Tiền tệ không phải là yếu tố chính gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc

06:30' - 01/12/2017
BNEWS Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm 2016, ứng viên Donald J. Trump đã đề cập rất mạnh mẽ đến vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ trong buôn bán với Trung Quốc.
Tiền tệ không phải là yếu tố chính gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông cho rằng thặng dư thương mại của Trung Quốc gây bất lợi cho các công ty và doanh nghiệp Mỹ, khiến nhiều người Mỹ mất việc làm và nhìn chung gây hại cho nước Mỹ. 

Đáng chú ý ông Trump cáo buộc Chính phủ Trung Quốc định giá thấp đồng nhân dân tệ (NDT).

 Vị Tổng thống doanh nhân này thậm chí còn đe dọa chính thức liệt Trung Quốc là nước “thao túng tiền tệ” và đánh thuế nhằm vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, có thể lên đến mức 45%. Những bước đi này, theo ông, sẽ giúp cải thiện tình hình.

 Sau khi thắng cử, Tổng thống đắc cử Trump được các cố vấn nói rằng đồng NDT không bị định giá quá thấp, một số thậm chí còn nhìn nhận Trung Quốc nâng giá đồng nội tệ để NDT có sức ảnh hưởng trên toàn cầu. 

Họ cho rằng tiền tệ không phải là yếu tố chính gây ra thâm hụt cho Mỹ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Giới cố vấn cũng nhìn nhận việc áp thuế nhập khẩu ở mức cao có thể sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh thương mại và đó không phải là biện pháp tốt.

 Những cáo buộc ban đầu của ông Trump chỉ là những ngôn từ tranh cử, một phần trong cách tiếp cận đàm phán của ông với điểm nhấn là thứ ngôn ngữ gây hấn kèm đe dọa để buộc các đối thủ phải nhún nhường, tạo ra nền tảng cho các cuộc thảo luận theo hướng có đi có lại, đưa đến các tiến triển hiện hữu. 

Lối hành xử này đã giúp ông Trump thành công khi còn là doanh nhân và nó cũng là mô thức hành động của một số ít những nhà lãnh đạo thành công - những người ông Trump ngưỡng mộ.

 Vậy nhưng, những gì diễn ra sau đó lại cho thấy một Tổng thống Donald Trump khác, với lối tiếp cận thông thường để xử lý vấn đề: Giải quyết thâm hụt thương mại bằng cách tăng xuất khẩu sang Trung Quốc thay vì hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến điểm này, ông buộc phải theo đuổi các cuộc đàm phán chân thành để đạt mục tiêu. 

Chiến lược mới được khởi động với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida, hồi tháng 4/2017.Chủ tịch Tập Cận Bình hiểu rõ tình thế thương mại không ổn định và đưa ra đề nghị nhập khẩu thịt bò từ Mỹ, nới lỏng các quy định đối với các công ty tài chính Mỹ hoạt động tại thị trường Trung Quốc.

Cả hai động thái này đều có tác động tích cực giúp giảm thâm hụt cho Mỹ. Kế đến là bản kế hoạch 100 ngày đàm phán thương mại Mỹ - Trung, thảo luận chi tiết, nhiều vấn đề hơn để tạo lập cán cân thương mại bình đẳng hơn. Hết thời hạn, “100 ngày đàm phán thương mại” tiếp tục được kéo dài 

Vậy nhưng “nhượng bộ” của ông Tập và các cuộc đàm phán đã không tạo ra những thay đổi lớn.Chỉ có một quãng thời gian ngắn xuất hiện các thông số tính cực (một phần là do các cơn bão lớn ở Mỹ khiến nhu cầu tiêu dùng giảm). Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng, thế nhưng nhập khẩu cũng tăng theo. Đến tháng Tám, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc “leo” lên mức kỉ lục mới là 46,3 tỷ USD.

Vậy, đâu là những yếu tố gây ra thực trạng này? Thâm hụt của Mỹ tăng tức thời sau phiên Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung (CED), một trong bốn cơ chế đối thoại được thiết lập mới sau hội nghị thượng đỉnh ở Mar-a-Lago. Đối thoại kết thúc mà hầu như không đạt được kết quả đáng kể nào.Đó là điểm không mới.

 Hội đồng hỗn hợp về kinh tế thương mại Mỹ - Trung được thành lập năm 1983, kế đến là Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ - Trung đi vào triển khai từ năm 2006, hai sáng kiến tiền thân của CED, cũng từng thất bại trong việc lập lại cân bằng quan hệ thương mại. 

Ông Trump hy vọng việc tách bạch các vấn đề an ninh khỏi đàm phán thương mại sẽ mang lại hiệu quả. Nhưng đây không phải là cách làm hay, vì yếu tố chiến lược, quân sự khó có thể tách bạch khỏi kinh tế.

 Các công cụ đầy hứa hẹn về tăng xuất khẩu sang Trung Quốc có tác động tích cực, nhưng không đủ. Nghi ngờ vào tính hiệu quả của biện pháp này ngày một lớn.Một lĩnh vực nổi bật là năng lượng.Trung Quốc là nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.

Mỹ đã có bước tiến mang tính hiện tượng, khi trong 5 tháng đầu năm 2017 đã xuất sang Trung Quốc 400.000 tấn khí đốt, từ con số 0 trong năm 2016. Cùng lúc, xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc đạt ngưỡng 100.000 thùng/ngày, gấp 10 lần năm 2016. 

Vậy nhưng chính quyền Trump phải đối mặt với những rào cản về pháp lý liên quan đến hạn chế xuất khẩu năng lượng.Các nhóm hoạt động vì môi trường cũng phản đối hoạt động chiết xuất dầu khí đá phiến, cản trở sự bùng nổ sản xuất và xuất khẩu năng lượng.

 Trung Quốc cũng cũng mở cửa thị trường đối với mặt hàng ngũ cốc của Mỹ, các công ty Trung Quốc ký hợp đồng trị giá 5 tỷ USD nhập khẩu đậu nành, thịt lợn, thịt bò của bang Iowa. Nhưng hợp đồng này chiếm phần quá nhỏ trong tổng thâm hụt thương mại 367 tỷ USD của Mỹ trong buôn bán với Trung Quốc trong năm 2016.

Trong khi đó, lĩnh vực hứa hẹn nhất giúp tăng xuất khẩu - các mặt hàng công nghệ cao - thậm chí còn phải đối mặt với các rào cản lớn hơn. Trung Quốc lâu nay luôn khẳng định rằng việc dỡ bỏ những hàng rào này sẽ giúp cải thiện cán cân thương mại. 

Một báo cáo của Tổ chức Carnegie Endowment vì Hòa bình thế giới (CEIP) cũng ủng hộ lập luận này.Báo cáo cho rằng nếu rào cản đối với Trung Quốc ngang mức Mỹ áp dụng với Brazil, thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ giảm 24%.Còn với mức ngang bằng với Pháp, con số này sẽ là 34%.

 Do Mỹ và Trung Quốc hiện là hai cường quốc thực sự trên thế giới (khi ảnh hưởng của châu Âu, Nga, Nhật Bản suy giảm) nên cả hai đều cạnh tranh quyết liệt để xác lập vị thế và quyền lực toàn cầu. 

Bên cạnh tiềm năng hợp tác để chung tay tạo lập hệ thống tài chính ổn định, giải quyết đe dọa về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thách thức về môi trường, Mỹ và Trung Quốc cũng là đối thủ của nhau. Thực tế này khiến một số mặt hợp tác trong quan hệ Mỹ - Trung khó có bước tiến.

 Tăng trưởng GDP phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, lòng tin vào nền kinh tế Mỹ gia tăng sẽ góp phần thúc đẩy cán cân thương mại có lợi cho Mỹ. Cùng lúc, việc chính quyền đương nhiệm thực thi nhiều chính sách thân thiện với doanh nghiệp, như việc cắt bỏ các quy định, thủ tục rườm rà. 

Nhưng do 70% GDP của Mỹ dựa vào tiêu dùng, nên kinh tế tăng trưởng cũng đồng nghĩa với việc người Mỹ sẽ mua hàng hóa nhiều hơn, trong đó có các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này sẽ lại làm gia tăng thâm hụt thương mại. 

Các bước đi của Trung Quốc về mở cửa thị trường, tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể chuyển hóa thành kết quả thực tế. Đây là điều có thể trông đợi được, dù diễn biến hiện tại vẫn gây nhiều bất lợi cho Mỹ.

Kết quả đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Tổng thống Mỹ cũng mang đến nhiều tín hiệu khả quan.Các công ty, tập đoàn và doanh nghiệp Trung Quốc đã ký kết các thỏa thuận hợp tác hơn 230 tỷ USD với các đối tác Mỹ.

Ngoài một số hợp đồng hoàn tất được triển khai sớm, nhiều thỏa thuận được thực hiện dưới dạng bản ghi nhớ. Việc thực thi toàn bộ sẽ cần nhiều thời gian, nhưng triển vọng Mỹ tăng xuất khẩu sang Trung Quốc là tích cực.

Không mang căng thẳng vào thảo luận, ông Trump không đổ lỗi cho Trung Quốc là nhân tố khiến Mỹ gặp bất lợi. Lỗi là do chính quyền tiền nhiệm đã yếu kém trong đàm phán; lãnh đạo Trung Quốc đơn giản chỉ theo đuổi lợi ích quốc gia - như cách mà hầu hết các nước khác đều làm vậy. 

Nhưng kinh tế Mỹ cũng gặp nhiều cản trở lớn để nâng cao được sức cạnh tranh và tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là những vấn đề nằm ngoài các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thêm nữa, có những vấn đề mà bản thân Trung Quốc cũng không thể trợ giúp Mỹ nhiều trong xử lý mất cân bằng thương mại.

 Kinh tế Mỹ và khả năng xuất khẩu hàng hóa của Mỹ bị trói buộc bởi gánh nặng thuế cao, do các khoản chi cho hoạt động, chi phí phúc lợi xã hội; nợ quốc gia ở mức cao, đòi hỏi các khoản chi lãi suất lớn. 

Việc cá nhân và hộ gia đình Mỹ dựa quá nhiều vào chính phủ trong hỗ trợ tài chính khiến số người tham gia vào lực lượng lao động thấp hơn so với Trung Quốc. Các cuộc chiến tranh, can dự quân sự ở nước ngoài cũng là gánh nặng với kinh tế Mỹ và xu thế này sẽ còn tiếp diễn khi ngân sách, chi tiêu quốc phòng tiếp tục được được nới rộng.

 Luật lao động và thói quen lao động cũng là một yếu tố kìm hãm khả năng cạnh tranh và xuất khẩu của Mỹ. Một ví dụ điển hình là trường hợp của hãng Tesla: Các nhà máy của hãng này ở California đã không đáp ứng được các cam kết về thời hạn giao hàng và chất lượng hàng hóa, buộc công ty phải di chuyển một số khâu sản xuất sang Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Mỹ phải gánh chịu chi phí luật sư, chi phí kiện tụng gấp đôi so với các nước khác.Đây là một cản trở lớn đối với doanh nghiệp trong việc tạo lợi nhuận và mở rộng sản xuất.

Bên cạnh đó, chi cho đầu tư và phát triển của Mỹ không duy trì được đà mở rộng, với mức tăng khiêm tốn chỉ 2-3%, trong khi tại Trung Quốc con số này là 17-18%. Tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu trong tương lai phụ thuộc vào việc nâng cấp sản phẩm để bán và đưa ra thị trường những mặt hàng mới. Ở điểm này, các doanh nghiệp cũng gặp bất lợi.

 Dự luật cải cách thuế nếu được thông qua sẽ thu hút các công ty Mỹ từng mở rộng sản xuất ở nước ngoài quay về đầu tư sản xuất trong nước, do thuế doanh nghiệp không còn cao như trước. 

Đà tăng GDP gần đây, tỷ lệ thất nghiệp giảm, lòng tin của người tiêu dùng đối với nền kinh tế gia tăng cộng với trợ giúp của Trung Quốc sẽ góp phần giải quyết vấn nạn thâm hụt thương mại của Mỹ. Thế nhưng vẫn còn đó những ngáng trở trong nước. 

Thâm hụt thương mại với Trung Quốc sẽ giảm, nhưng cần quãng thời gian dài để tạo ra điểm cân bằng. Cùng với đó, Mỹ sẽ phải thực thi những thay đổi đầy khó khăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục