Thường trực Chính phủ thảo luận các dự thảo đề án về quản lý nợ công

19:44' - 18/02/2021
BNEWS Chiều 18/2, Thường trực Chính phủ đã thảo luận về Dự thảo Báo cáo Quốc hội tình hình vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Chiều 18/2, Thường trực Chính phủ đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để thảo luận Dự thảo Đề án đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế thực hiện Nghị quyết Trung ương số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trình bày báo cáo tóm tắt về dự thảo đề án, cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo đã đưa ra 5 nhóm giải pháp và 25 nhiệm vụ theo các chức năng cơ bản của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.

Về mục tiêu tổng quát, theo Đề án, đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý Nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân nêu trong Nghị quyết 10-NQ/TW và Nghị quyết 98/NQ-CP.

Các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng quy luật của thị trường, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện; công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, giảm chi phí cho doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là đề án quan trọng, quy mô và phạm vi rất rộng, tác động, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mới của đất nước sau Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, kinh tế tư nhân phát triển rất nhanh, xuất hiện nhiều tập đoàn lớn, có nhiều đóng góp vào tăng trưởng. Do đó, dự thảo phải phải nêu bật những cản trở, ràng buộc đối với sự phát triển kinh tế tư nhân và các giải pháp tháo gỡ. Đề cập đến yêu cầu đổi mới quản lý Nhà nước về kinh tế, Thủ tướng đề nghị cần bám sát tình hình đất nước, bối cảnh quốc tế biến động nhanh, phức tạp, đặc biệt là tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, đại dịch và sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học công nghệ, cách mạng công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, dự thảo cần quán triệt các văn kiện, Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng với nhiều quan điểm, định hướng mới về quản lý Nhà nước về kinh tế, trong đó có các quan điểm, các đột phá lớn về kinh tế tư nhân.

Cùng với đó, dự thảo phải có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh tế tư nhân, tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư, kinh doanh, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Đối với công tác quản lý Nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chiều cùng ngày, Thường trực Chính phủ đã thảo luận về Dự thảo Báo cáo Quốc hội tình hình vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá dự thảo đã đánh giá đúng thực trạng, nêu bật xu hướng nợ công giảm so đầu nhiệm kỳ, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, hiệu quả sử dụng tăng lên, bảo đảm những nhu cầu bức thiết, tích cực tìm nguồn, thay đổi cơ chế tăng cường hiệu quả nợ công, gắn trách nhiệm của người sử dụng nợ công cũng như vấn đề đối ứng... Theo dự thảo này, đến năm 2025, mức độ vay nợ công và nợ Chính phủ vẫn an toàn trong giới hạn, các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ. Chính phủ làm hết sức mình cùng các địa phương để tăng cường hiệu quả sử dụng nợ công, cơ chế quản lý nợ công được hoàn thiện.

Về xây dựng kế hoạch vay và trả nợ công giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần cần đánh giá bối cảnh trong nước và quốc tế trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới, dịch COVID-19, nhu cầu đầu tư lớn cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm nguồn trả nợ; đổi mới cách tiếp cận chính sách tài khóa mới, nợ công theo hướng chủ động, tích cực, thúc đẩy phát triển đất nước, bảo đảm sử dụng vốn vay. Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm nghiên cứu và có định hướng chính sách chủ động, bảo đảm lợi ích tổng thể của nền kinh tế. Thủ tướng lưu ý tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công là yêu cầu lớn từ Trung ương đến địa phương.

Do đó, cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát bảo đảm khả năng trả nợ từng dự án cụ thể, bảo đảm uy tín quốc gia, làm rõ trách nhiệm của các cấp trong quá trình sử dụng vốn.

Cùng với đó là có phương án đánh giá tác động của vay và trả nợ, có kịch bản cụ thể, đây là nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành sớm trình Chính phủ Dự thảo đề án để báo cáo Quốc hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục