ngân hàng kỹ thuật số và các giải pháp xuyên biên giới liền mạch hỗ trợ nền tảng.

* Khát vọng của nhà đầu tư đối với các sản phẩm tài chính bền vững

Nhận thức về các mối đe dọa môi trường đã rất rõ ràng trong lĩnh vực tài chính, với các quyết định thị trường vốn đang dựa trên rủi ro, lợi nhuận và tác động. Đồng thời, sự gia tăng của các công cụ liên kết xã hội và bền vững đã mở rộng phạm vi tài trợ sang nhiều lợi ích xã hội và môi trường.

Ngoài ra, các nhà đầu tư đang yêu cầu nhiều thông tin hơn về hoạt động của công ty, rủi ro, cơ hội và triển vọng dài hạn. Việc huy động vốn sẽ khó khăn hơn đối với những công ty không có kế hoạch chuyển đổi bền vững rõ ràng. Tất cả những điều này đã dẫn đến khát vọng của các nhà đầu tư đối với các sản phẩm tài chính xanh và bền vững.

Các nền tảng cơ bản tạo nên thành công kinh tế của Malaysia không chỉ không thay đổi mà bằng nhiều cách lại được củng cố do yếu tố dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu Malaysia muốn có được nhiều nhất lợi ích và cơ hội để phục hồi và phát triển, nước này sẽ phải lấy lại động lực tăng trưởng vốn có trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, bao gồm tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng chiến lược để thu hút đầu tư nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục