Tiền tiết kiệm của các hộ gia đình có thúc đẩy sự phục hồi kinh tế?

06:30' - 14/03/2021
BNEWS Câu hỏi lớn đặt ra là liệu thế giới các nước giàu có có thể lặp lại thủ thuật thời hậu chiến với việc các khoản tiết kiệm dồn nén tạo ra khả năng hồi phục nhanh chóng hay không?

Các chính phủ ngày nay đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa khi vaccine giúp làm giảm số ca nhập viện và số người tử vong do COVID-19. Sự chú ý đang chuyển sang hình dáng của sự phục hồi kinh tế có thể diễn ra. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu thế giới các nước giàu có có thể lặp lại thủ thuật thời hậu chiến với việc các khoản tiết kiệm dồn nén tạo ra khả năng hồi phục nhanh chóng hay không?

Nếu so với các biện pháp kiểm soát kinh tế được thực hiện trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, các biện pháp hạn chế đối với các nhà hàng và sân vận động hiện nay nhìn có vẻ rất lỏng lẻo. Tại Mỹ, khi đó, chính phủ phân chia mọi thứ, từ cà phê đến giày dép và cấm sản xuất tủ lạnh và xe đạp. Năm 1943, toàn bộ ngành công nghiệp ô tô của Mỹ chỉ bán 139 chiếc. Hai năm sau, chiến tranh kết thúc và sau đó là một đợt bùng nổ kinh tế do tiêu dùng dẫn dắt. Người Mỹ sử dụng số tiền tiết kiệm mà họ đã tích lũy được trong thời chiến. Đến năm 1950, các nhà sản xuất ô tô Mỹ đã sản xuất hơn 8 triệu xe mỗi năm.

Nhu cầu bị dồn nén

Các hộ gia đình chắc chắn đã tích lũy được rất nhiều tiền. The Economist đã thu thập dữ liệu về tiết kiệm cá nhân - khoản chênh lệch giữa thu nhập sau thuế từ tất cả các nguồn thu và chi tiêu của người tiêu dùng - tại 21 quốc gia giàu có. Nếu đại dịch không xảy ra, các hộ gia đình có thể đã tiết kiệm được 3.000 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020. Trên thực tế, họ đã tiết kiệm được 6.000 tỷ USD.

Điều đó có nghĩa là họ đã "tiết kiệm vượt mức" khoảng 3.000 tỷ USD, tương đương với 1/10 chi tiêu hàng năm của người tiêu dùng ở 21 quốc gia này. Các hộ gia đình ở một số nơi tích lũy được nhiều tiền hơn những nơi khác. Ở Mỹ, khoản tiết kiệm vượt mức có thể sẽ sớm vượt quá 10% GDP, một phần là do kế hoạch kích thích trị giá 1.900 tỷ USD của tân Tổng thống Joe Biden đã được Thượng viện thông qua vào ngày 6/3.

Các hộ gia đình thường không tiết kiệm ở quy mô như vậy trong thời kỳ suy thoái. Một phần do thu nhập của họ thường giảm, vì lương bị cắt giảm hay bị mất việc làm. Tuy nhiên, chính phủ các nước giàu đã chi 5% GDP cho các kế hoạch hỗ trợ trả lương, trợ cấp thất nghiệp và các tấm séc kích thích trong thời kỳ đại dịch. Do đó, thu nhập của các hộ gia đình trên thực tế đã tăng trong năm qua. Đồng thời với đó, các biện pháp phong tỏa lại làm giảm cơ hội chi tiêu.

Người tiêu dùng sẽ làm gì với khoản tiền này? Nếu họ tiêu tất cả số tiền này trong một lần, tăng trưởng GDP của các nước giàu có thể sẽ vượt qua mức 10% trong năm 2021, tất nhiên lạm phát cũng gia tăng. Ở chiều ngược lại, các hộ gia đình không tiêu một đồng nào trong số tiền đó vì họ nghĩ rằng tiền thuế cuối cùng sẽ tăng lên để chi trả cho các gói kích thích khổng lồ.

Thực tế sẽ ở đâu đó giữa hai thái cực trên. Nghiên cứu của ngân hàng JPMorgan Chase cho thấy, tại nhiều nước giàu, tiêu dùng sẽ sớm phục hồi trở lại gần với mức trước đại dịch, thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu. Goldman Sachs, một ngân hàng khác, cho rằng ở Mỹ, việc chi tiêu khoản tiết kiệm vượt mức sẽ đóng góp 2% vào tăng trưởng GDP trong năm sau khi kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn. Điều đó cho thấy sự phục hồi khá nhanh cả về sản lượng và việc làm. 

Ngày 9/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lên mức 6,2% khi cho rằng tiết kiệm của hộ gia đình tạo ra "nhu cầu bị dồn nén".

Những yếu tố không chắc chắn

Tuy nhiên, những tính toán trên rất không chắc chắn và cũng không có nhiều tiền lệ, ngoài cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nguyên nhân là bởi hai yếu tố quan trọng, đó là số tiền tích lũy được phân bổ như thế nào trong các hộ gia đình và mọi người coi số tiền đó là thu nhập hay của cải.

Trước tiên hãy xem việc phân bổ số tiền tích lũy. Ở tất cả các quốc gia giàu có, những người giàu hơn đã tích lũy phần lớn số tiền tiết kiệm vượt mức này. Họ là người ít có khả năng bị mất việc nhất. Phần lớn chi tiêu của họ là tùy ý, chẳng hạn như vào các kỳ nghỉ hay các bữa ăn ở bên ngoài và nhiều dịch vụ trong số này đã bị đóng cửa trong đại dịch.

Một lượng lớn tiền tiết kiệm nằm trong tay những người giàu sẽ hạn chế khả năng xảy ra bùng nổ chi tiêu hậu phong tỏa bởi vì, bằng chứng cho thấy, những người này có xu hướng chi tiêu thấp hơn những gì họ kiếm được.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm của giới người giàu khác nhau giữa các quốc gia. Ở nhiều nước, những người có thu nhập thấp sẽ không có bất kỳ khoản tiết kiệm vượt mức nào để chi tiêu, ngay cả khi các biện pháp phong tỏa kết thúc.

Trong thời gian đại dịch, 25% số hộ gia đình nghèo nhất ở châu Âu có khả năng tăng tiết kiệm bằng một nửa so với nhóm giàu nhất. Ở Anh, nhóm 20% người nghèo nhất nói rằng, trong đại dịch, họ tiết kiệm được ít hơn so với trước đây. Những người Canada nghèo khó nhất đã không tiết kiệm được chút nào trong đại dịch.

Nước Mỹ có vẻ khác. Các biện pháp kích thích tài chính của nước này hào phóng một cách bất thường. Những tờ séc thứ ba, trị giá 1.400 USD, sẽ sớm được gửi đến gần như tất cả những người trưởng thành. Việc bổ sung tiền trợ cấp thất nghiệp đã đảm bảo rằng nhiều người mất việc làm đã kiếm được tiền từ nhà nước nhiều hơn mức họ kiếm được từ công việc của họ. Kết quả là những người Mỹ có thu nhập thấp có thể đã tiết kiệm được nhiều hơn những người giàu, so với thu nhập của họ.

Một nghiên cứu mới của JPMorgan Chase cho thấy vào cuối tháng 12/2020, số dư ngân hàng của những người Mỹ nghèo nhất cao hơn khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước, trong khi của những người giàu thì chỉ cao hơn khoảng 25%. Một nửa số người nghèo nhất thấy giá trị tài sản lưu động của họ tăng 11% trong năm qua, gần gấp hai lần mức tăng của 1% số người giàu nhất. Những người có thu nhập thấp và trung bình nhiều khả năng sẽ chi tiêu khoản tiền tiết kiệm hơn khi nền kinh tế mở cửa trở lại, giúp thúc đẩy sự phục hồi.

Có sự không chắc chắn lớn hơn xung quanh yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến sự phục hồi, đó là các hộ gia đình coi đống tiền đó của họ là thu nhập hay của cải. Đây không chỉ là sự phân biệt ngữ nghĩa. Nhiều nghiên cứu cho thấy các hộ gia đình có xu hướng tăng chi tiêu khi thu nhập tăng (ví dụ như khi lương tăng) hơn là khi tài sản tăng (như giá trị ngôi nhà của họ tăng). Các hộ gia đình đã tích lũy khoản tiết kiệm vượt mức theo nhiều cách khác nhau ở các quốc gia khác nhau.

Người dân Anh và khu vực sử dụng đồng euro thường chi tiêu ít hơn. Gertjan Vlieghe, một thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ Ngân hàng trung ương Anh, lập luận rằng mọi người không coi đây là “thu nhập thêm”. Ngược lại, ở Mỹ và Nhật Bản, tiết kiệm vượt mức là kết quả của việc thu nhập cao hơn nhờ các khoản kích thích, chứ không phải cắt giảm chi tiêu. Trong tình huống đó, ông Vlieghe cho rằng khoản tiết kiệm vượt mức “có thể có lý hơn để hiểu là ‘thu nhập thêm’”, khoản mà người tiêu dùng có thể vui vẻ chi tiêu hơn.

Và điều đó cho thấy một sự tương phản lớn với thời kỳ bùng nổ sau chiến tranh. Sự phục hồi của Mỹ đã đủ ấn tượng, nhưng châu Âu còn ấn tượng hơn thế với tốc độ tăng trưởng GDP hơn 50% trong suốt những năm 1950. Lần này thì khác. Khi đại dịch bùng phát, Mỹ lại là nơi nhiều biện pháp kích thích được thực hiện hơn và cũng là nơi người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Điều đó dường như khiến phần còn lại của thế giới giàu tụt lại đằng sau nước Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục