Tiềm năng và thách thức đối với thị trường phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng

20:43' - 27/07/2022
BNEWS Chiều ngày 27/7, tại Hà Nội, Thời báo Tài chính Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến 2022: Bancassurance: Tiềm năng và thách thức.

Bancassurance hay còn gọi là "phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng" được triển khai rộng rãi tại các nước tiên tiến trên thế giới, mang lại trên 60% doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, bancassurance cũng xuất hiện từ khá lâu, nhưng chỉ khi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 2/7/2014 về hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thì hình thức phân phối sản phẩm bảo hiểm này mới được pháp luật bảo vệ, tạo điều kiện phát triển. 

Ngày 31/12/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 37/2019/TT- NHNN hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm, giúp các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tham gia tích cực phân phối sản phẩm bảo hiểm, vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia bảo hiểm.

Bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay hơn 40% số lượng hợp đồng khai thác mới đến từ kênh bancassurance, 8 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu bancassurance trên 1.000 tỷ đồng.

Hành lang pháp lý cho bancassurance dần được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tham gia tích cực phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, hoạt động bancassurance phát triển một cách mạnh mẽ. Theo thống kê của Hiệp hội bảo hiểm, cả doanh thu và tỷ trọng thu nhập từ bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng tăng, từ 65 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,8% doanh thu phí bảo hiểm) năm 2017 lên tới 130 nghìn tỷ đồng (chiếm 18,9%) năm 2020.

Đến năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance chiếm khoảng 39% tổng doanh thu khai thác mới. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bancassurance cũng tăng trưởng tới 23%.

Về phía các ngân hàng, hoạt động bancassurance đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận trong năm 2021. Điển hình như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) đạt gần 1.700 tỷ đồng phí dịch vụ bảo hiểm trong năm 2021, chiếm hơn 11% tổng thu nhập hoạt động nhờ thương vụ hợp tác với Prudential; Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (TCB) đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 88,4% so với năm 2020 nhờ đẩy mạnh hợp tác với Manulife; Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đạt 1.300 tỷ đồng qua hợp tác với Sunlife…

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động bancassurance tại Việt Nam đã nảy sinh một số rủi ro, bất cập. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, cần nhận diện các rủi ro như chất lượng tư vấn do nhiều cán bộ chưa hiểu hết những đặc tính kỹ thuật phức tạp của sản phẩm bảo hiểm cũng như mức độ ưu tiên công việc khác nhau; rủi ro đạo đức nghề nghiệp; rủi ro lan truyền, tức là xảy ra rủi ro tại 1 công ty bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến ngân hàng thương mại với tư cách là đại lý hay đối tác, cổ đông chiến lược, công ty mẹ và ngược lại...

Do đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là nghiệp vụ bancassurance trong cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan. Đồng thời, có quy định cho phép cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu, công nhận kết quả thẩm định cũng như quy định về bảo mật, bảo vệ thông tin, dữ liệu khách hàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm phải đầu tư cho việc đào tạo cán bộ về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, thuyết phục để tránh gây hiểu nhầm khiến khách hàng cảm thấy không hài lòng hay bị ép buộc mua sản phẩm bảo hiểm. Đồng thời, phối hợp xây dựng các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt, phù hợp với kênh bán qua ngân hàng nhằm tránh sự cạnh tranh giữa các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm…/.

>>>Bảo hiểm thúc đẩy tăng trưởng thu nhập phí của ngân hàng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục