Tiềm năng phát triển cây mắc ca ở Lai Châu

21:14' - 10/05/2018
BNEWS Năm 2017, toàn tỉnh trồng mới được 540,58ha, tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tân Uyên, Tam Đường và thành phố Lai Châu.
Lai Châu hỗ trợ tài chính và đào tạo canh tác cây mắc ca. Ảnh: Thanh Tuấn/ TTXVN

Chiều ngày 10/5, UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với Hiệp hội mắc ca Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức Hội thảo Khoa học phát triển cây mắc ca: Hiện trạng và giải pháp; tư vấn cho vay và đào tạo canh tác cây mắc ca ở Lai Châu.

Cây mắc ca được trồng tại tỉnh Lai Châu từ năm 2011, trong vườn của một số hộ trên địa bàn thành phố với quy mô 0,99 ha. Năm 2012, 2013 tỉnh tiếp tục trồng mới trên 190 ha cây mắc ca theo các chương trình nghiên cứu và trồng thử nghiệm, chủ yếu tập trung tại huyện Tam Đường với trên 169 ha (trồng thuần 133 ha, trồng xen trên nương chè 36 ha).

Từ năm 2014 -2016, tại các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ và Nậm Nhùn trồng mới tập trung trên 150 ha; trong đó, riêng Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Trường Giang Lai Châu trồng gần 100 ha tại huyện Phong Thổ và Nậm Nhùn.

Năm 2017, toàn tỉnh trồng mới được 540,58ha, tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tân Uyên, Tam Đường và thành phố Lai Châu. Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có trên 810,17ha được trồng ở độ cao từ 600 - 1.200m so với mặt nước biển. Qua đánh giá, đa số diện tích cây mắc ca đều sinh trưởng và phát triển tốt. Với năng suất và sản lượng thời điểm năm 2016 khoảng 800kg/ha, giá thu mua từ 50-80 nghìn đồng/kg, thu nhập bình quân 1ha trừ chi phí ước đạt 40-50 triệu đồng.

Ông Tào Văn Én ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường chia sẻ, gia đình ông trồng cây mắc ca đã được 4 năm, cây mắc ca vừa dễ trồng hơn các loại cây nông nghiệp khác, vừa cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Chỉ riêng trồng mắc ca đã đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 16 triệu đồng/người/năm. Với lợi thế và hiệu quả mà cây mắc ca mang lại, ông Én hy vọng trong thời gian tới, các cấp ủy chính quyền cũng như Ngân hàng LienVietPostBank có những cơ chế hỗ trợ nông dân trong việc chọn cây giống tốt, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…, để người dân có thể mở rộng diện tích trồng cây mắc ca.

Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, trước tiềm năng, lợi thế và giá trị của cây mắc ca, UBND tỉnh Lai Châu xác định cây mắc ca sẽ trở thành cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Năm 2017, UBND tỉnh triển khai Đề án phát triển cây mắc ca với mục tiêu đến năm 2021 toàn tỉnh sẽ trồng 3.600 ha; trong đó có 2.600 ha trồng tập trung và 1.000 ha trồng xen trên cây chè. Đồng thời, tỉnh ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp trồng cây mắc ca.

Theo đó, Lai Châu tổ chức hỗ trợ đối với gia đình, cá nhân trồng xen mắc ca vào đồi chè mật độ 100 cây/ha, hỗ trợ 100% giống và hỗ trợ một phần tiền làm đất (mức hỗ trợ 6 triệu đồng/ha); khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm mắc ca trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện trong việc thuê đất, hỗ trợ thêm 6 triệu đồng/ha chi phí thuê đất…

Năm 2018, theo kết quả kiểm tra, rà soát nhu cầu đăng ký trồng cây mắc ca của các huyện, thành phố, doanh nghiệp toàn tỉnh dự kiến sẽ trồng mới 1.431ha cây mắc ca.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu ông Lê Trọng Quảng, chủ trương của tỉnh tới đây là đẩy mạnh phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh ở những nơi có điều kiện thích hợp. Hiện nay, tỉnh đang giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành xây dựng đề án phát triển cây mắc ca;trong đó, bao gồm cả hướng dẫn về kỹ thuật, cũng như chính sách và cơ chế để hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu được nghe các nhà khoa học tư vấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và đầu ra cho sản phẩm cây mắc ca; đánh giá thực trạng và khả năng phát triển cây mắc ca và định hướng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.

Các nhà khoa học đều cho rằng, cây mắc ca rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Lai Châu. Cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lai Châu có thể được trồng thuần, hoặc trồng xen với cây chè đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các nhà khoa học dự Hội thảo đánh giá Lai Châu là tỉnh có nhiều điều kiện để phát triển cây mắc ca.

Tại Hội thảo, ông Huỳnh Ngọc Huy, Thành viên Hội Đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) kiêm Tổng thư ký Hiệp hội mắc ca Việt Nam cũng giới thiệu về tiềm năng phát triển của cây mắc ca tại Việt Nam; thị trường tiêu thụ mắc ca ở thị trường trong nước và nước ngoài; những sản phẩm chủ yếu được chế biến từ cây mắc ca; quan hệ hợp tác giữa Hiệp hội mắc ca Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

Ông Huy cũng cam kết sẽ hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng mắc ca ở Lai Châu loại giống tốt nhất đem lại hiệu quả cao; ký hợp đồng với người dân để tiêu thụ sản phẩm…, cũng như cam kết cho vay vốn phát triển cây mắc ca, gói tiện ích cho vay đầu tư phát triển cây mắc ca của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt... ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục