Tiền đề để Fed khởi động nới lỏng chính sách tiền tệ

06:30' - 16/08/2024
BNEWS Lạm phát tại Mỹ đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, mở ra tiền đề để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong phiên họp vào tháng tới – tờ Wall Street Journal ngày 15/8 bình luận.
Theo số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố cùng ngày, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7/2024 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn ước tính 3% của giới kinh tế và là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2021. Lạm phát lõi (loại trừ lương thực và năng lượng) tăng 3,2% so với một năm trước, cũng là mức tăng thấp nhất trong ba năm.

Đà suy giảm lạm phát bền vững và diễn ra trên diện rộng ở các nhóm mặt hàng và dịch vụ, tạo cho Fed một không gian đủ lớn để tập trung xử lý bất kỳ nguy cơ suy yếu tiềm tàng nào trên thị trường lao động. Theo chuyên gia kinh tế trưởng tại tập đoàn bảo hiểm và dịch vụ tài chính Nationwide Kathy Bostjanci, dữ liệu mới nhất là rất đáng khích lệ, giúp Fed có thêm tự tin để bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ.

Báo cáo được công bố ngày 15/8 chưa thực sự hoàn hảo. Giá nhà trong tháng 7/2024 tăng nhanh hơn so với tháng 6/2024. Nhưng đà cải thiện ở các hạng mục khác, từ xe ô tô đã qua sử dụng cho tới chăm sóc y tế, đã bù đắp được mức tăng từ khu vực bất động sản. Đây là tháng thứ ba liên tiếp CPI lõi tăng ở cấp độ nhẹ, phù hợp với mục tiêu lạm phát của Fed. Lạm phát bắt đầu dịu xuống từ năm ngoái, nhưng sau đó bất chợt tăng trở lại trong ba tháng đầu năm 2024.

Sau đợt tăng lãi suất vào tháng 7/2023, đưa lãi suất lên mức cao nhất trong hai thập kỷ, giới chức Fed đã dành hơn một năm để tập trung giải đáp câu hỏi khi nào bắt đầu giảm lãi suất. Đợt cắt giảm được kỳ vọng vào tháng 6/2024 đã chệch hướng khi lạm phát nóng trở lại. Nhưng ở thời điểm hiện nay, một quyết định cắt giảm lãi suất là đúng hướng do dữ liệu lạm phát cải thiện, cùng với đó là những chỉ dấu về việc thị trường lao động có thể không suy yếu như dự đoán trong những tháng tới đây.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã lên mức 4,3% trong tháng 7/2024 so với mức 3,7% hồi đầu năm, cho thấy nhu cầu tuyển dụng chậm lại. Do đó, các chuyên gia cho rằng thị trường sẽ "cân đo" xem, trong cuộc họp tháng Chín tới, Fed sẽ cắt giảm lãi suất theo kiểu truyền thống 0,25 điểm phần trăm, hay là mạnh tay hơn với mức 0,5 điểm phần trăm.

Dữ liệu lạm phát mà Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 15/8 sẽ không giải đáp được tranh luận đó. Lãi suất được cắt giảm ở mức độ như thế nào sẽ phụ thuộc vào các chỉ số tới đây liên quan đến thị trường lao động, nổi bật là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và báo cáo việc làm tháng 8/2024 dự kiến công bố ngày 6/9.

Tuần trước, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond ông Tom Barkin cho biết “giới chức Fed đang cố gắng xác định xem đây có phải là một nền kinh tế đang dần quay trở lại trạng thái bình thường, cho phép chúng tôi điều chỉnh lãi suất một cách ổn định và có chủ đích, hay là một tình huống đòi hỏi chúng tôi phải can thiệp mạnh mẽ hơn”.

Một số nhà phân tích cho rằng sẽ là thách thức cho Fed nếu cắt giảm lãi suất ở mức lớn hơn 0,25 điểm phần trăm, do lạm phát vẫn trên ngưỡng mục tiêu 2%. Theo ông David Berson, chuyên gia kinh tế trưởng tại hãng tư vấn Cumberland Advisors, số liệu lạm phát trong tháng 7/2024 là đủ tích cực để Fed hạ lãi suất vào tháng 9/2024. Tuy nhiên, mức “đủ tốt” đó không phải là điều gì thật lớn lao, mà chỉ cho thấy “lạm phát đang suy yếu, nhưng chỉ ở mức chậm”.

Khi đợt cắt giảm lãi suất là điều được kỳ vọng rộng rãi, sự chú ý về phiên họp tháng 9/2024 của Fed sẽ chuyển hướng sang việc quyết định giảm lãi suất này có là đồng thuận tuyệt đối hay không và có bao nhiêu quan chức Fed thuộc diện được bỏ phiếu ủng hộ hai đợt cắt giảm kế tiếp vào tháng 11/2024 và tháng 12/2024. Bản dự báo kinh tế mới được Fed công bố vào tháng tới sẽ cung cấp những căn cứ cho thấy quan điểm mới nhất của giới chức Fed.

Chi phí nhà ở vẫn là một vấn đề nan giải. Bởi chỉ một thay đổi nhỏ về giá theo năm sẽ tạo ra những thay đổi về giá thuê trên thị trường, nhưng có độ trễ. Kết quả là giới chuyên gia kinh tế đã kỳ vọng lạm phát giá nhà sẽ giảm chậm, nhưng không đến mức chậm như thực tế - xu hướng đã được củng cố trong báo cáo của Bộ Lao động Mỹ sau khi đã có được một kỳ báo cáo đáng khích lệ hồi tháng Sáu vừa qua.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - đã giảm từ mức 7,1% hai năm trước đây xuống còn 2,5% trong tháng 6/2024. Nhóm mặt hàng ghi nhận mức giá giảm, từ đồ điện tử cho tới xe ô tô qua sử dụng thuộc nhóm giảm đầu tiên, khi nhu cầu đối với mặt hàng này suy yếu, trong khi chuỗi cung ứng được phục hồi sau đứt gãy do đại dịch COVID-19.

Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ - từ cắt góc, sửa xe, y tế trẻ em cho tới chi phí thuê phòng khách sạn, cũng ghi nhận bước cải thiện, nhưng mất nhiều thời gian hơn. Xu hướng này phản ánh phần nào đó về đà suy giảm tăng trưởng tiền lương. Nhiều báo cáo gần đây cho thấy các doanh nghiệp Mỹ hiện không còn được hưởng sức mạnh về giá khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và phản ứng mạnh trước các đợt tăng giá trong ba năm qua. Giá có thể sẽ còn chững lại nếu xuất hiện gia tăng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục